06/09/2024 19:05 GMT+7

Phủ xe buýt điện toàn TP.HCM vào 2030, Sở Giao thông vận tải đưa nhiều chính sách hấp dẫn

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã hoàn thiện đề án với nhiều chính sách hấp dẫn để các doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xe buýt điện...

Phủ xe buýt điện toàn TP.HCM vào 2030, Sở Giao thông vận tải đưa nhiều chính sách hấp dẫn - Ảnh 1.

Tuyến D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM, hoạt động từ tháng 3-2022. Tuyến buýt điện được người dân quan tâm bởi xe được trang bị các tiện ích hiện đại- Ảnh: TIẾN QUỐC

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cùng các sở ban ngành, doanh nghiệp và các hiệp hội vận tải... về lấy ý kiến xây dựng nghị quyết của HĐND TP ban hành kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP.

Phủ sóng xe buýt điện vào 2030

Việc xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM là một nhiệm vụ quan trọng, để thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan đã được Chính phủ giao triển khai tại các thành phố lớn.

Tại TP.HCM, nghị quyết 98 của Quốc hội cũng đã có cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân dùng xe sử dụng năng lượng sạch và phân vùng một số khu vực để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

TP.HCM đã thống nhất triển khai đề án theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng. 

Ở giai đoạn 2 sẽ xây dựng hoàn thành đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Trong đó xem xét phương án lựa chọn huyện Cần Giờ là một trong các đơn vị ưu tiên thực hiện thí điểm trong giai đoạn đầu chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hệ thống xe buýt TP hiện có khoảng 2.209 phương tiện. Trong đó có 546 xe điện, xe CNG; còn lại là xe sử dụng nhiên liệu diesel. Dự kiến đến năm 2030 TP.HCM sẽ tiếp tục mở thêm các tuyến mới, để nâng tổng số lượng xe buýt lên tới 3.317 xe.

Với số lượng phương tiện trên, dự kiến lượng phát thải của hệ thống xe buýt tại TP trong năm 2024 là 553.299 tấn CO2

Nếu không kịp thời có kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ thì đến năm 2030, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông của TP sẽ trở nên trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân và gây thiệt hại kinh tế cho TP.

Đến nay, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã hoàn thiện đề án giai đoạn 1. 

Để kịp thời báo cáo UBND TP và trình HĐND TP thông qua trong kỳ họp gần nhất, Sở Giao thông vận tải TP đề nghị các cơ quan sớm có ý kiến góp ý hồ sơ trước ngày 20-9 để tổng hợp và hoàn thiện các bước tiếp theo.

Nhiều chính sách hấp dẫn để nhà đầu tư yên tâm chuyển đổi xe buýt điện

Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, đầu tư xây dựng hạ tầng trạm sạc tại TP là rất lớn. 

Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ xe buýt TP sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh, đề án xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách với mức hỗ trợ hấp dẫn, giúp nhà đầu tư chủ động và yên tâm khi triển khai.

Theo đó nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế được vay vốn đầu tư tại Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM để chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh và đầu tư trạm sạc.

Đối với chính sách chuyển đổi phương tiện, mức vốn vay tối đa 85% tổng mức đầu tư của dự án. Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỉ đồng/dự án. 

Lãi suất vay cố định 3% đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay. Ngân sách TP sẽ hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay được công bố của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP với lãi suất vay cố định.

Đối với chính sách đầu tư trạm sạc, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án. Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 200 tỉ đồng/dự án. 

Lãi suất vay bằng 50% mức lãi suất cho vay được công bố của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay. Ngân sách TP sẽ hỗ trợ 50% mức lãi suất còn lại...

Đầu tư bổ sung các trạm sạc điện

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dự kiến nguồn kinh phí giai đoạn 2025-2030 là 3.521,3 tỉ đồng. Trong đó hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện giai đoạn 2025-2030 là 2.094,7 tỉ đồng, kinh phí hỗ trợ lãi vay đầu tư trạm cung cấp năng lượng điện: 79,4 tỉ đồng. Còn 1.347,2 tỉ đồng sẽ đầu tư xây dựng trạm sạc điện.

Từ nay đến 2030, TP.HCM sẽ đầu tư 25 trạm sạc điện với 269 trụ để bổ sung vào mạng lưới. Đồng thời xây dựng ba các trạm cung cấp nhiên liệu CNG tại tại bến xe Ngã 4 Ga, bến xe buýt quận 8, bến xe Miền Đông mới trong giai đoạn 2025-2026.

Xe buýt TP.HCM đứng trước cơ hội thay đổi lớn  - Ảnh 2.Hà Nội sẽ thay thế 100% xe buýt chạy dầu diesel sang xe buýt điện

Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn từ 2031-2035 sẽ thay thế xe buýt chạy bằng dầu diesel sang 100% xe buýt điện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp