Kỳ 1:
Phóng to |
Một mẩu trầm do phu trầm xứ Quảng tìm được - Ảnh: Đăng Nam |
Anh là Nguyễn Văn Oanh, 36 tuổi, ở thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) - một thợ trầm chính hiệu vừa mãn hạn tù từ.. nhà tù Malaysia trở về! Oanh là một trong số hàng trăm phu trầm Quảng Bình đã xuất ngoại tìm trầm theo các đường dây tìm trầm xuyên quốc gia vẫn âm thầm hoạt động dưới cái vỏ “đi du lịch nước ngoài“.
Biến phu trầm thành... du khách
Một ngày tháng 10-2011, chúng tôi gọi điện cho Xê, một phu trầm có hạng ở xóm Tự Đức (Huế). Đầu dây bên kia trả lời: “Tôi đang ở sân bay Tân Sơn Nhất, đi Malaysia lao động xuất khẩu”. Nhưng khoảng tám tháng sau đã thấy Xê trở về với chiếc xe tay ga xịn cáu cạnh. Tôi hỏi đi lao động xuất khẩu gì mà về nhanh vậy, Xê rỉ tai: “Xuất khẩu cái quái chi, tôi qua Malaysia đi trầm”.
Theo lời kể của Xê, việc xuất ngoại tìm trầm được tổ chức theo một đường dây rất quy mô và quy củ. Đầu nậu từ Malaysia điện sang Sài Gòn đặt hàng, “chân rết” từ Sài Gòn mới lần ra miền Trung để săn phu trầm. Và nơi họ tìm đến là Quảng Bình, Huế và Quảng Nam, nơi vốn nổi tiếng với “phong trào đi trầm” một thuở.
Tại Huế, có một vệ tinh của đường dây này tìm đến Cầu Hai, Tuần, Bình Điền và dĩ nhiên là phải đến xóm thợ trầm Tự Đức. Thông qua một đầu mối là trong vài ngày họ trưng tập đủ một đội. Theo ngày giờ hẹn sẵn, các đội thợ từ các nơi tụ tập về Sài Gòn.
Tại đây, thợ trầm sẽ được hóa thân thành du khách, được tập huấn cách sử dụng hộ chiếu, cách vượt qua kiểm soát của an ninh cửa khẩu khi nhập cảnh, cách “đạp trầm” ở Malaysia cũng như luật làm ăn. Xê kể thợ trầm tập trung về Sài Gòn nhiều lắm, cả hàng trăm người, nhưng chia lẻ ra nhiều nhóm để đi cho khỏi bị lộ.
Qua cửa khẩu, an ninh Malaysia tỏ vẻ nghi ngờ, Xê kể, nhưng rồi họ cho qua hết. Một tay chân của đầu nậu đã đứng sẵn ở cửa sân bay với chiếc xe buýt đưa cả “đoàn du khách” về thẳng khách sạn.
Toàn bộ giấy tờ, tiền bạc, tư trang đều được cai thợ tạm giữ. Tiếp đó, đoàn khách nhanh chóng bị lùa lên một dãy phòng trên tầng chót vót khách sạn, rồi nằm yên trong đó. Cai thợ người Việt nói tiếng Malaysia khá sõi yêu cầu không được tự tiện ra khỏi phòng.
Đến giờ ăn, cả đoàn khách lại bị lùa xuống xe buýt đưa đi. Ăn xong lại đếm người trả về khách sạn. Nằm chờ gần cả tháng vẫn chưa vô rừng được do chưa có tín hiệu. Xê nói cả bọn nằm trong khách sạn mà y như “ở tù”, khi chịu không nổi thì cai thợ xuất hiện phát cho vài đồng ringgit rồi lùa lên xe buýt đi siêu thị. Dạo đủ một vòng, mua vài thứ lặt vặt, chưa kịp ngó xem phố xá Malaysia thì lại bị lùa lên xe về khách sạn.
Khi tín hiệu đường đã thông, cả “đoàn du khách” balô lên đường. Xê kể xe buýt chỉ chạy độ ba giờ là đã thấy rừng rậm núi cao nằm bên đường.“Đoàn du khách” được thả xuống và chỉ trong khoảng hai giờ cắt rừng là đã đến “cội” - nơi hạ trại.
Từ đây, mỗi ngày các thợ trầm tỏa ra tám hướng để tìm trầm, đến chiều tối thì theo dấu cũ mà về lại “cội”. Xê nói rừng Malaysia còn nhiều trầm lắm, chỉ đạp rừng nửa ngày là thấy ngay. Trầm ở đây là trầm dó, tức trầm kết tinh trên cây dó đang còn sống, khác với trầm rụi là cây đã già rụi, phải đào xuống đất mới tìm thấy.
Chỉ cần gặp một cây dó có trầm là có thể trúng ngay vài chục ký. Hàng làm xong đã có người của đường dây mua tại chỗ nhưng với giá rất rẻ. Không muốn bán cũng không sao, nhưng chỉ cần cảnh sát rừng xuất hiện là coi như đi tù. Bỏ chạy là bị bắn chết ngay. Vì vậy, hầu hết thợ trầm đều bán hàng tại chỗ.“Với cái giá đó, nậu nó lời vô kể anh ơi”, Xê nói. Biết vậy nhưng có phu trầm nào, ngay cả người liều nhất, lại muốn bỏ xác ở cái nơi rừng rú xa lạ này.
Vậy mà Xê đã đánh liều, sau khi bán gần hết hàng cho nậu, Xê để dành mấy ký hàng ngon nhất, gói kỹ trong balô. Xê viện cớ con nhỏ bệnh nặng để xin nậu cho về thăm nhà. Và Xê đã ôm chiếc balô ấy qua trót lọt cả hai cửa khẩu, về đến Sài Gòn bán được hơn hai trăm triệu.“Tôi là thằng đạp trầm có tiếng gan lì, rứa mà cũng sợ, vì bên đó bỏ mạng dễ quá. Cảnh sát bắn cũng được, bọn trấn lột lấy hàng rồi còn bắn, mấy đứa Quảng Bình chết nhiều lắm. Lỡ chết thì mần răng đưa xác về cho vợ con?”, Xê mím môi với vẻ mặt vẫn chưa hết hoảng sợ. Dù sao Xê cũng may mắn hơn nhiều bạn thợ khác, ví như Oanh, “tù nhân” bất đắc dĩ mà chúng tôi vừa nhắc ở đầu câu chuyện.
Phóng to |
Ông Phạm Hậu (làng Trúc Ly, Võ Ninh) sau những năm “du lịch tìm trầm” nay chỉ ở nhà theo nghề “xoi” trầm dó làm cảnh - Ảnh: Lam Giang |
Tù và tội
Chúng tôi tìm về gặp anh Nguyễn Văn Oanh, khi anh đang loay hoay sửa lại chiếc máy cày cho gia đình để chuẩn bị vụ lúa mới. Nếu không có một người bạn giới thiệu thì không ai nghĩ anh Oanh vừa mới mãn hạn tù tại Malaysia trở về. “Đúng 29 tết vừa rồi tôi được về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Phải gọi là mừng như sống lại” - anh Oanh run run.
Anh Oanh kể tháng 9-2012, được một lái trầm thuê qua Malaysia “ăn trầm” với tấm hộ chiếu du lịch nhưng thực chất là đi làm thuê cho lái. Cùng đi trong nhóm anh có hàng chục người như thế. Ban đầu qua, cả nhóm hơn chục người được nhét vào ở chung một ngôi nhà ngay rìa rừng.
Trong nhà đã có sẵn khoảng 50 người khác. Thức ăn được lái mua sẵn. Nhưng phải ăn đua với nhau, nếu không là hết cơm. Ngủ thì đông quá, nhà chật, có khi phải ngủ ngồi. Sau vài ngày, lái cho xe đến chở từng nhóm một tung vào rừng. Mỗi người mỗi cuốc, dao tự xăm rừng tìm trầm, khi có hàng tự gùi về.
Trầm ở Malaysia không như trầm Việt Nam mà chất lượng thấp hơn nên giá bán theo đó cũng rẻ hơn. Mỗi ký trầm thường được bán ở rừng giá gần 1 triệu đồng. Lái sẽ mua lại của phu trầm và đưa đi tiêu thụ. Phu trầm chỉ có việc đi tìm giữa rừng và đưa về bán cho lái. Nếu bị bắt thì tự chịu, bị bắn cũng tự chịu. Lái bỏ mặc. Có chăng chỉ là phu trầm tự giúp nhau.
Với những phu trầm mới đi, thường bị lái ép do không biết đường. Mỗi ký trầm khi gùi ra bị lái ép bán với giá có khi chỉ 200.000 đồng. Phu trầm không biết bán cho ai ngoài lái vì lạ nước lạ cái nên đành chấp nhận. Những ngày bị cầm tù, lái cũng không một lời hỏi thăm hay động viên.
Hơn một tháng sau khi đặt chân lên đất Malaysia, trong lúc đang chuẩn bị đồ đạc vào rừng tìm trầm thì anh Oanh bị cảnh sát ập vào bắt giữ. Anh bị 5 tháng tù nước sở tại. Ở chung nhà tù với anh có rất đông người từ tất cả các nước trong khu vực, trong đó người Việt cũng hơn chục người. Khi nghe anh báo về sắp mãn hạn tù, mẹ anh từ quê mới vay mượn gửi qua 500 đôla cho con có tiền mua vé máy bay và làm thủ tục về nhà.
Tuy nhiên được ở tù và còn sống trở về như anh Oanh là điều may mắn.
___________
Kỳ tới: Bỏ mạng xứ người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận