Ca sĩ Ngọc Anh mang đến đêm nhạc nhiều ca khúc mang đậm một Phú-Quang-Hà-Nội, xen lẫn với những tâm sự, những ký ức về cố nhạc sĩ - Ảnh: MAI THƯƠNG
Đêm nhạc cũng cho thấy một Phú Quang rộng dài trong âm nhạc, hơn những gì quen thuộc mà người hâm mộ biết về ông.
Nó có những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang, có những bản nhạc ông viết cho vợ, cho con, cho bố, cho bạn bè, cho Hà Nội, và tất nhiên, cho nhiều phận người; có những kỷ niệm bạn bè, kỷ niệm âm nhạc không thể phôi pha giữa người nhạc sĩ ấy với gia đình, với tri kỷ trong đời sống và trong âm nhạc được ôn lại để nhắc nhớ về người nhạc sĩ tài hoa vừa ra đi tròn một năm. Một đêm nhạc do các con ông đứng ra chăm chút tất cả, không bán vé.
Gần 600 tri kỷ của Phú Quang cùng về Nhà hát lớn Hà Nội, ngồi với nhau trong một đêm đông Hà Nội, dẫu chẳng lạnh như "chiều đông Matxcơva", thì vẫn đủ cộng hưởng lên một không khí rất Phú Quang, một đêm nhạc "Phú Quang nhất" như ước nguyện của các con ông khi thực hiện chương trình này.
"Mới thôi... mà đã một đời" được tổ chức tại thánh đường Nhà hát lớn Hà Nội như các đêm nhạc Phú Quang khi ông còn sống và tự tổ chức - Ảnh: MAI THƯƠNG
Không ngạc nhiên khi con gái cả Trinh Hương - một nghệ sĩ piano - đã chọn phần khí nhạc và nhạc phim của bố để đưa lên đầu chương trình. Là một nghệ sĩ nhạc cổ điển, cô đồng cảm với bố mình nhiều hơn ở mảng nhạc này.
Và cũng còn một lý do khác, quan trọng hơn, đó là cô muốn cho khán giả được thấy sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, sâu sắc hơn của bố chứ không phải chỉ có một Phú Quang của những ca khúc trữ tình da diết buồn.
Trinh Hương cũng muốn được hoàn thành tâm nguyện của bố lúc sinh thời: một dự án gắn liền với giao hưởng. Cô cho biết lúc cuối đời bố cô đã đau đáu với kế hoạch có đêm nhạc đồ sộ với dàn nhạc giao hưởng.
Đêm nhạc được xây dựng công phu, quy mô lớn với sự góp mặt của hàng trăm nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và nhạc trưởng Honna Tetsuji - Ảnh: MAI THƯƠNG
Và đêm nhạc Mới thôi mà đã một đời có gần 100 nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji không chỉ biểu diễn các tác phẩm khí nhạc dành tặng vợ, con gái…, nhạc phim Bao giờ cho đến tháng mười, mà còn trình diễn cùng hai ca sĩ Tùng Dương, Ngọc Anh những bản tình ca đẹp và ý nghĩa của Phú Quang.
Nhạc trưởng Honna Tetsuji gây xúc động cho khán giả khi tiết lộ ông chỉ huy dàn nhạc bằng chính cây đũa chỉ huy mà 5 năm trước Phú Quang đã tặng cho ông.
"Người kể chuyện" đầu tiên trong đêm nhạc là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh với những ký ức về nhạc sĩ Phú Quang cùng bộ phim "Bao giờ cho đến tháng 10" đã lấy nước mắt của nhiều khán giả - Ảnh: MAI THƯƠNG
Còn đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh thì làm người nghe nghèn nghẹn như chính ông khi kể về căn phòng nhỏ chỉ rộng chừng 10m2, đủ kê một chiếc đàn piano trong một con ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên mà Phú Quang đã sống và sáng tác nhạc phim cho bộ phim sau này đã đi khắp thế giới, trở thành niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam suốt mấy chục năm qua - Bao giờ cho đến tháng mười.
Bản nhạc Tình yêu của biển Phú Quang viết cho người vợ thứ hai - Hồng Nhung - năm 1976 được chọn mở màn đêm nhạc, chính là bản nhạc quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam trước đây khi hàng chục năm nó được dùng làm nhạc hiệu của nhiều chương trình văn nghệ trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Một phân cảnh ấn tượng trong trích đoạn giao hưởng thơ Ngoảnh lại - Ảnh: MAI THƯƠNG
Hát trong đêm nhạc đặc biệt, kỷ niệm giỗ đầu Phú Quang, Tùng Dương hoàn toàn tuân theo yêu cầu của người nhạc sĩ lúc sinh thời là "đừng lên đồng nhiều".
Anh hát tiết chế, từ tốn, có phần khẽ khàng các ca khúc trữ tình Em ơi Hà Nội phố, Mẹ, Mai đành xa sông Thương thật thương, Ngọn nến (song ca cùng Ngọc Anh)...
Đến trang phục biểu diễn trong đêm nhạc anh cũng chọn giản dị, thanh lịch chứ không "lồng lộn" như trong các live show cá nhân của anh. Thậm chí ngay cả khi Tùng Dương "lên đồng" trong ca khúc Chiều phủ Tây Hồ thì cũng là "nghe lời" Phú Quang: "Cháu cứ lên đồng thoải mái ở bài hát này".
Ngọc Anh thì vẫn "quằn quại" xúc cảm sâu xa như trước nay cô hát Phú Quang. Cô vẫn xứng danh là ca sĩ hát nhạc Phú Quang được yêu thích nhất.
Ngọc Anh hát các ca khúc quen thuộc từng gắn với tên tuổi mình: Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Tôi muốn mang hồ Gươm đi, Trong giấc mơ xưa , Đêm Á đào, Lời rêu, Quạnh hiu, Ngọn nến (song ca cùng Tùng Dương).
Đây là lần đầu tiên Tùng Dương hát nhạc Phú Quang cùng dàn nhạc giao hưởng - Ảnh: MAI THƯƠNG
Có một chi tiết thú vị trong đêm nhạc: Tùng Dương do tập gấp bài Mai đành xa sông Thương thật thương trước đêm nhạc một ngày do bài hát được thêm vào trong ngày cuối, lại không muốn nhìn màn hình nhắc lời khi hát nên đoạn vừa vào bài Tùng Dương đã quên lời một chút.
Với bản lĩnh sân khấu vững vàng, Tùng Dương đã xử lý nhanh gọn theo cách dễ thương. Anh xin hát lại (dù khán giả chẳng thể nhận ra anh nhầm lời bài hát do chưa được nghe trước đây), và dàn nhạc cũng phản ứng cực nhanh theo ca sĩ, nên chương trình hoàn toàn không bị "vấp".
Tùng Dương diện áo dài đỏ khi hát Chiều phủ Tây Hồ - Ảnh: MAI THƯƠNG
Sau bài hát, Tùng Dương chân thành xin lỗi khán giả theo một cách tự nhiên và tự tin, lại "bù đắp" thêm một đoạn hát "chay" đoạn cuối ca khúc Đâu phải bởi mùa thu trong khi bước xuống tận hàng ghế khán giả.
Anh còn xin lỗi thêm một lần nữa khi trở lại vào cuối chương trình. Khán giả đương nhiên chẳng thể "giận" một tấm lòng, một bản lĩnh như thế, còn thấy thương, thấy nể.
Nhà thơ Thái Thăng Long là "người kể chuyện" thứ hai trong đêm nhạc - Ảnh: MAI THƯƠNG
Từ sân khấu quay trở lại cánh gà, nhà thơ Thái Thăng Long không kìm được nước mắt với những ký ức xúc động về người bạn của mình - Ảnh: MAI THƯƠNG
Sau mỗi lần hát, Ngọc Anh đều nghẹn giọng như cố kìm nước mắt. Cô cũng tâm sự mình đã cố để không khóc trong đêm nhạc này - Ảnh: MAI THƯƠNG
"Ngọn nến" được chọn là ca khúc kết thúc, như bao lần khác nhạc sĩ Phú Quang cũng chọn để khép lại đêm nhạc của mình - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận