Phóng to |
Nguyễn Hoàng Điệp tại diễn đàn các nhà sản xuất thế giới - một hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes - Ảnh: NVCC |
Lần thứ 3 đến Cannes và là lần đầu tiên ở lại ngắn ngày, ban tổ chức phát cho tôi một cái bagde (thẻ đeo) vô cùng căn bản, loại bagde mà bạn chẳng thể vào những nơi bạn muốn, loại mà việc bạn có nó lủng lẳng ở cổ chỉ giúp bạn qua được mấy cái rào chắn ở vòng “gửi xe”.
Phù phiếm và hình thức - thế mới vui
Chuẩn bị cho hội thảo thú thực là hơi căng thẳng, chiều 21-5, Loic Wong (từ Trung tâm văn hóa Pháp) có nói với tôi là đã mời Cục Điện ảnh nhưng rất tiếc không ai tới được. Tôi càng lo thêm, vì thường trong các hội thảo như vậy có khá nhiều câu hỏi mà tôi với tư cách là một nhà làm phim độc lập rất khó trả lời hoặc cắt nghĩa cho thỏa đáng.
Ban tổ chức hỏi tôi có cần thêm gì không, chả lẽ tôi lại nói cần ai đó giúp trang điểm trông cho đẹp đẽ lịch sự? Tại vì tôi sang Cannes sau một thời gian bù đầu bù cổ vì hậu kỳ phim nên nói thật nhìn cũng hơi tơi tả và tôi chả thích show up cái vẻ tất tả ấy với các bạn đồng nghiệp khác.
Tôi chuẩn bị 2 bộ: một là áo phông cờ đỏ sao vàng với khẩu hiệu TÔI YÊU VIỆT NAM, hai là áo dài đỏ chót cực kỳ diêm dúa. Và cuối cùng thì sau khi lượn lờ hít thở cái không khí vừa điên rồ vừa phóng khoáng của Cannes, tôi lại chọn một cái áo nhung… màu xanh thẫm.
Sáng ra, đến pavilion của Les cinemas du Monde từ sớm, rảnh rỗi nên tôi đứng xem các loại tạp chí và tài liệu theo ngày của liên hoan phim.
Tôi cười rinh rích vì cuốn nào cũng ngập tràn chuyện sao nào mặc váy gì, đeo trang sức của hãng nào, sao nào mặc trùng váy với sao nào, sao nào đến vì đại diện cho nhãn rượu nào, sao nào vừa mới lộ hàng lúc không kịp giữ váy trên thảm nhung, sao nào nổi tiếng nhưng mãi chả có phim, sao nào không ai biết bỗng dưng nhơn nhơn trên thảm chẳng được ai chụp hình thì lôi điện thoại nạm kim cương ra tự sướng.
Những sao được quan tâm ghê gớm lắm khi lại là một cô người mẫu đồ lót hiện đang yêu một anh cầu thủ. Tóm lại, cả đôi chả đóng góp gì cho phim ảnh nhưng mà dân tình cứ thấy là nhao nhao lên…
Cannes là thế, cứ phải có gì phù phiếm và thật là hình thức, thế mới vui. Ngoái đầu lại mấy đạo diễn trẻ đang cặm cụi thuyết trình… chả biết mai này trong số họ, ai sẽ lang thang trên thảm với vài ngôi sao nổi tiếng.
Phóng to |
Nguyễn Hoàng Điệp (giữa) - nữ đạo diễn trẻ VN đã lần thứ ba đến Cannes và đang chờ để Đập cánh giữa không trung của cô được bay lên - Ảnh: NVCC |
Rồi cũng hót (host) ở Cannes
Giờ G đã điểm, khoản đúng giờ thì Tây hơn hẳn ta, nhưng mà vì đây là Cannes nên thực ra cũng cộng trừ du di hơi bị rộng. Rất nhanh chóng vào đề và rất nhanh chóng tôi ngập trong vô số câu hỏi.
Các bạn đang chăm chú lắng nghe cũng giống tôi nhưng thực ra giỏi hơn tôi: đều đến từ những quốc gia mà điện ảnh là tiếng nói cá nhân đang có nguy cơ bị đè bẹp bởi nhiều tiếng nói đồng thanh mưu cầu lợi ích bạc tiền khác.
Họ cũng đều cần tiền không phải để sống mà để cho phim sống, đều đang khởi đầu sự nghiệp của mình với trái tim nóng và cái đầu đôi lúc khá… cúc cu. Nói họ giỏi hơn tôi vì liếc vào CV, hầu hết đều gặt hái thành công ở các LHP hạng A, giải thưởng găm dày đặc.
Chủ yếu mọi người quan tâm tôi đã đi đâu, làm gì trong vòng một năm để có đủ tiền? Rồi sau đó làm sao để bảo vệ tính cá nhân cho phim khi làm việc cùng lúc với nhiều đồng sản xuất? Làm sao để nắm rõ những kiến thức căn bản cần có về hệ thống sản xuất phim ở châu Âu? Làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho việc thi tuyển vào các quỹ công? Những quỹ nào nên đến trước, quỹ nào nên đến sau? Giải quyết tâm lý ra sao nếu phải chờ đợi quá lâu mà vẫn không đủ tiền làm phim?
Hai đồng sản xuất của tôi bắt đầu chia sẻ về lý do họ chọn dự án của tôi tại La fabrique, thật thú vị khi nghe người khác nói những lời tốt đẹp về mình, về kịch bản của mình… Và một lần nữa mọi người nhắc để tôi nhớ rằng từ Cannes 2012 đến Cannes 2013 mà tôi đã tiến hành quay là cả một hành trình đầy mơ mộng về mặt ý tưởng nhưng khắc nghiệt về mặt thực tiễn.
Hiện giờ các quỹ công càng ngày càng ít và càng ngày càng khó, một vài quốc gia giàu có như Na Uy chẳng hạn, cũng đang cân nhắc việc đóng cửa quỹ công… Thế nên việc gặt hái được thành công về mặt tài chính cho giai đoạn tiền kỳ đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều và ngẫm lại, tôi thấy thật khó hiểu vì sao tôi lại kiên nhẫn và cứng đầu đến thế.
Hôm nay thì ướt nhưng trong nhà rất ấm
Rời vị trí của “người chia sẻ”, tôi bắt đầu lao động như tất cả các bạn ở đây - lính mới - đang cần cơ hội để cống hiến. Rồi rất nhanh chóng, tôi chiếm lấy một góc bàn, mở máy tính và chờ những nhà sản xuất đầu tiên quan tâm đến Thiên đường bỏ ngỏ của đạo diễn Síu Phạm.
Mưa to gió lớn, mọi người đều lướt qua vội vã, chắc ít ai biết trong pavilion này vừa xuất hiện thêm một dự án phim mới, đến từ vùng đất cũng hơi mơi mới mang tên VN.
Thôi thì cứ chờ cái đã, một kinh nghiệm cho những kẻ mộng mơ là dù lơ mơ đến mấy cũng đừng nên nghiêng theo ảo tưởng, cái ranh giới ấy nó rất mong manh và vì vậy mà làm phim rất cần tỉnh táo.
Tiếng mưa thực sự rất ồn ào, kiểu như cố tình phá bĩnh. Gabrielle - người điều phối của La fabrique, nhắc khéo cứ Điệp đến Cannes là Cannes có bão… Ơ, quả tình là thế nhỉ, 2012 cũng ở đây, trời đang nắng đẹp, đến lúc tôi thuyết trình, bão to kéo về, thuyền bè chạy tán loạn.
Cảm giác lúc ngồi trò chuyện là vui và hạnh phúc xen tí tự hào nữa, vì tôi đang ở đây, ấm áp và khô ráo giữa những nhà làm phim đầy ắp nhiệt thành, thay vì phải lết cái đuôi cá trên thảm dài sũng nước giữa trời mưa gió, cắn răng chịu lạnh để tạo dáng…
Tấm hình của ngày hôm nay rồi ngày mai sẽ được thay bằng hình khác, giống như người ta thay chai rượu mới, thay bộ đồ mới.
Chỉ có những thước phim, khi đã bắt đầu tỏa sáng là sẽ ghi lại một khoảnh khắc - tạo dựng một vị trí không gì thay thế được, vậy thôi. Cái này thì Cannes cũng công bằng đấy chứ, 67 năm rồi - điện ảnh đích thực được tôn vinh!
Ngắm kỹ lại poster của Cannes năm nay, càng thấm thía rằng muốn tạo ra một khoảnh khắc vĩnh cửu (như Marcello đã làm trong bộ phim kinh điển 8½ của Federico Fellini) thì người ta không thể cứ mặc cho đẹp và cười cho đẹp trên tấm thảm nhung kia mà được.
Cannes lần thứ 67 ngốn hết 27 triệu euro để mang đến 1.350 buổi chiếu cả trong liên hoan lẫn ngoài hội chợ, 200 foot thảm đỏ dành cho 30.000 người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và 127.000 khách tham quan dẫm qua dẫm lại hằng ngày. Hoành tráng là vậy nhưng Cannes 67 đi vào lịch sử với con số 1 khi chủ tịch của LHP là một phụ nữ duy nhất giành được Cành cọ vàng (Jane Campion - với The Piano 1993).
Đợi chờ Cannes 68, biết đâu cờ đỏ sao vàng sẽ tung bay đầy kiêu hãnh ở khu “Làng quốc tế” không phải để chứng tỏ VN có điện ảnh, mà để những nhà làm phim VN có thể chỉ vào đó mà nói với bạn bè quốc tế: “Qua pavilion của bọn tao trú mưa, ta làm chén trà và cùng xem một bộ phim nhé!”. Hôm nay thì… trong rất ấm nhưng ngoài trời rất ướt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận