28/06/2018 14:00 GMT+7

Phụ nữ Trung Quốc luyện công dung ngôn hạnh 'kỷ nguyên Tập Cận Bình'

PHÚC LONG (Theo Washington Post)
PHÚC LONG (Theo Washington Post)

TTO - Sau nhiều thập niên mở cửa, Trung Quốc đang dần quay lại với những giá trị "truyền thống", tiêu biểu là tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Phụ nữ Trung Quốc luyện công dung ngôn hạnh kỷ nguyên Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Một sinh viên thực hành nghi thức trà đạo trong lớp học tại Đại học Chiết Giang - Ảnh: WP

Tháng 3-2018, không lâu sau khi Trung Quốc bãi bỏ nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Đại học Chiết Giang và Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc mở một khóa học dạy nữ sinh cách ăn mặc, rót trà, đứng ngồi... để chuẩn bị cho cái gọi là "kỷ nguyên mới của Tập Cận Bình".

Mục tiêu của lớp học là đào tạo ra những phụ nữ "thông thái", "rạng ngời" và " hoàn hảo", trong đó "thông thái" nhờ nghiên cứu lịch sử và văn hóa Trung Quốc, "rạng ngời" nhờ các lớp học nghi thức và vẽ tranh sơn dầu, "hoàn hảo" nhờ biết cách trang điểm (không bao giờ quá đậm).

"Phụ nữ chỉ ngồi trên 2/3 mặt ghế, không được chiếm trọn chiếc ghế. Tiếp theo, bụng co lại, thả lỏng vai, hai chân khép lại..." - Duan Fengyan, 21 tuổi, sinh viên ngành kế toán thuộc Đại học Chiết Giang ,vừa mô tả vừa thị phạm những gì cô được học cho nhà báo người Mỹ.

Vợ hiền và bà nội trợ

Sau nhiều năm du nhập các giá trị phương Tây, Trung Quốc dường như đang quay lại với những thứ "truyền thống" họ cho là phù hợp hơn, chẳng hạn ý tưởng đàn ông là trụ cột lao động, còn phụ nữ trước hết chỉ nên là vợ và bà nội trợ.

Bà Sheng Jie - người điều phối chương trình "Phụ nữ kỷ nguyên mới" của Đại học Chiết Giang, giải thích họ làm theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng phải giáo dục trong văn hóa truyền thống Trung Quốc để giúp phụ nữ cạnh tranh trên thị trường lao động, và chuẩn bị họ cho vai trò gia đình.

"Vai trò gia đình của phụ nữ bây giờ quan trọng hơn nhiều" - bà nhấn mạnh.

40 năm sau công cuộc đại lột xác về kinh tế, phụ nữ Trung Quốc ngày nay nhìn chung khỏe mạnh hơn, giàu có hơn và được giáo dục tốt hơn trước. Nhưng họ đang mất dần vị thế trước đàn ông.

Từ khi nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình bắt đầu, thứ hạng của Trung Quốc trong Báo cáo đánh giá khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã giảm đáng kể - từ hạng 69/144 quốc gia năm 2013 rớt xuống hạng 100/144 năm 2017.

Giới lãnh đạo Trung Quốc dường muốn phụ nữ được giáo dục, nhưng họ lo hơn về chuyện phụ nữ có học thức không muốn lấy chồng, sinh con, làm tồi tệ thêm tình trạng nam thừa, nữ thiếu do chính sách một con gây ra, và hệ quả sẽ là đất nước mất ổn định.

"Đường hướng tương lai của Trung Quốc là phụ nữ chỉ nên giữ vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình" - học giả Leta Hong Fincher, tác giả quyển sách Nữ quyền thức tỉnh ở Trung Quốc, bình luận về chính sách của Bắc Kinh.

Mặc dù lối suy nghĩ lạc hậu trên đã quay trở lại Trung Quốc trong ít nhất 10 năm qua - chủ yếu qua các thông điệp phân biệt giới tính trong hôn nhân - chương trình của Đại học Chiết Giang là khóa học "công, dung, ngôn, hạnh" chính quy đầu tiên dưới thời Tập Cận Bình.

Theo văn hóa truyền thống, phụ nữ nên khiêm tốn và dịu dàng, còn vai trò của đàn ông là làm việc bên ngoài và chu cấp cho gia đình. Tôi muốn trở thành hình mẫu cho con cái.

Nữ sinh viên Duan Fengyan, 21 tuổi

Phụ nữ Trung Quốc luyện công dung ngôn hạnh kỷ nguyên Tập Cận Bình - Ảnh 3.

Một phụ nữ đứng trước tấm chân dung của ông Tập Cận Bình (phải) tại thành phố Thượng Hải - ảnh: WP

Kỷ nguyên Tập Cận Bình

Trong 5 năm đầu trên ghế quyền lực, ông Tập Cận Bình thể hiện bản thân là người ủng hộ nữ quyền. Trong một bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, ông tuyên bố bình đẳng cho phụ nữ là một "sứ mệnh cao cả".

Nhưng sau đó, thay vì đẩy mạnh sự bình đẳng, chính sách Tập Cận Bình chủ yếu tập trung vào tầm nhìn "gia đình hòa hợp", trong đó người cha lo làm việc, còn người mẹ đảm đang lo cho con cái và người lớn tuổi. 

Người hoạch định chính sách gọi đó là các giá trị Khổng Tử - hạt nhân của nền văn hóa Trung Quốc. Nhưng giới phê bình tranh luận rằng văn hóa luôn thay đổi, và Trung Quốc nên nhìn về phía trước chứ không nên nhìn về đằng sau.

"Văn hóa truyền thống của chúng tôi đầy rẫy giới hạn và chèn ép đối với phụ nữ. Chúng tôi có thể nào đẩy phụ nữ trở lại vai trò truyền thống?" - Lu Ping, một nhà hoạt động nữ quyền của Trung Quốc, trao đổi với báo Washington Post.

Phụ nữ Trung Quốc luyện công dung ngôn hạnh kỷ nguyên Tập Cận Bình - Ảnh 4.

Phụ nữ Trung Quốc tập một điệu múa tuyên truyền ở Bắc Kinh - Ảnh: WP

Năm ngoái, một công ty ở miền bắc Trung Quốc gây ồn ào dư luận với khóa học "văn hóa truyền thống" cho phụ nữ. Học viên được dạy cúi đầu chào người chồng, phải "im miệng và lo làm việc nhà"...

"Đừng chống cự khi bị đánh. Đừng cãi lại khi bị mắng. Và tuyệt đối không được ly hôn dù chuyện gì xảy ra!" - đây là lời giáo huấn của một giáo viên. Một người khác thì dạy: "Phụ nữ chỉ nên ở dưới cùng của xã hội và không nên đòi hỏi thêm (!)".

Li Ziyi, 19 tuổi, sinh viên ngành giáo dục mầm non, kể cô đã được dạy nhiều năm trước rằng đối với phụ nữ, điểm số tốt vẫn chưa đủ. 

"Hồi còn trung học, giáo viên nói với chúng tôi rằng kỳ thi đại học là kỳ thi công bằng cuối cùng trong cuộc đời, đơn giản vì nó không nhìn vào mặt chúng tôi" - cô nhớ lại.

Bà Sheng Jie - giáo viên Đại học Chiết Giang, từ chối bàn về nữ quyền khi được hỏi. "Đất nước đang tập trung vào văn hóa truyền thống, nên chúng tôi cung cấp các khóa học. Đây là một kỷ nguyên mới. Lịch sử đang đi theo một hướng tốt đẹp hơn" - bà "đánh trống lảng".

Mê lực phiêu bạt ở đô thị phồn hoa của người trẻ Trung Quốc

TTO - Vì lý do sinh tồn và phát triển sự nghiệp, hầu hết sinh viên Trung Quốc đều muốn ở lại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu.

PHÚC LONG (Theo Washington Post)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp