18/12/2018 10:35 GMT+7

Phụ nữ Trung Quốc chi mạnh tay

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Sự tự chủ của phụ nữ châu Á, đặc biệt của quốc gia đang hùng mạnh hơn về kinh tế như Trung Quốc, đã tạo ra làn gió mới cho kinh tế tiêu dùng.

Phụ nữ Trung Quốc chi mạnh tay - Ảnh 1.

Mua hàng xa xỉ trong cửa hàng hiệu Louis Vuitton tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) - Ảnh: Reuters

Báo cáo của Ngân hàng Julius Baer cho thấy nhiều điều thú vị: những đối tượng đang mạnh tay mua sắm là những người trẻ ở châu Á, đa phần là phụ nữ và là những người đã tự làm ra tiền. 

Báo cáo cũng cho thấy phụ nữ ở Trung Quốc đang chiếm thị phần mua sắm lớn đối với hàng xa xỉ của thế giới.

Cụ thể là người giàu ở Trung Quốc mua đến 1/3 lượng hàng xa xỉ đã bán ra trên thế giới trong năm 2017 và đứng hàng đầu về tỉ lệ tăng trưởng trong mua sắm tiêu dùng. 

Nghiên cứu của McKinsey cho biết người Trung Quốc mua hơn 500 tỉ nhân dân tệ (hơn 72 tỉ USD) hàng xa xỉ mỗi năm. 

Như vậy là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chiếm giữ vị trí của Nhật vốn luôn giữ vị trí quán quân về mua sắm hàng hóa giá trị cao trên thế giới trong những năm 1980-1990.

Các nhà phân tích cũng cho rằng việc khách hàng nữ chi mạnh trong lĩnh vực hàng xa xỉ cao cấp cũng là lẽ đương nhiên bởi họ là... phụ nữ. 

Nhưng hiện tượng đáng chú ý gần đây ở châu Á là số phụ nữ tự kiếm tiền, đến mức triệu đô, đã trở thành chuyện thường tình. 

Hỗ trợ cho hiện tượng "tự kiếm tiền" này chính là việc phụ nữ châu Á cũng không còn bị xem là công dân hạng hai mà đã dần bước chân lên vị trí lãnh đạo cao hơn trong doanh nghiệp - đồng nghĩa với thu nhập ngày càng cao hơn. 

Trong năm 2017, phụ nữ đã chiếm ít nhất 31% các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực châu Á.

Hiện tượng phụ nữ Trung Quốc mạnh tay chi tiêu cho các sản phẩm hàng xa xỉ đắt tiền và chất lượng cao được ghi nhận ở việc các sản phẩm hàng hiệu này lại giúp cho họ thăng tiến tốt hơn trên bình diện xã hội và nghề nghiệp. 

Các nhà phân tích của Ngân hàng Julius Baer cho biết phụ nữ đã làm thay đổi cơ cấu khách hàng hàng hiệu tại Trung Quốc trong vòng năm năm qua, chuyển từ khách hàng nam sang nữ.

Nếu như trước đây hàng hóa đắt tiền bán ở Trung Quốc chủ yếu là xe xịn, hạng sang (do đàn ông mua sắm) thì trong năm mặt hàng xa xỉ "ăn khách" nhất hiện nay có các chuyến du lịch hạng sang, nữ trang, thời trang cao cấp và đồng hồ xịn.

Thêm một điều đáng lưu ý nữa: phụ nữ châu Á mua sắm không đơn thuần chỉ là mua sắm để chưng diện mà còn xem đó như một cách đầu tư và họ đặc biệt tin vào khả năng đầu tư tài chính của mình, hơn hẳn phụ nữ phương Tây. 

Cũng vì thế các nhà phân tích của Ngân hàng Julius Baer tự tin lưu ý: "Sự giàu có ngày càng tốt hơn của phụ nữ châu Á cần được lưu tâm. Những nữ khách hàng và cũng là nhà đầu tư châu Á này sẽ định hình tương lai cho các ngành công nghiệp khác nhau".

Các nghiên cứu đã cho thấy phụ nữ mạnh tay chi tiêu hơn nam giới, nhiều hơn đến 42%. Điều đó được thấy rõ qua giá cả các mặt hàng xa xỉ, từ giày dép đến nước hoa, túi xách, đồ trang sức...

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Cuối tuần qua, các thị trường chứng khoán thế giới đã lao dốc sau khi Chính phủ Trung Quốc thông báo tình hình sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của nước này đã chậm lại trong tháng 11.

Cụ thể, sản lượng công nghiệp tăng 5,4%, thấp hơn mức dự đoán 5,9% của giới chuyên gia, doanh số bán lẻ tăng 8,1%, cũng thấp hơn dự kiến. Doanh số bán xe hơi cũng giảm ở tỉ lệ phần trăm kỷ lục.

Trong ngày giao dịch cuối tuần qua, chỉ số S&P 500 đã giảm 1,9%, với nhiều nhà kinh tế đó là mức giảm tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Trong những tháng gần đây, kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc đáng kể, cho thấy thách thức lớn nhất cho tới nay với Chủ tịch Tập Cận Bình trong sáu năm tại nhiệm.

Trong khi ở trong nước ông Tập đối mặt với áp lực có thể phải tăng thêm nợ công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì ở phương diện đối ngoại, ông cũng buộc phải có những nhượng bộ nhất định với Mỹ trong bối cảnh ông Trump gia tăng sức ép trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp Trung Quốc đều đang rất lo lắng trước thực tiễn thấy rõ của tình trạng kinh tế sa sút.

Tại thành phố Dongguan, theo báo New York Times, nhiều nhà máy đã phải cho người lao động về quê ăn Tết Nguyên đán sớm trước cả nửa tháng vì không có việc làm.

Số liệu do Chính phủ Trung Quốc công bố trong quý 3 năm nay cho thấy tăng trưởng kinh tế nước này đạt 6,5%, tuy nhiên thực tế ghi nhận nhiều điều khiến giới đầu tư lo ngại.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế tin rằng mức độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ được cải thiện vào khoảng giữa năm tới.

D. KIM THOA

Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp