Dù mỗi người mẹ mỗi hoàn cảnh nhưng chung quy cuộc đời họ gặp nhiều biến cố, luôn hy sinh cho các con và đầy nước mắt...
1. Từ sáu tháng cuối năm 2022 đến nay, trong hơn 20 bộ phim truyền hình Việt phát sóng, chỉ có một số phim như Mẹ rơm, Lối nhỏ vào đời, Hồ sơ tội ác... nhân vật chính không phải là nữ.
Các phim còn lại truyền tải những câu chuyện của phụ nữ Việt. Đó là Thư - cô gái trẻ yêu thích thời trang trong bộ phim Lụa, phát sóng trên HTV7; là Khánh My bị người mình yêu lợi dụng trong Tình yêu lừa dối phát sóng trên THVL1; là mẹ chồng - nàng dâu trong Gia đình mình vui bất thình lình phát sóng trên VTV3...
Mới đây, một số khán giả xem Dưới bóng cây hạnh phúc phát sóng trên VTV3 thấy bất bình khi cô con dâu Son dù hết lòng với nhà chồng nhưng vẫn bị nhà chồng ăn hiếp không ra gì.
Còn phim Vạn dặm nhân sinh mới lên sóng tập 1 trên VTV9 đã đẩy cao bi kịch của hai số phận của phụ nữ trong phim là mẹ và con. Sau cuộc cãi vã liên quan đến tiền bạc giữa hai người, cả hai gặp tai nạn, người mẹ chết và người con bị thương...
Mô típ nữ giới luôn khổ trong phim, theo nữ biên kịch Thùy Nhung, là điều dễ hiểu bởi phim ảnh tái hiện cuộc sống.
Chị cho biết: "Có những chuyện mình là phụ nữ không tưởng tượng được, như phụ nữ bị chồng đánh, con cái bị vạ lây tới mức cầu cứu tới mạng xã hội, nhưng khi có ý kiến ly hôn thì họ không dám. Sự yếu thế và nhu nhược của một bộ phận phụ nữ cũng là sự đáng thương và đau khổ của chính họ... Phim ảnh và báo chí cần lên tiếng".
2. Phim Hàn Quốc từng xây dựng nhân vật nữ yếu đuối, nghèo khó được các anh nhà giàu chú ý, yêu thương. Nhưng những năm gần đây, hình ảnh người phụ nữ trở nên mạnh mẽ và đầy tham vọng đang truyền cảm hứng... và xu hướng này hứa hẹn tiếp tục bùng nổ trong năm 2023 này.
Ở Việt Nam, hình ảnh phụ nữ cũng thay đổi từng ngày. Họ độc lập, tự lực tài chính, yêu bản thân... Ở nông thôn, phụ nữ dám đấu tranh với bạo lực gia đình, tư tưởng trọng nam khinh nữ...
Vậy mà phim Việt nhiều năm qua vẫn chuộng kể chuyện về nỗi khó khăn, khổ đau của phụ nữ. Những phim thể hiện hình ảnh phụ nữ trẻ, nghị lực và tự tin, lạc quan mang "năng lượng" vui vẻ, tích cực như Ga-ra hạnh phúc, Đừng làm mẹ cáu, Đừng nói khi yêu... còn quá ít.
"Điều này thể hiện góc nhìn của biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất", một biên kịch lý giải. Với những phim mang tinh thần lạc quan, truyền năng lượng tích cực về nữ giới đòi hỏi kịch bản phải chắc tay mới có thể biến những câu chuyện tưởng như bình thường thành điểm nhấn.
Nhiều câu chuyện của nhân vật nữ phim Việt thời gian qua chưa thể làm khán giả "vấn vương".
Liệu điều này có phải vì kịch bản phim quá chú trọng đến những tình tiết bi kịch, đau thương mà nhân vật nữ phải gánh chịu, mà lại chưa khai thác vào nội tâm sâu thẳm của nhân vật nữ? Hay diễn viên nữ Việt chưa tận lực hóa thân để lột tả "chiều sâu" của nhân vật phim?
Tại lễ bế mạc và trao giải Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 41, ban tổ chức đã trao 36 giải vàng, 67 giải bạc, 139 giải khuyến khích và hai giải vàng cá nhân.
Ở lĩnh vực phim truyện, có 18 tác phẩm dự thi. Vẫn như mọi năm, hai giải vàng chia đều cho Hãng phim truyền hình TFS của Đài Truyền hình TP.HCM (phim Mẹ trùm) và Trung tâm phim truyền hình VFC của Đài Truyền hình Việt Nam (phim Thương ngày nắng về).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận