30/10/2021 09:29 GMT+7

Phụ nữ sướng hơn nhờ thay đổi tư duy

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - “Đời thay đổi khi ta thay đổi” - rất nhiều phụ nữ đều biết câu nói này nhưng không dễ để thực hiện. Bao nhiêu tháng ngày sống với tư duy “hy sinh tất cả vì chồng con”, bỗng một ngày được sống cho bản thân, thay đổi như thế nào đây?

Phụ nữ sướng hơn nhờ thay đổi tư duy - Ảnh 1.

Chồng chăm sóc, thoa dầu cho vợ khi đi phượt cùng nhau - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Phải biết yêu bản thân mình" mới nghe qua như một điều đương nhiên, thế nhưng mãi đến gần 40 tuổi, chị V.T.H., ngụ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), mới "vỡ" ra được điều này. Chị bắt đầu học cách yêu lấy bản thân mình.

Chia việc, gia đình hạnh phúc hơn!

Chị H. kể từ nhỏ chị sống trong một gia đình bao trùm tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Ba chị là một người đàn ông giỏi, nhưng ông luôn muốn vợ ông phải phục vụ ông mọi thứ. Ba chị bước vào nhà là phải có sẵn một đôi dép đi trong nhà ngay ở cửa để ông chỉ việc xỏ vào. Lúc ông về trễ ngồi ăn cơm thì bà phải ngồi ngay cạnh đó, để ông cần thêm thứ gì bà sẽ nhanh chóng đi lấy ngay cho ông…

Chị H. cũng được ba chị giáo dục theo tinh thần bất cứ cái gì cũng phải biết làm để sau này "phục vụ" chồng cho tốt. Từ nhỏ, chị H. đã được giao làm rất nhiều việc như đi bán rau nhà trồng ở ngoài chợ, quét dọn, sắp xếp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, nấu được nhiều món ngon, biết cắm hoa, may vá...

Đến khi lấy chồng, chị mang theo tất cả những điều đã được dạy bảo này về nhà chồng. Dù chỉ sống với gia đình chồng một thời gian ngắn, sau đó hai vợ chồng ra ở riêng, nhưng chị luôn tận tụy phục vụ nhà chồng cũng như chồng chị thật chu đáo. Cho đến khi hai đứa con trai lần lượt ra đời, chị lại tiếp tục phục vụ thêm các con.

Hằng ngày chị vẫn đi làm tại một cơ quan nhà nước, nhưng khi về đến nhà, chị lao vào làm các công việc nhà. Chị luôn vội vàng, tất bật với rất nhiều công việc, còn chồng chị thì luôn an nhàn, thảnh thơi ngồi xem tivi. Cho đến một ngày chị bị cảm, nằm bẹp một chỗ thì cả nhà không ai biết làm gì hết. Cơm phải đi mua, nhà cửa lộn xộn, ngổn ngang... Chị nằm trên giường nghĩ và chợt nhận ra có điều gì đó không ổn... Chị cần phải sắp xếp lại gia đình mình. Mọi thành viên trong gia đình cần phải biết chia sẻ công việc với nhau.

Cũng trong những ngày bị bệnh đó, chị nhẹ nhàng "nhờ vả" chồng nấu ăn, các con tập rửa chén, lau nhà... Đến khi chị khỏi bệnh, chồng con chị đều muốn "trả" những việc này cho chị. Nhưng chị đã nói thời gian gần đây chị thấy sức khỏe không được tốt như trước. Chị muốn cả nhà cùng chia sẻ công việc nhà. 

"Khó khăn nhất là phải vượt qua những ngày đầu tiên, khi mọi người làm việc không theo ý mình. Cơm canh không được ngon như mình nấu; các con rửa chén, quét nhà cũng chưa được như ý... Nhưng mình vẫn động viên các con mới làm mà được thế này thì tốt quá, ngày xưa khi mẹ mới tập làm cũng chưa được như các con bây giờ" - chị H. kể lại. 

Nhờ sự khích lệ của chị, cộng với tình yêu thương vốn có từ chồng và các con, giờ trong nhà chị ai cũng biết làm việc nhà thuần thục. Riêng chị có thêm bao nhiêu thời gian cho bản thân. 

Chị bắt đầu chăm sóc đến hình thức hơn, biết đi làm đẹp, thưởng thức những bộ phim hay những cuốn truyện hay... Và ý nghĩa hơn cả là khi mọi thành viên trong gia đình chia sẻ suy nghĩ, công việc thì gia đình bỗng gắn bó và hạnh phúc hơn.

Trước đây việc chăm sóc bé lớn chị ôm trọn nên sau này khi lớn tình cảm hai cha con cũng không được gắn bó, thân thiết; nhưng từ khi chị "khoán" việc đưa đón, dạy học bé nhỏ cho chồng thì chị thấy tình cảm hai cha con gắn bó, thân thiết hơn hẳn.

Phụ nữ sướng hơn nhờ thay đổi tư duy - Ảnh 2.

Chồng cùng vợ chăm sóc con. Trong ảnh: vợ chồng bạn Lê Thanh Tâm ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức (TP.HCM) đưa con đi chơi ở khu vui chơi hướng nghiệp Vietopia, quận 7 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Có chồng vẫn "thảnh thơi" như cô gái chưa chồng

Còn chị N.M. (35 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM), luôn được nhiều bạn bè đặt câu hỏi "Sao M. có chồng mà lại như cô gái chưa chồng vậy?". Chị M. vẫn luôn có thời gian đi vui chơi, cà phê với bạn bè. Gương mặt chị lúc nào cũng tươi như hoa.

Chị chia sẻ chồng mình là người miền Bắc, anh ấy cũng có nhiều quan điểm phong kiến "định sẵn" cho một người vợ thì phải nấu cơm, ở nhà, chăm con... Chị biết anh có suy nghĩ này, nhưng chị cũng sẵn có kế hoạch "thay đổi suy nghĩ" của anh ngay từ ngày hai người về sống chung.

Theo chị M., những ngày sau cưới là cơ hội tốt nhất để tác động đến suy nghĩ của người bạn đời, thiết lập điều mình mong muốn cho tổ ấm của mình. Vốn có khiếu ăn nói, giao tiếp tốt nên chị M. luôn được bạn bè quý mến, mời đi các sự kiện, giao lưu, ăn uống... Từ những ngày còn yêu nhau, chồng chị cũng biết chị là người luôn được bạn bè đón chào, chính anh cũng thích điểm "ngoại giao giỏi" của chị và cũng luôn tự hào về điều này...

Nhưng khi cưới nhau về, anh vẫn muốn chị nấu cơm cho anh ăn. Chị M. kể có hôm chị nấu nhưng có hôm lại chủ trương không nấu. Buổi chiều hôm ấy, chồng chị nói: "Sắp đến giờ nấu cơm rồi, em đi nấu cơm nhé!". 

Chị trả lời với anh luôn rằng: "Ôi, hôm nay có quá nhiều người mời em đi ăn, toàn những món hấp dẫn nhưng em đều từ chối. Em bảo chồng em nấu ăn ngon lắm nên em ở nhà ăn cơm chồng nấu. Chiều nay chồng nấu cơm cho em ăn nhé". Nghe vậy, chồng chị M. tủm tỉm cười nói: "Vậy là em "gài" anh đi nấu ăn bữa nay đấy à!". 

Nói vậy thôi chứ anh vẫn vui vẻ xuống nấu ăn, còn việc của chị lúc ấy là chỉ nghĩ ra những lời khen chồng. Chị M. cũng thừa nhận chồng nấu ăn ngon hơn mình. Chị luôn thích ăn những món anh ấy nấu…

Chồng chị M. thích sinh con, còn chị cưới nhau sau 3 năm vẫn trì hoãn. Chị nói "sinh con ra có rất nhiều việc phát sinh, em với anh cùng rất bận rộn thế này, chưa kể em còn đang học thêm một bằng đại học. Em còn muốn học thêm bằng này, bằng kia...". 

Chồng chị M. thuyết phục: "Em yên tâm, em chỉ việc sinh con ra, còn mọi việc để anh lo liệu". Ngày chị sinh mổ, ít sữa nên luôn phải vắt sữa cho con bú. Anh bảo: "Em cứ chia các cữ sữa để trong tủ lạnh, đêm anh sẽ lấy ra hâm cho con bú". 

Chị chăm con mà nhiều đêm cứ ngủ thẳng giấc. Đêm đến anh hâm sữa cho con bú, con ngủ anh ấy ngủ, con thức anh ấy dậy… Tình cảm hai cha con ngày càng gắn bó!

Chị M. thấy nhiều người phụ nữ lấy chồng xong thật vất vả, cuộc sống thay đổi hoàn toàn, nhưng với chị, cuộc sống sau khi có gia đình cũng không khác thời son rỗi là bao. Việc lớn, việc nhỏ chồng chị đều cùng làm rất tốt. Giờ anh kiêm luôn việc đưa đón hai đứa con, công việc nhà sau này nhiều quá nên anh bàn với chị thuê thêm một người giúp việc... Chị và chồng trừ khi có việc gì rất bận và những ngày giãn cách, chứ lịch cố định vẫn cùng nhau đi ăn sáng, cà phê…

Khi hỏi về bí quyết làm thế nào mà chị lại có thể xây dựng một tổ ấm rất có lợi cho người phụ nữ như vậy, chị M. cho rằng chắc do chồng chị đã rất thương chị. Từ lúc yêu, chị đã luôn đòi hỏi anh như vậy và anh luôn làm hết mọi yêu cầu của chị. Có lẽ đây là những "thử thách" trước khi họ quyết định đi đến hôn nhân. 

Sướng khổ do mình

Theo chị M., phụ nữ nên thay đổi tư duy, không phải lúc nào cũng hy sinh, ôm hết mọi việc trong gia đình để làm hết mới là tốt. Cách tư duy này khiến cho họ không được tận hưởng hết được những niềm vui của cuộc sống.

Phụ nữ nên là một đóa hoa đẹp trong nhà, phải có một chút "quyền lực", một chút nghệ thuật "nhờ vả" chồng con để mọi việc trong gia đình luôn ổn thỏa, ai cũng thấy vui vẻ, chia sẻ công việc cùng nhau và hạnh phúc.

"Soi gương, thương mình" 'Soi gương, thương mình'

TTO - Đứng trước gương ngắm nhìn 'đứa trẻ bên trong', chúng ta có thể buông bỏ những lớp mặt nạ bảo vệ. Vòng tay ôm lấy chính mình, dịu dàng và hào phóng nói lời yêu thương dành tặng bản thân.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp