Những tấm thổ cẩm được dệt từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ S’tiêng - Ảnh: HLHPN
Nét đẹp văn hóa lâu đời
Đối với người S’tiêng ở tỉnh Bình Phước và mọi người phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, dệt thổ cẩm chính là nghề truyền thống đã ăn sâu trong máu. Dù cho công việc này đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp, tiêu tốn thời gian, họ vẫn sẵn lòng làm một cách chỉn chu nhất.
Mỗi chiếc khăn đội đầu, khăn quàng cổ, đến váy, khố, mền đất đều kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, cần cù của người phụ nữ. Chính vì vậy, sản phẩm cũng có giá thành tương đối cao nếu so với các mặt hàng cùng chủng loại. Đây là một trong những hạn chế khiến sản phẩm khó tiếp cận với khách hàng khi họ chưa hiểu hết giá trị thực.
Để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ dệt không chỉ dành nhiều thời gian gia công mà còn phải dồn tâm huyết từ lựa chọn nguyên liệu đến quy trình quay sợi, dệt vải.
Trước kia, các công đoạn đều phải làm bằng thủ công, trồng bông, xe bông, quay sợi,… và chủ yếu sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên như lá, hoa, vỏ cây… để làm màu nhuộm, sợi vải sau khi nhuộm được phơi khô, tiến hành gỡ các vụn màu.
Hiện nay khi khoa học công nghệ phát triển, phụ nữ S’tiêng đã có thể tìm mua nguyên liệu sẵn trên thị trường, màu sắc vừa đa dạng, phong phú, chỉ lại có độ bền cao, khó hư hại. Việc này giúp tối ưu công đoạn sản xuất, tạo điều kiện để các chị em yêu nghề có thể dành thời gian cho công việc dệt sau ngày làm rẫy.
Riêng khâu dệt, muốn làm nên hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ, sự am tường nhất định về đường nét, màu sắc, hình khối; đồng thời phải dùng khung dệt thủ công kết hợp cùng dụng cụ cuộn vải, xiết sợi dệt mới đan,…
Hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm chủ yếu là các hình khối, người, chim thú, hoa lá và hoa văn họa tiết đơn giản nhưng không kém phần tinh tế khác.
Ngày nay, hoa văn trên vải thổ cẩm của người S’tiêng cũng được bổ sung cho phù hợp với thị hiếu và cuộc sống hiện đại.
Những người "giữ lửa" cho nghề dệt
Những người phụ nữ S'tiêng nhiều độ tuổi cùng nhau miệt mài bên khung dệt - Ảnh: BBP
Đến xã Long Tân (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), những ngày cuối tuần hay cuối tháng, khoảng chục người phụ nữ S'tiêng nhiều độ tuổi cùng nhau miệt mài bên khung dệt. Không chỉ tạo ra sản phẩm thổ cẩm mang giá trị văn hóa đặc sắc, họ còn cùng nhau truyền dạy cho con cháu có chung niềm đam mê nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.
Hơn 40 năm gắn bó với khung dệt, với đôi tay khéo léo, sáng tạo, bà Thị Liên (56 tuổi) duy trì dệt nhiều sản phẩm thổ cẩm tinh xảo. Từ sợi chỉ nhỏ, bà Thị Liên dệt thành những tấm thổ cẩm với màu sắc, hoa văn đẹp mắt, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống vừa mang tính hiện đại.
Bà Liên cho biết: "Năm 20 tuổi, tôi học dệt thổ cẩm từ các bà, các chị. Sau đó, tôi duy trì, gìn giữ và cố gắng chỉ dạy cho thế hệ trẻ để không quên nghề truyền thống của dân tộc. Thổ cẩm thường được dùng trong cưới hỏi, lễ hội... Đây là nét đẹp văn hóa của đồng bào S’tiêng".
Chị Điểu Thị Ít (39 tuổi) được coi là thế hệ trẻ trong những người biết dệt thổ cẩm. Với chị, dệt thổ cẩm trở thành món ăn tinh thần và chị luôn mong muốn gìn giữ. Chị yêu thích thổ cẩm từ nhỏ và chưa từng có suy nghĩ sẽ bỏ đam mê với khung cửi thế hệ trước để lại.
Chị Thị Ít bộc bạch lo nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình bị mai một trước cuộc sống hiện đại ngày nay. Bởi vậy, chị luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách để bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống này.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng Phạm Thị Thanh Thủy cho biết, tại địa phương còn một số phụ nữ dệt thổ cẩm và cũng là hội viên hội phụ nữ xã. Chị em có niềm đam mê để gìn giữ bản sắc truyền thống của dân tộc.
"Về phía Hội, chúng tôi luôn khuyến khích chị em phụ nữ gìn giữ nét đẹp bản sắc truyền thống của dân tộc và truyền dạy lại cho con cháu sau này để tránh bị mai một," bà Thủy cho biết thêm.
Hiện có 20 dân tộc anh em cùng chung sống trên quê hương Phú Riềng. Để bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào, thời gian qua, huyện luôn quan tâm hỗ trợ người dân phát triển nghề thủ công, lễ hội, trang phục, điệu múa, cồng, chiêng truyền thống. Từ đó, đã khơi dậy tâm huyết trong đội ngũ nghệ nhân, con em người dân tộc thiểu số tham gia truyền dạy và bảo tồn nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận