09/06/2017 16:10 GMT+7

​Phụ nữ mang thai cần cẩn trọng khi bị hen phế quản

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Trong thời kỳ mang thai, người mẹ bị hen phế quản (hen suyễn) nếu để bị lên cơn hen sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và có thể gây giảm ôxy cho thai nhi.

Do đó những phụ nữ bị hen phế quản khi mang thai cần được khám, theo dõi đều đặn và cần được bác sĩ tư vấn, chỉ định điều trị để kiểm soát đúng bệnh, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Hen là một loại bệnh ảnh hưởng đến đường dẫn khí của phổi (phế quản) và gây ra bởi quá trình viêm mạn tính (kéo dài) của phế quản. Nó làm cho phế quản, hoặc đường dẫn khí của người bệnh trở nên nhạy cảm với nhiều tác nhân khác nhau.

Phụ nữ mang thai nếu bị hen phế quản thường có những dấu hiệu như: thở khò khè, tiếng khò khè thường nghe thấy ở thì thở ra, tuy nhiên cũng có thể nghe thấy được ở thì hít vào; không thở được; co nặng ngực; ho và nói khó..., những triệu chứng này có thể xảy ra trong suốt ngày hoặc đêm. Nếu để bệnh nặng và không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sinh non, tăng huyết áp, thai kém phát triển, chết lưu hoặc sau khi sinh có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ và con.

Mục đích của việc điều trị hen trong lúc mang thai là ngăn chặn những cơn thiếu ôxy cho mẹ, đồng thời giúp cung cấp ôxy đầy đủ cho thai nhi. Điều trị tối ưu bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp; tránh các yếu tố gây kịch phát cơn hen; tư vấn và điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường. Việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo nguyên tắc sử dụng lượng thuốc thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát bệnh hen. Hầu hết các phương pháp điều trị bệnh hen hiện nay là an toàn trong thời kỳ mang thai.

Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, phụ nữ mang thai cần phải chú ý tránh tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen như: khói thuốc lá, thuốc lào; lông súc vật chó, mèo...; khói bếp, đặc biệt là khói bếp than; tránh ăn các thức ăn lạ có nguy cơ gây dị ứng; luôn giữ cho không khí trong nhà thoáng, khô.

Để đánh giá sự phát triển của thai nhi, điều cần nhất là thai phụ nhớ ngày có kinh lần sau cùng hoặc siêu âm trong 12 tuần đầu của thai kỳ để tính ngày dự sinh tương đối chính xác. Việc siêu âm thường được khuyến cáo ít nhất một lần trong mỗi tam cá nguyệt: giai đoạn thai 11-13 tuần (đo độ mờ da gáy); giai đoạn thai 22-24 tuần (kiểm tra hình dạng thai) và giai đoạn thai sau 36 tuần (ngôi, ối, trọng lượng, dây rốn, trưởng thành bánh nhau) để theo dõi, phát hiện, đồng thời bảo đảm rằng thai phát triển bình thường. Theo dõi cử động thai là quan trọng, nhất là từ sau 28 tuần tuổi thai hoặc sau mỗi cơn hen.

Đối với những phụ nữ khi biết mình bị bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử bị bệnh, trước khi có ý định mang thai cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị và dự phòng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, tiêm phòng vắc xin cúm trước khi mang thai để ngăn chặn tăng nguy cơ hen phế quản vì viêm hô hấp do vi rút cúm.

Khi đã mang thai, thai phụ cần đi khám thai đầy đủ, có lịch làm việc, nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Điều quan trọng là luôn luôn phải đảm bảo bệnh hen đã được điều trị và kiểm soát tốt dưới sự tư vấn, hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa hô hấp và được quản lý và theo dõi tốt của bác sĩ chuyên khoa sản. Sự phối hợp giữa hai chuyên khoa này là yếu tố quyết định cho sự an toàn của thai phụ và con của họ trong quá trình mang thai, khi chuyển dạ và trong giai đoạn sau sinh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp