11/07/2016 10:11 GMT+7

Phủ nhận phiên tòa và cái giá phải trả

NGUYỄN NGỌC LAN (ĐH Cambridge, Anh) - TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
NGUYỄN NGỌC LAN (ĐH Cambridge, Anh) - TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ

TTO - Cần phải thừa nhận rằng luật quốc tế không bao gồm một hệ thống pháp chế tương đương với hệ thống luật pháp quốc gia để đảm bảo các quốc gia tuân thủ các phán quyết mà một tòa án quốc tế hoặc các tòa trọng tài đưa ra. 

Tổ tư vấn cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc tại một phiên làm việc của Tòa trọng tài - Ảnh: PCA
Tổ tư vấn cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc tại một phiên làm việc của Tòa trọng tài - Ảnh: PCA
“Cho dù sự tuân thủ lập tức và đầy đủ có thể không đạt được ngay thì cũng có nhiều con đường khác nhau mà các quốc gia liên quan có thể viện dẫn phán quyết để đảm bảo tính “công minh” và “ràng buộc” của luật pháp quốc tế

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong phần lớn trường hợp, các quốc gia thường có xu hướng tuân thủ phán quyết của các tòa trọng tài và tòa án quốc tế.

Hai ngoại lệ

Kể từ khi hệ thống giải quyết tranh chấp của UNCLOS đi vào hoạt động 20 năm trước, phần lớn phán quyết được đưa ra bởi Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) hoặc các tòa trọng tài phụ lục VII đều đã được các bên tuân thủ.

Vụ kiện Arctic Sunrise năm 2013 và giờ đây là vụ Philippines kiện Trung Quốc là ngoại lệ, trong đó cả hai quốc gia bị đơn đều từ chối vụ kiện dựa trên cơ sở là Tòa trọng tài không có thẩm quyền và cả hai đều không xuất hiện trước tòa để bào chữa.

Trong trường hợp vụ kiện Arctic Sunrise, Nga phản đối vụ kiện do Hà Lan đệ trình liên quan đến việc Nga đã bắt giữ thuyền và thủy thủ đoàn trên tàu Arctic Sunrise.

Vụ kiện này trải qua hai giai đoạn khác nhau: giai đoạn Hà Lan yêu cầu ITLOS đưa ra biện pháp tạm thời để trao trả tự do cho tàu và thủy thủ đoàn; ở giai đoạn tiếp theo, Hà Lan yêu cầu Nga tuân thủ biện pháp tạm thời mà ITLOS đưa ra và bồi thường cho Hà Lan. Nga từ chối tham gia cả hai giai đoạn dựa trên cơ sở rằng cả hai tòa đều không có thẩm quyền xử lý vụ kiện.

Bất chấp sự không xuất hiện của Nga, ITLOS đưa phán quyết về giải pháp tạm thời vào ngày 22-11-2013, yêu cầu thả ngay lập tức tàu và các thủy thủ ngay khi Hà Lan đã nộp tiền bảo lãnh cho phía Nga.

Nga từ chối tham gia vụ kiện tại ITLOS, và theo những gì Tòa trọng tài phụ lục VII tuyên bố, nước này cũng đã không tuân thủ yêu cầu của ITLOS về việc lập tức thả tàu Arctic Sunrise và cho phép các thủy thủ không phải công dân Nga rời khỏi lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, cuối cùng Nga đã tuân thủ tất cả các giải pháp được yêu cầu bởi ITLOS, mặc dù giới chức Nga luôn khẳng định việc thả tàu và các thủy thủ đoàn là tuân thủ luật pháp quốc gia của họ chứ không phải theo phán quyết của một tòa trọng tài hay tòa án quốc tế nào.

Kết quả của vụ kiện Arctic Sunrise cho thấy rằng việc không xuất hiện tại tòa không nhất thiết dẫn đến việc không tuân thủ phán quyết cho dù các tuyên bố ban đầu được đưa ra bởi các quốc gia có hùng hồn như thế nào.

Dựa trên kết quả của vụ kiện này, liệu một kịch bản tương đồng có thể xảy ra với vụ kiện Philippines - Trung Quốc hay không? Nói cách khác, dù Trung Quốc phản đối Tòa trọng tài, liệu có khả năng nước này vẫn xem xét các yêu cầu của tòa và tìm cách “tiệm cận” với phán quyết ngay cả khi phán quyết đó không hề thuận lợi với Trung Quốc?

Có thể “gậy ông đập lưng ông”

Khác với tranh chấp Biển Đông, việc bắt giữ tàu trong vụ kiện Arctic Sunrise xuất phát từ một tình huống đơn lẻ trên biển chỉ liên quan đến hai quốc gia trong vụ kiện. Vụ kiện không xuất phát từ tranh chấp mang tính nhạy cảm về chính trị cao và có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến tình hình an ninh khu vực. Vì thế, cái giá Nga phải trả khi “nhượng bộ” và thực hiện phán quyết của cơ quan tài phán có lẽ không cao như trường hợp của Trung Quốc.

Vụ kiện Arctic Sunrise đem lại cho chúng ta một số nhìn nhận thú vị liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Nó cho thấy xu hướng “không xuất hiện tại tòa” của các nước lớn hơn. Những nước này có nhiều lý do khác nhau để có xu hướng thiên về sử dụng cán cân sức mạnh, hơn là nhờ cậy một bên thứ ba đứng ra phân xử.

Tuy vậy, cho dù sự tuân thủ lập tức và đầy đủ có thể không đạt được ngay lập tức thì cũng có nhiều con đường khác nhau để các quốc gia liên quan có thể viện dẫn phán quyết để đảm bảo tính “công minh” và “ràng buộc” của luật pháp quốc tế.

Quá trình tuân thủ phán quyết thậm chí có thể kéo dài nhiều năm sau khi phán quyết được đưa ra. Các án lệ quốc tế cho thấy các quốc gia dần dần tìm cách tiệm cận với phán quyết của tòa theo các cách thức và lý do khác nhau.

Lập luận “tính toán cái giá phải trả” với Trung Quốc sẽ có ý nghĩa quan trọng trong thời gian tới. Việc từ chối tham gia và không tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài sẽ tác động như thế nào đối với Trung Quốc? Một số tranh cãi ồn ào sẽ diễn ra trong năm 2016, cùng với một số hành động phản ứng của các nước xung quanh sẽ là những bề mặt của câu chuyện.

Tuy vậy, các tác động thật sự sẽ diễn ra trong năm năm trung hạn kế tiếp. Là quốc gia với địa dư chia sẻ nhiều đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển, Trung Quốc đã và đang phải tìm kiếm các mô thức hợp lý để giải quyết một cách hòa bình với 19 quốc gia láng giềng.

Luật pháp quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế là những công cụ “an toàn” và “kinh tế” nhất đối với Trung Quốc để bảo vệ mình tại đấu trường toàn cầu, vốn ngày càng đa dạng và phức tạp. Quan trọng hơn, quan điểm của Trung Quốc về phán quyết của Tòa trọng tài có thể là một vũ khí lập luận trong thời điểm này, nhưng sẽ tác động tiêu cực trong các trường hợp tranh chấp khác.

Các nước có thể dùng lại quan điểm của Trung Quốc để từ chối tham gia các cơ quan tài phán quốc tế khi Bắc Kinh mong muốn khởi động cơ chế tương tự hay có liên quan.

Một trong số đó chẳng hạn là tranh chấp tại biển Hoa Đông với Nhật Bản, nước đang có những lợi thế hơn với Bắc Kinh trên vấn đề kiểm soát thực địa. Đây sẽ là “bàn phản lưới nhà” từ hệ quả vụ kiện mà Trung Quốc đang từ chối tham gia.

Quả bom đang lên ngòi nổ

Tranh chấp hay xung đột với xuất phát từ lãnh hải, lãnh thổ là một quả bom đang lên ngòi nổ. Sử dụng “sức mạnh cứng” thông qua con đường quân sự để bảo vệ lợi ích hoặc để giải quyết tranh chấp là một công việc rất tốn kém, và không phải lúc nào cũng có thể khởi động một xung đột vũ trang để giải quyết các bất đồng.

__________________

Kỳ tới: Chờ một phán quyết công minh

NGUYỄN NGỌC LAN (ĐH Cambridge, Anh) - TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp