Trường tiểu học Sơn Lâm (Hà Tĩnh) - Ảnh: H.A.
Chiều 2-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Điệp (40 tuổi, ngụ tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi "làm nhục người khác".
Trước đó, ngày 31-10, ông Điệp có hành vi xách dao xông vào Trường tiểu học Sơn Lâm đe dọa nhiều giáo viên và bắt hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hồng Phan - trưởng bộ môn tâm lý giáo dục, khoa giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - khẳng định: Rõ ràng sự việc trên, nhìn vào ai cũng thấy phụ huynh vác dao đến trường, bất kể có bắt hiệu trưởng quỳ xuống hay không đã là hành vi nghiêm trọng, đáng lên án.
Phụ huynh làm vậy với hiệu trưởng, giáo viên… là sai, là hung hăng, đe dọa, làm nhục người khác. Hành vi của vị phụ huynh đó nghiêm trọng đến mức thẩm quyền xem xét xử lý không thuộc về cá nhân người bị ảnh hưởng nữa mà ngay lập tức cơ quan điều tra phải vào cuộc. Xã hội chúng ta không dung túng cho hành động này.
Theo TS Nguyễn Hồng Phan, dù sự việc đã rõ ràng về mặt pháp luật nhưng cũng cần nói thẳng để dẫn đến sự việc đó một phần do ứng xử chưa khéo léo, chưa thuyết phục của nhà trường (trong trường hợp này là vị hiệu trưởng), làm cho họ cảm thấy bị tổn thương. Và vì thế, nhà trường cần có cái nhìn biện chứng để tự rút ra những bài học ứng xử của mình.
Tương tự, bức xúc trước sự việc phụ huynh xách dao vào đe dọa hiệu trưởng, TS Nguyễn Kim Dung, viện trưởng Viện khoa học giáo dục Nam Việt, nói với Tuổi Trẻ:
"Đầu tiên, tôi thấy hành vi của phụ huynh này là không thể chấp nhận được và dư luận không thể biện minh bằng bất cứ lời lẽ nào để bênh vực cho họ. Bởi đó là hành vi thái quá, làm nhục hiệu trưởng, giáo viên trước mặt học sinh, thậm chí dùng vũ khí và vũ lực để đe dọa đến sự an toàn của cán bộ, giáo viên, học sinh".
Tuy nhiên, TS Nguyễn Kim Dung cũng cho rằng cần xem xét thấu đáo nguyên nhân dẫn đến hành vi này của vị phụ huynh để nhà trường, ngành giáo dục "rút kinh nghiệm". Vì hành vi của phụ huynh bắt nguồn từ sự việc không thể kiềm chế, cảm thấy bị xúc phạm của chính vị phụ huynh này.
"Tôi chắc chắn thầy hiệu trưởng cũng đã tự thấy được vấn đề của mình. Thầy sẽ thấy được việc nêu tên học sinh không đóng phí bảo hiểm y tế trước trường là điều mang tính kỳ thị đối với học sinh, là phản giáo dục.
Chưa kể, việc nêu tên đó còn dẫn đến những sự việc đáng tiếc khi rơi vào những trường hợp phụ huynh nóng nảy, dễ tự ái, không biết giải quyết vấn đề.
Tôi còn cho rằng thầy hiệu trưởng khi tiếp xúc với phụ huynh này trước thời điểm xảy ra sự việc đã không biết cách để sự việc không đi quá xa. Nhìn nhận khách quan thì thầy hiệu trưởng xử lý tình huống chưa tốt", TS Nguyễn Kim Dung phân tích.
Theo TS Nguyễn Kim Dung, liên quan đến sự việc này hiện có hai luồng ý kiến trên mạng: một bên bênh thầy hiệu trưởng và một bên đưa ra quan điểm bảo vệ cho vị phụ huynh.
Nhưng theo TS Nguyễn Kim Dung, cả hai thái cực đó đều không nên diễn ra đối với cơ quan chức năng khi xử lý vụ việc.
Hành vi của vị phụ huynh vi phạm pháp luật nên pháp luật sẽ xử lý. Còn ứng xử của hiệu trưởng cũng cần được ngành giáo dục xem xét thấu đáo để các trường học trên cả nước tránh những trường hợp tương tự.
"Ngành giáo dục cần coi đây là một trường hợp đáng lưu tâm, đáng mổ xẻ để có những đúc rút đưa ra quy định của ngành, của giáo dục trong ứng xử với học sinh trong nhà trường, nhất là trong quan hệ với học sinh nghèo để bảo vệ chính các em và đồng thời tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như việc phụ huynh xách dao này.
Nhiều người nói rằng trường học cần tăng cường bảo vệ, nhưng sự bảo vệ tốt nhất chính là ứng xử tôn trọng, chuẩn mực và hiểu biết của nhà trường đối với học sinh, phụ huynh", TS Nguyễn Kim Dung lưu tâm.
Trước mắt, theo TS Nguyễn Kim Dung, lãnh đạo Trường tiểu học Sơn Lâm cần xác định rõ cách thông tin, nói năng, ứng xử thấu đáo với hai học sinh con của phụ huynh này, tránh trường hợp làm tổn thương đến hai học sinh hoặc khiến các em cảm thấy xấu hổ vì có cha hành động như vậy.
Bởi hệ quả của việc phân biệt đối xử từ chính nhà trường có thể dẫn đến những hậu quả đau xót, thương tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận