18/10/2021 06:11 GMT+7

Phụ huynh muốn biết loại vắc xin tiêm cho trẻ, có những 'ứng viên' nào?

L.ANH - THÚY ANH
L.ANH - THÚY ANH

TTO - Đó là tâm lý chung của các phụ huynh sau khi nhiều địa phương thông báo kế hoạch chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ 12 - 17 tuổi.

Phụ huynh muốn biết loại vắc xin tiêm cho trẻ, có những ứng viên nào? - Ảnh 1.

Theo đề xuất của Sở Y tế TP.HCM đến Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM ngày 15-10, loại vắc xin sẽ được tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt, theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế - Ảnh minh họa: DOÃN HÒA

Ý kiến của các cơ quan chuyên môn thế nào?

Ứng viên nào?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, đến nay duy nhất vắc xin Pfizer đã có chỉ định sử dụng cho trẻ 12 - 17 tuổi được cấp phép. Việt Nam cũng đã có hợp đồng với nhà sản xuất mua 20 triệu liều Pfizer, số này đủ dùng cho toàn bộ 8,1 triệu trẻ 12 - 17 tuổi.

Có những thông tin cho rằng có thể sử dụng vắc xin Abdala (vắc xin do Cuba sản xuất trên nền công nghệ tái tổ hợp protein), nhưng thông tin kể trên cho biết Abdala được phê duyệt tại Việt Nam dành cho nhóm người từ 19 tuổi trở lên, nên hiện chưa có kế hoạch sử dụng cho trẻ em loại vắc xin này.

Đây là vấn đề các bậc phụ huynh rất quan tâm, do vắc xin sử dụng cho trẻ em khi trẻ đang phát triển, nếu không an toàn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ về lâu dài. 

Chuyên gia của Chương trình mở rộng quốc gia chia sẻ có một nguy cơ có thể gặp ở trẻ tiêm chủng vắc xin công nghệ mNRA là viêm cơ tim, nhưng là tỉ lệ thấp ở mũi 2 và trẻ trai gặp nhiều hơn trẻ gái, ở lứa thanh niên 24 - 25 tuổi nguy cơ này gặp với tỉ lệ nam thanh niên gấp 10 lần so với nữ thanh niên.

Vì sao bố mẹ và người giám hộ phải ký trước tiêm?

Theo TS Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, lý do bố mẹ hoặc người chăm sóc phải ký trước khi cho con tiêm vắc xin là do các vắc xin này đều chưa thử nghiệm lâm sàng và cấp phép chính thức tại VN, chỉ được phê duyệt khẩn cấp.

TS Thái cũng cho biết mặc dù vắc xin Pfizer đã được cấp phép chính thức tại Mỹ, đã hoàn thiện quy trình thử nghiệm lâm sàng nhưng về nguyên tắc đã vào VN phải làm lại thử nghiệm lâm sàng, nên mới có khái niệm phê duyệt khẩn cấp.

"Không có bất cứ báo cáo nào về việc vắc xin có thể ảnh hưởng đến gene, vắc xin không tích hợp vào bộ gene của người, mà chỉ thông qua cơ chế tổng hợp protein tại khu vực ngoài nhân tế bào của một số tế bào hệ miễn dịch để sản xuất ra protein gai đặc trưng của virus, từ đó giúp cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu" - TS Thái nói.

"Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các thành phần của vắc xin cũng như protein nó tạo ra bị thanh thải trong vòng 14 ngày sau tiêm, mà không ảnh hưởng đến gene của người, điều này cũng đúng ngay cả với bào thai của những phụ nữ được tiêm vắc xin" - ông Thái cho biết thêm.

Cuối tháng 10 năm nay, vắc xin sẽ về nhiều và sẽ có nhiều tỉnh thành triển khai tiêm chủng, khi đó ngành y tế và giáo dục phải phối hợp lại, vì an toàn cho trẻ là quan trọng nhất.

Loại vắc xin: chờ Bộ Y tế

Theo đề xuất của Sở Y tế TP.HCM đến Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM ngày 15-10, loại vắc xin sẽ được tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt, theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế.

Trẻ sẽ tiêm 2 liều cơ bản và cùng loại vắc xin. Chiều 17-10, Bộ Y tế và TP.HCM vẫn chưa thông tin chính thức loại vắc xin sẽ tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi sắp tới.

Trên thế giới, những loại vắc xin phòng COVID-19 đã được xác định là an toàn cho người lớn, hiện đang được tiếp tục nghiên cứu ở trẻ em. Trong đó, nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết luận rằng vắc xin Pfizer là phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng khuyến cáo rằng trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin Pfizer với chỉ định tiêm 2 mũi và mũi 2 cách mũi đầu tiên 3 tuần sau đó. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng nhận được liều lượng vắc xin Pfizer giống như người lớn.

Để việc tiêm phòng diễn ra hiệu quả, cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước, trong và sau buổi tiêm. Báo với bác sĩ về bất kỳ loại dị ứng nào mà trẻ có thể mắc phải. Lưu ý để ngăn ngừa ngất xỉu và các chấn thương liên quan đến ngất xỉu, trẻ nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm chủng và trong 15 phút sau khi tiêm vắc xin.

Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, phụ huynh sẽ được yêu cầu ở lại trong 15 - 30 phút để có thể quan sát trẻ trong trường hợp trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức.

Ngoài ra, trẻ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn có thể gặp các tác dụng phụ như sốt, đau chỗ tiêm, mệt mỏi... Đây là những dấu hiệu bình thường sẽ biến mất sau vài ngày và cho thấy cơ thể trẻ đang được bảo vệ.

X.MAI

TP.HCM dự kiến 25-10 sẽ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi TP.HCM dự kiến 25-10 sẽ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi

TTO - Dự kiến ngày 25-10, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho khoảng 700.000 trẻ từ 12-17 tuổi. Đây là nhóm đối tượng đặc biệt và lần đầu tiên Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn triển khai trên phạm vi cả nước.

L.ANH - THÚY ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp