03/07/2015 09:37 GMT+7

Phụ huynh "khẳng định" đề địa lý nói về biển Đông?

MG. T.THÀNH - N.TUYỀN - H.QUÂN - P.DƯƠNG - T.THẮNG - D.HÒA - H.NGUYÊN  - V.HÀ  - T.HUỲNH
MG. T.THÀNH - N.TUYỀN - H.QUÂN - P.DƯƠNG - T.THẮNG - D.HÒA - H.NGUYÊN - V.HÀ - T.HUỲNH

TTO tường thuật  - Sáng nay, khoảng 750.000 lượt thí sinh cả nước sẽ bước vào ngày thi thứ ba của kỳ thi THPT quốc gia với hai môn thi: địa lý và hóa học.

Phụ huynh Hà Nội rôm rả bàn "biển đảo" 

Tại một điểm thi của cụm thi trường ĐH Thủy lợi, Hà Nội, trước giờ vào phòng thi rất nhiều thí sinh vẫn còn mang vở ra ôn. “Thực ra học lúc này cũng không thể “vào” được nữa nhưng em thấy lo, hơi căng thẳng, em muốn xem lại phần về biển đảo vì nghĩ thế nào cũng có câu hỏi về vấn đề này”, Nguyễn Thị Cúc, một thí sinh chia sẻ.

Chủ đề biển đảo cũng trở thành câu chuyện rôm rả của nhiều bậc phụ huynh chờ con thi ở trước điểm thi trường ĐH Bách khoa HN. “Tối qua, tôi ôn luyện tay đôi với con, bắt cháu trả lời các câu hỏi của tôi theo dạng vấn đáp. Nhưng vì không thể lan man được nên chỉ chọn một số nội dung dự đoán sẽ có trong đề thi, cụ thể là vấn đề về chủ quyền biên giới, hải đảo, giá trị, tiềm năng kinh tế của biển đảo", một phụ huynh kể.

Tại điểm thi trường ĐH Thủy lợi, một số thí sinh cho biết “Địa lý chỉ là môn để xét tốt nghiệp nên chúng em không quá căng thẳng. Hơn nữa được mang atlat Địa lý vào phòng thi khiến thí sinh bớt lo âu hơn vì có thể gỡ điểm từ những câu hỏi phân tích số liệu trong atlat, không lo phải học thuộc lòng kiến thức".

Lãnh đạo các hội đồng coi thi cụm ĐH Thủy lợi, ĐH công nghiệp HN đều cho biết  từ thực tế thi môn Văn tăng vọt số thí sinh vi phạm kỉ luật do mang tài liệu vào phòng thi để quay cóp, các hội đồng coi thi nhắc nhở giám thị nâng cao trách nhiệm, đặc biệt là việc nhắc nhở thí sinh đầu giờ thi để ngăn ngừa gian lận từ xa.

Ngày thi thứ 3 có khoảng 750.000 thí sinh dự thi, trong đó buổi thi môn địa lý sáng nay có khoảng 390.000 thí sinh. Buổi thi hóa chiều nay có khoảng 460.000 thí sinh dự thi.

Hà Nội vẫn tiếp tục nóng nắng. Mới 7 giờ sáng nắng đã gay gắt. Nhiều phụ huynh cho biết phải chuẩn bị cho con nước trái cây đóng chai để giải nhiệt khi vào phòng thi. Một số phụ huynh cho biết đã tham khảo bác sĩ để bổ sung cấp tốc vitamin và các thuốc bổ tăng cường thể lực chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết và sự căng thẳng của kì thi.

Thí sinh Đắk Lắk: Đề ra bảy vùng kinh tế và biển Đông?

Tại Hội đồng thi Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk, thuộc cụm thi ĐH Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột), thí sinh Trịnh Viết Đạt (H.Krông Ana) cho biết đã tập trung ôn tập phần bảy vùng kinh tế trọng điểm và vấn đề biển đảo VN. "Mình nghĩ đề thi sẽ hướng về tầm quan trọng biển đảo hiện nay, cụ thể về vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội" - Đạt nói

Thí sinh ĐakLak. Ảnh: Tiến Thành 

Vũ Thị Diệu Hoa (H.Ea H'leo) cũng cho hay kỳ thi này đã ôn tập rất kỹ  về bảy vùng kinh tế và cách sử dụng Atlat Địa lý. Thí sinh Cao Xuân Thành (H.Đắk Mil, Đắk Nông) tự tin nói: "Mình nghĩ đề thi năm nay sẽ về biển Đông nên cứ có gì liên quan đến biển Đông là mình học kỹ". Thành cho biết những ngày qua bên cạnh việc xem sách giáo khoa còn lên mạng đọc báo và xem chương trình thời sự để cập nhật kiến thức về biển Đông.

* TP.HCM: môn Địa sẽ... nhẹ nhàng 

Tại điểm thi trường THPT Bình Phú, Q8, 5g30 đã có một số thí sinh đến chờ đợi và tranh thủ ôn bài. Đa số các thí sinh cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng với môn Địa lý. Thí sinh Kim Thị Mỹ Linh, học sinh tại Trung tâm DGTX Q2 cho biết sợ nhất là nội dung về 7 vùng kinh tế vì phần này dài, có nhiều nội dung hao hao giống nhau, dễ nhầm lẫn. “Em nghĩ năm nay đề sẽ đòi hỏi thí sinh có khả năng vận dụng nhiều hơn, đưa kiến thức thực tiễn vào bài”, Linh cho biết.

Thí sinh ôn bài tại điểm thi quận 8, TP.HCM. Aảnh: N.Tuyền

Thí sinh Nguyễn Thanh Quy, học tại THPT Bình Tân, Q.Bình Tân cho biết phần vận dụng vẽ biểu đồ chính là phần lấy điểm, còn phần lý thuyết có thể dựa vào Atlat để làm nên thí sinh cũng không lo lắng lắm.

Thí sinh Bùi Thanh Phương Anh, học tại THPT Trần Hưng Đạo, BRVT nói “môn Địa lý hay ở chỗ nó nằm ngoài xã hội, có thể áp dụng nhiều vào thực tế”. 

* Dù môn địa lý không có nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhưng từ 5g sáng, tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã một số thí sinh có mặt. Đến 5g45, số lượng thí sinh ở các tỉnh đổ về nhiều hơn.

Nhiều thí sinh dự đoán đề thi năm nay sẽ có khả năng phân tích vào 7 vùng kinh tế của Việt Nam và những câu hỏi liên quan đến tài nguyên biển đảo của nước ta.

 Thí sinh Lê Ngọc Tuyền (Trung tâm GDTX Q.12), thí sinh có mặt sớm nhất ở điểm thi, cho biết:  “Thầy cô ôn luyện cho tụi em theo 10 chuyên đề, trong đó em ôn kỹ phần 7 vùng kinh tế”.

Tương tự thí sinh Nguyễn Thị Trường Giang (Q.12) cho rằng: “Đề thi mọi năm có khá nhiều câu về biển đảo nên em nghĩ năm nay sẽ là có sự thay đổi. Vì thi khối C để xét vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nên em ôn địa kỹ”.

Thí sinh ôn bài điểm thi SPKT TP.HCM. Ảnh: Hải Quân 
Giám thị kiểm tra Atlat Địa lý của từng thí sinh trước khi vào phòng thi tại Đắk Lắk - Ảnh: Tiến Thành

Trong khi đó, một vài thí sinh lại rất háo hức với chủ đề biển đảo. “Em nghĩ khả năng ra biển đảo rất cao vì nó mang tính thời sự và nóng hổi hiện nay. Em khá tự tin ở phần này” - thí sinh Phan Nguyễn Anh Tú (THPT Võ Trường Toản, Q.12), nói.

Các thí sinh trước giờ thi tại ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Phong Dương

* Thí sinh Quốc Đạt (TP.HCM) điểm thi trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho hay bạn thi môn địa lý để xét tốt nghiệp bởi môn này được xem Atlat nên dễ làm, đỡ ôn bài. Tối qua, bạn không phải học hành gì nhiều.

Cầm tài liệu ôn tập, bạn Ngọc Phong (quê Đồng Nai) nói: “Trước giờ thi, mình cầm tài liệu vậy thôi chứ cũng không ôn thêm gì. Mình đã ôn kĩ ở nhà”.

Trong khi đó, nhiều nhóm bạn cùng trường THPT đang đùa giỡn với nhau, không bàn tới môn thi địa lý nữa để tạo tâm lý thoải mái. Phần đông các bạn tự tin với môn này vì được mang theo atlat vào phòng thi.

Hải Phòng: hy vọng "đề ra kinh tế biển"

Nhóm thí sinh trao đổi, dự đoán đề thi môn địa lý trước giờ thi - Ảnh: Tiến Thắng
Nhóm thí sinh trao đổi, dự đoán đề thi môn địa lý trước giờ thi - Ảnh: Tiến Thắng
Thí sinh Ngô Việt Đức (Hải Phòng) say sưa đọc lại phần kinh tế tự nhiên trước khi bước vào thi địa lý - Ảnh: Tiến Thắng
Thí sinh Ngô Việt Đức (Hải Phòng) say sưa đọc lại phần kinh tế tự nhiên trước khi bước vào thi địa lý - Ảnh: Tiến Thắng

Tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng, các sĩ tử đứng thành nhiều nhóm bàn tán, dự đoán đề địa lý năm nay sẽ tập trung những phần nào.

Thí sinh Ngô Thị Hằng (Kiến Thụy, Hải Phòng) cho rằng đề thi sẽ tiếp tục đề cập vấn đề biển nên ngoài những nội dung ôn tập về đô thị, tự nhiên thì cũng nhấn mạnh tập trung ôn luyện kinh tế biển Việt Nam.

Cũng vậy, thí sinh Ngô Thị Cúc cho biết chú ý ôn tập nhiều hơn những phần liên quan đến vấn đề biển Đông. Vừa dặn con bình tĩnh bước vào môn thi, ông Ngô Ngọc Quý (Hải Phòng) vừa nhắc con chú ý thêm những phần liên quan đến biển Đông vì đề ngữ văn hôm qua cũng đã đề cập đến Hoàng Sa - Trường Sa thì chứng tỏ đề thi môn học thường bám sát những vấn đề thời sự của đất nước.

Nghệ An: Ôn luyện nhiều về biển đảo

Tại điểm thi trường THCS Trường Thi, Nghệ An, một nhóm chiến sĩ quân đội nghĩa vụ có mặt trước trường thi từ lúc hơn 6g30 để chuẩn bị làm bài thi môn Địa lý.

Chiến sĩ trẻ Lê Văn Nguyên từng tốt nghiệp THPT, gần đây mới ôn thi ba môn khối C để lấy điểm xét tuyển vào trường Sĩ quan lục quân 1.

“Bài thi môn Ngữ văn hôm qua mình làm cũng tạm ổn, mình chỉ lo nhất môn Địa lý. Mấy năm gần đây tại kỳ thi ĐH, CĐ đều có các câu hỏi liên quan đến biển, đảo nên mình và các bạn trong đơn vị đều tập trung ôn tập ở phần biển đảo và các vùng kinh tế, vấn đề lao động - việc làm. Ngoài ra, mình cũng thường xuyên đọc báo, nghe đài để cập nhật những vấn đề thời sự biển đảo để vận dụng vào bài viết”, Nguyên chia sẻ.

TS Nguyễn Thị Tố Oanh - (quê huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho rằng, cấu trúc đề Địa lý sẽ có 4 câu hỏi trong đó có các câu hỏi liên quan đến biển, đảo nên Oanh cũng rèn luyện và tham khảo các đề thi có các câu hỏi này.

“Hy vọng đề thi Địa lý vừa sức và không quá dài. Với thời gian 180 phút thì em nghĩ ở các câu hỏi sẽ còn chia các câu hỏi nhỏ để yêu cầu thí sinh phải có kiến thức tư duy, tổng hợp và phân loại giữa các thí sinh lấy điểm xét tuyển ĐH, CĐ với các bạn chỉ thi lấy điểm xét tốt nghiệp”, Oanh nói.

Các chiến sĩ trẻ thoải mái trước giờ làm bài thi môn Địa lý sáng 3-7 - Ảnh: Doãn Hòa

* Sáng nay tại điểm thi trường Đại Học Nha Trang các thí sinh đến dự thi đều tỏ rõ trên gương mặt sự tự tin và thoải mái bước vào ngày thi thứ ba. Cái nắng nóng của mùa hè làm cho các thí sinh mệt mõi nhưng không ngăn được nụ cười của sức trẻ .

Hầu hết các thí sinh và một số phụ huynh đều hy vọng môn địa lý sáng nay sẽ dễ thở.

Các thí sinh tự tin bước vào ngày thi thứ ba - Ảnh: Lưu Thái Văn Chương

Nhiều thí sinh hốt hoảng do quên mang theo Atlat địa lý 

Cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) kiểm tra Atlat địa lý VN của thí sinh trước giờ thi môn địa lý sáng nay 3-7 - Ảnh: Trần Huỳnh

Trong buổi thi môn địa lý sáng nay 3-7, ở điểm thi Trường THPT Phú Nhuận thuộc cụm thi Trường ĐH Y dược TP.HCM nhiều thí sinh quên mang theo Atlat địa lý VN.

Ghi nhận ở điểm thi này, khá nhiều thí sinh khi đến trường thi mới phát hiện mình quên mang theo Atlat địa lý đã hốt hoảng. Một số thí sinh có mang theo Atlat địa lý nhưng quên trong cốp xe máy hớt hơ hớt hải chạy tìm phụ huynh để lấy Atlat.

Chứng kiến cảnh này, các sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi của Trường ĐH Y dược TP.HCM chốt trực tìm cách tìm ngay phụ huynh của thí sinh để lấy Atlat. Nguyễn Văn Hữu, đội trưởng Tiếp sức mùa thi tại điểm thi này đã linh động phân công sinh viên tình nguyện trong nhóm chạy ngay đến nhà sách để mua Atlat giúp thí sinh.”Sáng giờ nhóm mình đã tự bỏ tiền túi ra mua gần chục cuốn Atlat địa lý VN giúp cho các thí sinh quên mang theo” – Hữu cho biết.

Trong khi cũng có khá nhiều phụ huynh phải chạy về nhà để lấy Atlat mang trở lại điểm thi cho con. Đến 7g30 vẫn còn phụ huynh mang Atlat đến điểm thi nhờ các sinh viên tình nguyện gửi vào cho thí sinh.

Đối với môn địa lý, thí sinh được mang Atlat địa lý VN vào phòng thi. Atlat được phép mang vào phòng thi là loại do Nhà xuất bản Giáo dục VN ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì.

Tại các điểm thi, trước giờ thi môn địa cán bộ coi thi liên tục nhắc nhở thí sinh quy định về việc sử dụng Atlat và tuyệt đối không được mang theo tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi.

Trước giờ thi môn địa lý tại điểm thi Trường THCS Chu Văn An thuộc cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thí sinh Lâm Ngân Lộc bị đau bụng dữ dội phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Phụ huynh thí sinh này cho biết: “Cháu thi đăng ký bốn môn toán, văn, ngoại ngữ, địa lý để xét tốt nghiệp. Cháu có học lực khá, giờ không thi được môn địa tôi lo quá”.

Sau khi liên hệ với Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT, phụ huynh này được tư vấn phải báo cáo ngay tình hình thí sinh với hội đồng thi để xem xét việc được đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy chế.

* Hôm nay thí sinh tiếp tục với hai môn địa lý và hóa học. Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, môn địa lý có gần 390.000 thí sinh đăng kí dự thi và môn hóa học gần 460.000 đăng ký.

Buổi sáng thí sinh dự thi môn địa lý với thời gian làm bài 180 phút (phát đề lúc 7g45 và bắt đầu làm bài từ 8g). Buổi chiều thí sinh dự thi môn hóa học (phát đề lúc 14g15 và làm bài lúc 14g30).

Ngay sau khi kết thúc giờ thi của mỗi môn, Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật liên tục bài giải của môn thi đó. Bên cạnh đó là các nhận định đánh giá về đề thi của các giáo viên, giảng viên nhằm giúp thí sinh có cái nhìn tổng quan về đề thi.

 

 

 

 

MG. T.THÀNH - N.TUYỀN - H.QUÂN - P.DƯƠNG - T.THẮNG - D.HÒA - H.NGUYÊN - V.HÀ - T.HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp