20/10/2019 07:47 GMT+7

Phụ huynh: 'Học tốt là đủ, dạy học sinh, sinh viên khởi nghiệp làm gì?'

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Hiện chỉ 2-3% học sinh, sinh viên ở Việt Nam khởi nghiệp. Trong khi đó nhiều phụ huynh hỏi dạy học sinh, sinh viên khởi nghiệp làm gì, chỉ cần học tốt là đủ!

Phụ huynh: Học tốt là đủ, dạy học sinh, sinh viên khởi nghiệp làm gì? - Ảnh 1.

Những công nghệ mới được trình bày tại triển lãm trong WHISE 2019 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên không chỉ vì mục đích lập doanh nghiệp, mà là giúp cho các em phát triển tư duy.

Ông Nguyễn Việt Dũng (giám đốc Sở KH-CN TP.HCM)

Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2019 (WHISE 2019) diễn ra ngày 18 và 19-10 với chuỗi hơn 20 chương trình trọng tâm, thu hút khoảng 3.000 người tham dự gồm học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

WHISE 2019 lần thứ 3 do UBND TP.HCM cùng Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

30 phút gọi vốn đầu tư

Tối 17-10, anh Đỗ Thanh Tùng - nhà sáng lập của startup Legend Stocks - bắt chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM để kịp tham dự chương trình Investment Day (18-10), nằm trong WHISE 2019. Investment Day được thiết kế thành dịp giúp startup và nhà đầu tư có thể gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Trong tay Tùng là một nền tảng tư vấn điện tử trên lĩnh vực chứng khoán, mục tiêu dài hạn có thể thay thế mô hình tư vấn truyền thống của các sàn giao dịch hiện nay. Chỉ trong 1 ngày, Tùng nhận được sự quan tâm và tiếp chuyện với tận 6 nhà đầu tư.

"Chúng tôi muốn gọi 200.000 USD cho 15% cổ phần. Kết quả khá tích cực, một số quỹ đề nghị sẽ tiếp tục gặp mặt sau sự kiện" - anh Tùng nói.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương - đồng quản lý Entrepreneurs Hub, đơn vị phối hợp tổ chức Investment Day với Sở KH-CN TP.HCM - cho biết nếu như năm trước, chương trình được làm theo hình thức 10 startup lần lượt thuyết trình cho khán giả và các nhà đầu tư, thì nay chuyển sang hình thức các cuộc trao đổi ngắn trực tiếp giữa 2 bên trong vòng 30 phút.

Trường hợp muốn tìm hiểu thêm, startup và nhà đầu tư có thể gặp nhau trong giờ ăn trưa và ăn tối được ban tổ chức thiết kế cho mục đích kết nối.

Anh Austin Nguyễn - chuyên gia phân tích đầu tư của Tập đoàn NextTech - cho biết những cuộc gặp gỡ trong chương trình đáp ứng được 80% kỳ vọng, do đã có thời gian tìm hiểu từ trước.

"Một trong các tiêu chí của chúng tôi là dựa vào ý tưởng kinh doanh, năng lực đội nhóm và chiến lược hoạt động của họ. Giờ là lúc chúng tôi muốn đầu tư nhiều hơn" - anh Austin nói.

Anh chia sẻ thêm nhờ những sự kiện như Investment Day, các quỹ đầu tư có thể biết thêm tình hình các startup ở 3 miền đang mạnh và thiếu những thứ gì, từ đó có thêm các chiến lược trong tương lai.

Đại học trong sáng tạo khởi nghiệp

Tại Diễn đàn giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ngày 18-10), các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục - khoa học cùng nhấn mạnh vai trò của trường đại học trong việc xây dựng xã hội khởi nghiệp.

TS Kang Hyung-Choo, giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của Đại học Kyungil (Hàn Quốc), cho biết các đại học ở Hàn Quốc thường tranh thủ đăng ký tham gia những quỹ khởi nghiệp dành riêng cho sinh viên từ Chính phủ Hàn Quốc.

Ban đầu chỉ hỗ trợ 15 đại học mỗi năm, đến nay quỹ này trợ giúp cho 43 đại học lớn cả nước, nuôi dưỡng được 5.398 startup và tạo việc làm cho 15.170 lao động trong giai đoạn 2011-2017.

"Hằng năm ở Hàn Quốc có khoảng 3.300 lớp học startup cho học sinh, sinh viên, và khoảng 400 lớp cho những người ngoài có nhu cầu" - ông Kang nói.

Ông cho biết thêm đại học luôn tạo môi trường xây dựng ý tưởng startup. Hằng năm, trường chọn ra 16 ý tưởng của sinh viên và đầu tư với kinh phí khoảng 1,2 tỉ đồng cho mỗi dự án.

"Trường lập ra đến 5 trung tâm khởi nghiệp, trong đó có các bộ phận cố vấn kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh, marketing cho sinh viên vốn chưa nhiều kinh nghiệm. Những câu lạc bộ khởi nghiệp cũng được đẩy mạnh, bên cạnh các lớp định hướng ý tưởng, hỗ trợ các bạn đưa ra ý tưởng riêng cho mình" - ông Kang nói.

Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, cho biết từng gặp nhiều phụ huynh chia sẻ: dạy học sinh, sinh viên khởi nghiệp làm gì, chỉ cần học tốt là đủ! Ông chia sẻ cần thay đổi cách nhìn về khởi nghiệp trong môi trường đại học và cả phổ thông, trong đó định rõ mục tiêu của những hoạt động này sẽ đem lại cho học sinh, sinh viên những giá trị hay kinh nghiệm gì giúp ích sự nghiệp và cuộc sống tương lai.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi - giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM, câu chuyện khởi nghiệp cần kiên trì mới đem lại kết quả, nhất là trong môi trường giáo dục. Ông cho biết hiện chỉ 2-3% học sinh, sinh viên ở Việt Nam khởi nghiệp, do đó cần dần nâng cao nhận thức, giúp giới trẻ thích thú và mong muốn trải nghiệm khám phá về startup.

"Một trong những hoạt động có thể đẩy mạnh là thông qua các cuộc thi ý tưởng" - ông Thi nói.

* Chị Trương Lý Hoàng Phi (phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM):

Khởi nghiệp từ khi nào?

anh4_gd 3(read-only)

Thật sự ở mọi lứa tuổi đều có thể khởi nghiệp, từ 20, 30 đến tận những năm 60 tuổi. Tuy nhiên, theo tôi, không nên nói quá nhiều vào thời gian khởi nghiệp mà cần đề cập đến việc tham gia vào hoạt động khởi nghiệp từ sớm.

"Tham gia" ở đây có thể là hỗ trợ, làm việc trong một công ty, dự án startup, đăng ký những cuộc thi khởi nghiệp, tìm hướng đi những bài toán thực tế... càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp bạn tích lũy những kinh nghiệm khi còn trẻ.

Đến khi bắt đầu một mô hình khởi nghiệp, thời gian thích hợp hay không là tùy vào mỗi người cảm thấy sự nghiêm túc và độ chín của mình. Tuy nhiên, gần như ai cũng phải liên tục học tập sau khi bắt đầu khởi nghiệp.

* Nhà đầu tư Lê Đăng Khoa (Shark Khoa):

Ý tưởng ở mọi nơi

anh5_gd 3(read-only)

Mới đây, tôi có đầu tư cho 1 startup là nhà sáng lập chỉ mới... 17 tuổi, nhưng điều bất ngờ hơn là bạn ấy đã bắt đầu bắt tay vào viết code từ năm 12 tuổi. Hay gần đây, tôi tham dự một chương trình khởi nghiệp do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức - ngôi trường thiên về xã hội hơn là kinh tế. Tuy nhiên, chỉ trong 1 buổi bán kết, tôi đã ấn tượng và gần như muốn đầu tư lập tức vào 4 dự án của các bạn sinh viên.

Qua đó có thể thấy ý tưởng khởi nghiệp hay có thể đến từ mọi lứa tuổi, với mọi ngành nghề. Điều quan trọng là trong quá trình khởi nghiệp, cần biết mình thiếu gì và tìm ai để lắp vào khoảng trống đó.

12 công trình giành giải thưởng I-Star 2019 12 công trình giành giải thưởng I-Star 2019

TTO - Ngày 19-11, ban tổ chức Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2019 (I-Star 2019) tổ chức trao giải thưởng chung cuộc cho 4 nhóm xét duyệt.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp