Phóng to |
Bé Lê Tuấn Khang (một trong những bé bị hành hạ ở Trường mầm non tư thục Phương Anh) - Ảnh: Thuận Thắng |
Sáng 17-12, PV Tuổi Trẻ trở lại cơ sở Phương Anh nhưng nơi này đã khóa cửa, ngưng hoạt động. Tại đây, một số phụ huynh có con bị hành hạ đăng trên báo Tuổi Trẻ đã kéo đến phản ứng dữ dội.
Một phụ huynh lớn tiếng kêu gào đập vào cánh cửa sắt đang khóa rồi hét lớn: “Tàn ác quá, dã man quá”. Rồi vị phụ huynh này nước mắt lưng tròng lủi thủi đi về.
Xót con tôi quá, con ơi!
Sau khi xem đoạn phim “cô” Lý dúi đầu hành hạ dã man con mình phát trên Tuổi Trẻ, chị Bùi Thanh Lệ (30 tuổi, ngụ đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước), mẹ của bé Lê Tuấn Khang (21 tháng tuổi), không khỏi bàng hoàng đau xót. Chị Lệ cho biết: “Đến giờ tôi vẫn không dám tin rằng con mình lại bị hành hạ dã man đến như vậy. Thằng bé còn quá nhỏ mà các “cô giáo” cứ đánh, cho ăn kiểu “man rợ” như vậy thì làm sao nó chịu nổi. Xót con tôi quá, con ơi!”.
Trong phòng ngủ, bé Khang đang vùi trong chăn nằm ngủ, nghe tiếng khách lạ bé giật mình mếu máo khóc. Chỉ Lệ vừa bồng bé, vừa nói đùa: “Để mẹ đưa đến trường con nhé”.
Với độ tuổi của bé Khang, em còn quá nhỏ để hiểu hết mọi chuyện nhưng khi nghe câu nói “đến trường”, đôi mắt đờ đẫn nhìn xung quanh, òa khóc, bấu víu lấy chị Lệ đòi được ở nhà.
Chị Lệ vạch áo, tìm những vết thâm tím trên người con trai rồi nước mắt ngắn dài, chị kể rằng trước kia khi đi gửi, con chị da dẻ hồng hào, nhanh nhẹn không phải ủ rũ, đờ đẫn như bây giờ.
Càng ngày cháu lại càng lộ rõ những triệu chứng như hay nôn ói, cứ ăn vào là ói và tiêu chảy. Có nhiều hôm, học về ngày nào Khang cũng khóc, trước lúc đưa đi học cháu cứ ôm chặt lấy cổ cha mẹ với ánh mắt hoảng sợ.
Mỗi tháng trả 1,3 triệu đồng
Theo chị Lệ, có một lần vợ chồng chị tìm đến trường hỏi bà Phương có làm gì khiến thằng bé hoảng sợ không, nhưng bà Phương niềm nở nói con chị rất ngoan và dặn rằng hãy yên tâm.
Theo chị Lệ, chị gửi bé Khang cho bà Phương chăm sóc được khoảng ba tháng, mỗi tháng 1,3 triệu đồng, thi thoảng còn gửi tiền “bồi dưỡng”.
Sáng gửi con, chị thường mang theo sữa để bé uống. Đứng cạnh bên dỗ dành bé Khang, anh Hiệp (cha đứa bé) nói: “Tôi chỉ hi vọng công an vào cuộc làm việc, giải quyết thỏa đáng. Ai sai thì phải xử lý nghiêm khắc”.
Trong sáng 17-12, chị Phúc Thị Hằng bỏ cả công việc, chạy từ cơ quan ở Q.Phú Nhuận đến cơ sở mầm non để xem có đúng sự thật là các cô giáo đã hành hạ trẻ dã man hay không. C
on của chị Hằng năm nay 2 tuổi, do gia đình neo đơn nên bắt buộc đưa con đến gửi tại trường do bà Phương quản lý. “Mỗi lúc gặp tôi, bà Phương cười tươi hớn hở nói cháu ngoan, ăn rất giỏi, nhưng ai ngờ mỗi bữa ăn là một bữa tra tấn như vậy” - chị Hằng bức xúc.
Phóng to |
Nguyễn Lê Thiên Lý đang dọa trẻ bằng cách đưa đầu trẻ vào thùng nước - Ảnh cắt từ clip |
______________________
* PGS.TS Nguyễn Khắc Hùng (phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường ĐH Sài Gòn):
Cần nghiêm túc nhìn nhận lại chương trình đào tạo
Qua vụ việc này, tôi cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận lại trong cơ cấu chương trình đào tạo giáo viên mầm non hiện nay có cần bổ sung nội dung về vấn đề đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Nghề giáo viên mầm non là nghề đặc thù, không phải ai cũng có thể làm được.
Nếu những người nuôi dạy trẻ mà không yêu trẻ thì không thể làm được nghề này. Trước đây, ngành giáo dục mầm non không có nhiều người chọn học nhưng những năm gần đây do nhu cầu nhân lực giáo viên mầm non rất lớn nên đã thu hút nhiều người học.
Các bạn trẻ cần cân nhắc kỹ xem mình thật sự yêu trẻ hay không để đi đến quyết định lựa chọn nghề này.
TRẦN HUỲNH ghi
* Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (đại biểu HĐND TP.HCM):
Chất lượng chăm trẻ đang thả nổi
Có một thực tế là khi thực hiện xã hội hóa bậc học mầm non, rất nhiều nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ tự phát mọc lên, đặc biệt là trong những khu vực gần khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lao động nghèo, trong khi cả số lượng lẫn chất lượng của những nhóm trẻ này đang bị thả nổi.
Ngoài những vụ việc đã được phát hiện thì quả thật không biết chuyện gì đang xảy ra tại rất nhiều trường tư thục, nhóm trẻ gia đình khác, khi lực lượng thanh tra của chúng ta còn quá mỏng.
Do đó, công tác kiểm tra, giám sát phải tiến hành thường xuyên, thực chất. Ngoài các biện pháp quản lý của Nhà nước thì không có gì quan trọng bằng lương tâm của giáo viên. Chúng ta có biện pháp nhiều nhưng ý thức con người không được đặt lên hàng đầu thì cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
MAI HƯƠNG ghi
Đọc thêm:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận