Phóng to |
Phu đường Trần Văn Túc cùng các em nhỏ xúc gạch, cát thừa trong nghĩa trang đem lấp đường |
Đường be ấp 6 dài không quá hai cây số nhưng lại là tuyến đường thuận lợi để nhà vườn, thương lái vận chuyển trái cây ra quốc lộ 20. Hơn 20 năm trước, có một người tên Trần Văn Túc bắt đầu xếp đá làm đường bởi lúc ấy con đường này còn hũng sâu, nhỏ hẹp, hai hàng cỏ chụm đầu cao ngất, khi mưa xuống nước chảy tràn như con suối.
Việc chưa đến đâu thì cụ đổ bệnh, phải phẫu thuật cắt bỏ ruột. Các bác sĩ BV Thánh Tâm (nay là BV đa khoa khu vực Thống Nhất) dặn dò người thân trước khi tiễn bệnh nhân xuất viện: tránh ra nắng, dầm nước, ăn uống kỹ lưỡng thì sống được ba năm. Cảm nhận cuộc sống chỉ còn tính từng ngày, cụ Túc đã không khỏi “tâm tư”.
Phóng to |
Cụ Túc và các em thiếu nhi chở gạch, cát đi vá giặm đường |
Bà con xóm Sình đến giờ vẫn còn nhớ cái không khí nhộn nhịp trên công trường làm đường non mười năm trước. Năm đó lũ quét, con đường bị hư hỏng nặng. Xót của, cụ Túc “dụ dỗ” vợ bán đất, mua mấy chục xe đá, thuê nhân công để “đại phẫu” con đường. Nhờ làm nền chắc một lần mà từ đó về sau ông cụ chỉ còn mỗi việc giặm vá đường.
Thấy cụ miệt mài, bà con trong xóm cũng tham gia góp sức. Đám con nít xóm Sình rất khoái làm đường vì được cụ “trả công” mua quà bánh. Khoản kinh phí này từ đâu cụ có? Cụ Túc nửa đùa nửa thật: “Hồi đó nhà bán tạp hóa, tôi... chôm của bà xã. Xe nhà vườn, thương lái qua lại cũng có cho vài ngàn lẻ”.
Bây giờ ở tuổi 86, cụ vẫn kiên trì giặm vá chỗ đường hư hỏng. Cụ và đám trẻ vào bên trong nghĩa trang nhặt nhạnh từng chút gạch lăn lóc đem về vá đường. Mấy rày trời mưa suốt, đường hư hỏng nhiều, công việc thêm nhọc.
Nhờ ba đứa trẻ đẩy giúp, cụ Túc mới kéo nổi chiếc xe cút kít lên con dốc. Dáng cụ liêu xiêu, lưng còng và bước chân lạch bạch kéo xe. Cụ không còn khỏe nữa. Cụ Túc cho biết: “Một mình tôi không đủ sức, nên nhờ sắp nhỏ phụ thêm, vừa đỡ tốn kém vừa dạy chúng thói quen lao động”.
Đường be ấp 6 nhỏ bé, lầy lội của ngày xưa giờ đã được nâng cao, nền chắc, rộng 5-6m. Các con cụ cho biết thời còn trai trẻ sống ở Nga Phú (Nga Sơn, Thanh Hóa), cụ Túc từng cùng cha tự nguyện vác cuốc, xẻng làm đường đi chung, giống hệt như “phu đường” xã Phú Sơn bây giờ.
Ngoài làm “phu đường tự nguyện”, cụ còn là “nhà đèn” của xóm Sình. Hồi đó, thấy bà con có đạo đi lễ sớm trên con đường tối, cụ bàn với vợ dốc tiền đặt 50 trụ bêtông, rồi mua thêm dây, bóng đèn mắc lên. Sẵn có “uy tín” từ chuyện làm đường, cụ đi vận động bà con cho câu điện thắp sáng chung, nhà nào đời sống còn khó khăn thì cụ trả tiền điện. Từ khi có “hệ thống chiếu sáng công cộng”, xóm Sình vui hẳn ra.
Mỗi khi làm nặng, chỗ ruột non bên hông lại sưng tấy lên, đau buốt. Dù bệnh tật, cụ vẫn xung phong chăm sóc nghĩa trang và phụ trách đội trống lễ với dàn “đệ tử” thiếu niên nhưng chơi rất có “lửa”. Trong căn nhà tuềnh toàng nơi cụ ở chỉ lèo tèo mấy thứ vật dụng, bộ trống lễ, mấy cái nón lá rách bươm, chiếc áo mưa tự chế, hai bộ đồ cũ mèm vá chằng vá đụp và bộ “đồ nghề” làm đường.
Quần áo con cái may cho, cụ đem cho người nghèo, chỉ giữ lại một bộ pyjama làm “đồ vía”. Cụ tâm sự: “Tôi suốt ngày quanh quẩn ở đường be đâu có đi đâu mà mặc nhiều”. Ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch xã Phú Sơn, nói: “Tài sản của ông cụ không chỉ là một con đường mà còn là tinh thần công dân vượt khó, sống tự giác vì cộng đồng”.
Tháng tám cụ vừa được tuyên dương tại đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận