14/10/2022 09:30 GMT+7

Phớt lờ trát của Hạ viện, liệu ông Trump có bị khởi tố và ngồi tù?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Việc gởi trát cho một cựu tổng thống là điều hiếm có ở Mỹ nhưng ủy ban điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol đã tuyên bố họ sẽ làm như vậy. Liệu ông Trump có chấp hành hay phớt lờ?

Phớt lờ trát của Hạ viện, liệu ông Trump có bị khởi tố và ngồi tù? - Ảnh 1.

Cựu tổng thống Trump trong cuộc mít tinh ngày 9-10 vừa qua ở bang Arizona - Ảnh: REUTERS

Ngày 13-10, với 9 phiếu thuận và 0 phiếu chống, ủy ban điều tra vụ bạo loạn của Hạ viện Mỹ đã thông qua đề xuất gửi trát đến cựu tổng thống Donald Trump, người mà họ cho rằng đã kích động bạo lực nhằm đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trong một bài viết sau đó, ông Trump đã bác bỏ cáo buộc và gọi việc làm của ủy ban là "trò cười". Phản ứng đó làm dấy lên suy đoán có khả năng cựu tổng thống sẽ không hợp tác với yêu cầu của ủy ban là cung cấp tài liệu và lời khai có tuyên thệ liên quan vụ bạo loạn.

Một đạo luật liên bang có từ năm 1857 quy định việc không tuân thủ trát triệu tập của Quốc hội sẽ bị khép vào tội "khinh thường Quốc hội". Song đây là một tội nhẹ và có thể bị phạt tù 1-12 tháng.

Trong trường hợp ông Trump phớt lờ trát, toàn thể Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu về việc có gửi kiến nghị đến Bộ Tư pháp hay không.

Điều này là do Quốc hội không có quyền khởi tố và Bộ Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định điều này.

Cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump, ông Steve Bannon, phải đối mặt với 2 năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới 200.000 USD sau khi bị kết tội khinh thường Quốc hội vì phớt lờ trát của Hạ viện liên quan vụ bạo loạn.

Một cựu cố vấn khác của ông Trump là Peter Navarro cũng bị buộc tội khinh thường Quốc hội và phải đối mặt với phiên tòa vào tháng 11.

Bộ Tư pháp quyết định không khởi tố hai cựu trợ lý khác của ông Trump là ông Mark Meadows và Dan Scavino dù trước đó Hạ viện bỏ phiếu kết luận những người này khinh thường Quốc hội.

Vào năm 1821, Tòa tối cao Mỹ từng tuyên bố Quốc hội có quyền bắt và giam giữ các nhân chứng cứng đầu mà không cần thông qua Bộ Tư pháp. Tuy nhiên lần gần đây nhất Quốc hội Mỹ sử dụng đặc quyền này là cách đây gần một thế kỷ.

Khả năng ông Trump xuất hiện trước ủy ban điều tra hiện cũng 50-50. Cựu tổng thống có thể đến nếu được bảo đảm đây là một sự kiện không công khai, tuy nhiên sẽ từ chối trả lời các câu hỏi, viện dẫn các quyền được quy định trong Tu chính án thứ năm của Hiến pháp Mỹ.

Khoảng 30 người nhận được trát của ủy ban đã chấp nhận xuất hiện sau khi được đảm bảo các quyền lợi trên.

Một khả năng khác là ông Trump sẽ dây dưa, kéo dài thời gian để không phải xuất hiện. Ủy ban điều tra vụ bạo loạn dự kiến sẽ hoàn tất các công việc trong năm nay.

Trát cho ông Trump dự kiến sẽ được gửi trong vài ngày tới, theo Reuters. Tuy nhiên, Hạ viện sẽ không thể lập tức gửi kiến nghị khởi tố đến Bộ Tư pháp nếu cựu tổng thống phớt lờ do đang trong kỳ nghỉ họp và các nghị sĩ chỉ trở lại vào giữa tháng 11 tới.

Hơn 880 người đã bị bắt vì liên quan đến vụ bạo loạn xảy ra ngày 6-1-2021, với hơn 400 lời nhận tội cho đến nay. Hậu quả của vụ việc là gần 10 người thiệt mạng (trực tiếp và gián tiếp sau sự kiện), gần 150 người bị thương.

Công bố video cho thấy các nghị sĩ Mỹ hoảng sợ lúc bạo loạn ở Điện Capitol Công bố video cho thấy các nghị sĩ Mỹ hoảng sợ lúc bạo loạn ở Điện Capitol

TTO - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gần như "đứng hình" khi được nghe yêu cầu đeo mặt nạ chống độc. Nữ chính khách hơn 80 tuổi liên tục gọi điện cho các quan chức liên bang và địa phương, kêu gọi sự giải vây từ cảnh sát lẫn quân đội.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp