Rà tìm thiết bị chứa phóng xạ bị mất trong khu vực nhà máy thép Pomina - Ảnh: Đông Hà |
Nhiều thiết bị trong số này có kích thước nhỏ có thể di chuyển được và vì nhiều lý do, chúng có thể rời khu vực sản xuất đến khu vực dân sự mà không bảo đảm an toàn.
Tôi ví von những thiết bị ấy như hiểm họa lang thang, có thể gây tác hại lên rất nhiều người ở nhiều nơi. Nếu bị thất lạc ra khu dân cư thì còn nguy hơn cả một quả mìn.
Cứ tưởng tượng như thế này, nếu trái mìn và nguồn phóng xạ cùng nằm dưới một lớp đất. Trái mìn có thể nổ, có thể không nổ, có thể hư hỏng sau một thời gian dài. Nếu mìn nổ còn có một vật chắn và nguy hiểm trong một phạm vi tương đối nhỏ.
Còn nguồn phóng xạ nằm âm thầm ngoài môi trường phát tia liên tục và chiếu xạ vào bất cứ ai trong phạm vi vài chục mét suốt nhiều năm.
Người di chuyển gần nguồn phóng xạ sẽ ngẫu nhiên bị ảnh hưởng một liều không nhỏ và chúng tích tụ dần theo thời gian, gây tổn thương đến cơ thể.
Chưa kể vật liệu chứa phóng xạ có kết cấu như những cục sắt nhỏ bình thường có thể han gỉ phát tán theo nước hoặc bụi đất đá, khiến phạm vi tác động mở rộng.
Thậm chí vật liệu chứa phóng xạ nếu bị nhầm lẫn với sắt vụn (rất khó phân biệt bằng mắt thường, kể cả người trong ngành hạt nhân) để rồi bị nung chảy, chế biến thành nhiều sản phẩm dân dụng và cứ thế âm thầm di chuyển khắp nơi còn nguy hại khôn lường.
Các quy định về quản lý an toàn bức xạ đều chiếu theo quy chuẩn quốc tế, có nghĩa là hợp lý, chuẩn mực. Quy định là thế nhưng thực hiện quy định còn nhiều kẽ hở.
Theo quy định, Cục An toàn bức xạ (Bộ Khoa học - công nghệ) quản lý tất cả nguồn chứa phóng xạ đang sử dụng trong các hoạt động công nghiệp, y tế... Nhưng nhân sự quản lý của cục chỉ khoảng 100 người, không thể nào quản lý được hơn 4.000 nguồn phóng xạ đang chiếu xạ liên tục từng giờ từng phút ở nhiều nơi, trong khi sự cố có thể xảy ra với nhiều hình thái khác nhau.
Mỗi năm, cục chỉ có thể kiểm tra, thanh tra các cơ sở công nghiệp có sử dụng nguồn phóng xạ một lần, nhiều nhất là hai lần.
Quản lý ở mức đó thì chỉ đủ thời gian ghi nhận hiện trạng sử dụng phóng xạ trong sản xuất, không thể tiến hành việc quan trọng nhất là giám sát. Do đó các vấn đề như cơ sở sử dụng ra sao, chiếu xạ đúng liều không, nguồn di chuyển đi đâu, từng giờ từng phút nguồn phóng xạ đó được dùng vào mục đích gì đều bị bỏ ngỏ.
Kinh nghiệm của các nước phát triển công nghệ hạt nhân, dưới sự hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, họ gắn bộ phận theo dõi cho thiết bị chứa phóng xạ.
Thiết bị này gồm định vị toàn cầu, cảm ứng phóng xạ và bộ phận truyền dữ liệu. Dữ liệu thu nhận sẽ truyền về cơ quan quản lý nhà nước.
Như vậy mọi hoạt động của thiết bị sẽ bị theo dõi và cảnh báo ngày đêm. Cơ quan chức năng không chỉ quản lý được thiết bị mà còn xác định được thiết bị đó có an toàn với người lao động tiếp xúc trong từng thời điểm cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận