Phóng to |
“Phóng viên chiến trường” nghiệp dư ở Syria
Khi lực lượng nhà báo được đào tạo chuyên nghiệp không thể bao quát hết tin tức các vùng xung đột, chiến tranh khắp thế giới thì những người dân bình thường trở thành nguồn cung cấp thông tin vô cùng quý giá được chuyển tải qua các mạng xã hội. Những nhà báo công dân này chấp nhận rủi ro với mục đích phản ánh hiện thực chiến tranh.
Một bài báo tựa "Nhà báo công dân: một hình thức đưa tin chiến tranh mới" đăng trên trang mạng tạp chí Hội Chữ thập đỏ quốc tế kể về Fadiyah El Amin, một nhân viên sân bay 25 tuổi ở Damascus (Syria), bất ngờ trở thành nhà báo như ước mơ thuở bé của cô. Khi Syria bắt đầu bất ổn từ tháng 3-2011, tình yêu dành cho báo chí của El Amin trỗi dậy.
Theo Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF), số nhà báo công dân thiệt mạng khi đưa tin trong cuộc nội chiến Syria lên đến gần 70 người, chiếm 73% tổng số nhà báo thiệt mạng. Ahmed Souleymane Daheek là nhà báo công dân đầu tiên được ghi nhận thiệt mạng khi tác nghiệp trong cuộc nội chiến Syria ngày 5-5-2011. Gần đây nhất là hai nhà báo công dân Ghaith Abd al-Jawad và Ahmed Khaled Shehadeh thiệt mạng trong trung tâm báo chí dã chiến Qaboun ngày 10-3-2013. |
“Bởi vì thế giới thiếu thông tin nên không ai thật sự hiểu những gì đang xảy ra ở đất nước chúng tôi. Cách tốt nhất để biết sự thật là tiếp xúc với những người đáng tin cậy đang sống ngay ở những vùng xung đột”, El Amin lý giải việc cùng bốn người bạn lập một trang Facebook để đưa thông tin về nội chiến ở Syria.
El Amin sau đó trở thành người điều hành trang mạng xã hội “Akhbar al-Shabab Surya” có hơn 12.000 thành viên và có chức năng giống như một "hãng tin" nhỏ: mỗi thành viên có thể xuất bản các thông tin họ kiếm được trong khi những người khác sẽ có trách nhiệm duyệt hoặc gác bài.
“Có một số nguyên tắc - El Amin nói - Các thành viên phải cho biết nguồn tin của họ lấy từ đâu: họ chứng kiến hay dựa vào những thứ họ nhìn thấy trên các mạng xã hội khác. Trên hết, chúng tôi không chấp nhận các quan điểm hoặc các bài bình luận trừ khi họ cung cấp thêm thông tin”.
El Amin là một trong những ví dụ điển hình về cách thức đưa tin về các vùng xung đột đang thay đổi dưới sự ảnh hưởng của mạng xã hội, blog, tweet (các dòng tin nhỏ đăng trên Twitter).
Theo trang mạng Global Editor, truyền thông xã hội (social media) đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng ở các quốc gia xảy ra xung đột. Chỉ qua các thước phim chụp bằng điện thoại di động, các “phóng viên chiến trường” nghiệp dư phản ánh đa chiều về sự kiện.
Fidaa al-Baali là một nguồn tin từ Syria tin cậy cho các nhà báo quốc tế. Anh dùng máy ảnh có chức năng quay phim ghi lại nội chiến Syria và những cuộc biểu tình.
Nhà báo Anne Barnard, trưởng văn phòng The New York Times ở Beirut (Libăng), kể: “Nội chiến Syria đã cướp mất những phần quan trọng nhất trong đời al-Baali: cha bị bắt giam, anh trai và người vợ chưa cưới bị thiệt mạng. Bất chấp tất cả, al-Baali vẫn không ngừng phản ảnh về cuộc xung đột”.
Fidaa al-Baali trở thành một chứng nhân cho sự biến động và bi kịch liên tục ở Syria. Nhà báo Anne nhận xét al-Baali lúc đầu là một “chàng trai vui vẻ và luôn đùa giỡn” nhưng trong những cuộc nói chuyện sau này, anh đã không còn giữ được bình tĩnh vì nỗi đau mất mát của người thân.
Cuối cùng, chính al-Baali cũng thiệt mạng vào đầu tháng 7-2013 bởi nhiều mảnh đạn găm trên cơ thể sau một trận đánh giữa quân chính phủ và quân nổi dậy ngay tại quê nhà Qaboun ở ngoại ô Damascus.
Amer Al-Sadeq - một nhà báo công dân cung cấp nhiều bài phỏng vấn từ quê nhà Syria cho các cơ quan thông tấn trên thế giới như Al Jazeera, France 24, BBC và CNN - tâm sự: “Tôi xem mình là một nhà hoạt động xã hội hơn là một nhà báo. Khi chứng kiến một người bị đám đông cuồng nộ đánh hội đồng trên đường phố, nếu là một nhà báo tôi đã hài lòng với việc ghi lại cảnh tượng ấy từ bancông. Nhưng tôi đã chạy xuống đường và thậm chí không mang theo máy ảnh. Tôi chỉ muốn giúp đỡ nạn nhân và mong sao cảnh sát can thiệp để nạn nhân không còn bị đánh hội đồng nữa”.
Phóng to |
Một “phóng viên chiến trường” nghiệp dư quay phim ở chiến trường đổ nát tại TP Homs, Syria - Ảnh: syriadeeply |
Tin hay không tin “nhà báo công dân” ở chiến trường?
Katie Hawkins-Gaar, biên tập viên trang tin báo chí công dân iReport của CNN, nhận định: “Báo chí sẽ không ngừng thay đổi nhờ vào việc mọi người có thể tương tác với các tổ chức truyền thông và chia sẻ quan điểm, kể các câu chuyện cá nhân hoặc cung cấp tin tức qua hình ảnh và video. Họ có thể gây ảnh hưởng tích cực đến cách chúng ta đưa tin và hiểu rõ tin tức chúng ta đang đưa như thế nào”.
Trang web Hiệp hội Báo chí thế giới và xuất bản tin tức (WAN-IFRA) đưa ra quan điểm: “Mặc dù những nhà báo công dân, nghiệp dư không có kiến thức hay đủ kinh nghiệm để phân tích các diễn biến thời sự theo cách mà một người được đào tạo chuyên nghiệp về báo chí có thể thực hiện, nhưng họ có thể chứng kiến trực tiếp và ghi lại các sự kiện”.
Một minh chứng là bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị bắt sống ngày 20-10-2011 đầu tiên do Hãng AFP phát đi toàn thế giới là do phóng viên ảnh hãng này chụp lại từ màn hình điện thoại di động của một binh sĩ trong phe nổi dậy. Các phóng viên chiến trường chỉ tới ống cống nơi ông Gaddafi trốn sau khi sự kiện diễn ra và Gaddafi đã bị đưa đi nơi khác. Các đoạn phim quay Gaddafi bị bắt cũng do người nghiệp dư quay lại.
Liz Sly - trưởng văn phòng The Washington Post ở Baghdad, người nhận tin tức cộng tác từ hơn 100 “phóng viên chiến trường nghiệp dư” ở Syria - thừa nhận: “Tìm một nguồn tin đáng tin cậy mới là không bao giờ dễ dàng”. Các nhà báo công dân ở Syria vì nhiều lý do, nhất là sự an toàn, đã sử dụng đa số là tên giả. Mặc dù Liz Sly nỗ lực biên tập tin tức của họ thành những bản tin đạt độ chính xác hết sức có thể theo tiêu chuẩn cơ quan nhưng dưới bản tin cô luôn phải ghi chú: “Thông tin này không thể được kiểm chứng độc lập”. |
Dù vậy, nhiều người đặt vấn đề những phóng viên chiến trường tự do hay xuất thân từ công dân bình thường có xứng đáng nhận được sự ủng hộ của các tổ chức báo chí quốc tế?
Một thực tế là các hãng tin gặp khá nhiều khó khăn trong việc xác minh độ tin cậy của những tin tức do các nhà báo công dân cung cấp từ vùng xung đột. Chưa kể tính chất thiên kiến “chính trị và xã hội” của một số tác giả bài báo sẽ hủy hoại tính độc lập của báo chí.
Tania Mehanna, phóng viên của Đài phát thanh truyền hình Libăng, phàn nàn rằng do khát thông tin sốt dẻo nên các hãng tin ngày nay tín nhiệm “hơi quá” những nhà báo công dân trên mạng. Mehanna cho rằng thông tin dễ sai lệch nếu truyền thông chính thống ngày càng phụ thuộc vào các thước phim, hình ảnh không xác minh rõ ràng nguồn gốc.
Một bài viết đăng trên báo The Atlanticwire của tác giả Dashiell Bennett nhận định hầu hết cơ quan báo chí hiện nay không đủ khả năng tuyển dụng các phóng viên chiến trường vì nhiều lý do.
Ở các vùng chiến sự khốc liệt như Libya, Ai Cập hay Syria, các phóng viên chiến trường hiện nay ngoài lòng dũng cảm, sức khỏe cao còn phải có rất nhiều kỹ năng tác nghiệp chuyên nghiệp kiểu “3 trong 1” (viết tin, chụp hình, quay phim). Những nhân sự tài năng và chuyên nghiệp này đòi hỏi các cơ quan báo chí trả lương cao, chưa kể công tác phí, bảo hiểm, vé máy bay và phí an ninh.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn và báo in sút giảm doanh thu, các cơ quan truyền thông nghiêng về việc sử dụng các nhà báo tự do (freelance) hay nhà báo công dân, bởi họ không cần phải chi trả nhiều phí bắt buộc cho những người này. Điều này có nghĩa là sự cạnh tranh tin tức trở nên khốc liệt hơn trong khi mức nhuận bút chi trả cho mỗi bài báo lại thấp xuống.
Dù gì đi nữa, lực lượng nhà báo tự do và nhà báo công dân trên chiến trường xung đột ngày càng tăng bởi nhiều lý do: lòng yêu nghề như El Amin, lý tưởng cống hiến xã hội như Amer, nhiều người khác vì danh tiếng hoặc cũng có thể vì họ không biết làm nghề gì khác.
Nhưng các “phóng viên chiến trường” nghiệp dư đều ý thức rằng họ chịu xác suất nguy hiểm tính mạng rất cao bởi phải tự thân vận động để có được tin tức, lại không được đào tạo bài bản trong nghiệp vụ. Nói như lời cô gái El Amin thì "ở đây (chiến trường Syria) cầm cây bút cũng nguy hiểm như cầm súng".
Xem loạt bài phóng viên chiến trường trên Tuổi Trẻ Online: * Kỳ 1: * Kỳ 2: * Kỳ 3: * Kỳ 4: * Kỳ 5: |
* Đón đọc kỳ cuối: Nick Út: "Phóng viên Việt Nam nên có mặt ở Iraq hay Syria"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận