Chiếc máy bay nhỏ phóng viên BBC sử dụng - Ảnh: BBC |
Năm ngoái, phóng viên Wingfield-Hayes từng đi tàu cá đến Biển Đông và quan sát Trung Quốc xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau nhiều tháng thương thuyết, mới đây ông được chính phủ Philippines cho phép đi máy bay nhỏ tới đảo Thị Tứ do Manila kiểm soát.
Sau nhiều tháng chuẩn bị và thương thuyết, tôi ngồi chờ trong một phòng khách sạn ở Manila, chuẩn bị sẵn đồ đạc và sẵn sàng lên đường. Bất ngờ tiếng chuông điện thoại vang lên. Đó là đồng nghiệp Chika của tôi. “Giấy phép đáp xuống đảo Pagasa (cách Phiippines gọi đảo Thị Tứ) đã bị hủy” - cô cho biết.
Tôi vô cùng thất vọng. Điều gì đã xảy ra? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị đến Manila. Có lẽ chính quyền Philippines không muốn làm to chuyện. Tệ hơn, Bắc Kinh biết chúng tôi định làm gì. Sếp của tôi ở London gọi điện đến, nói Đại sứ quán Trung Quốc gọi, cảnh báo BBC không bay tới “vùng lãnh thổ bị Philippines kiểm soát trái phép trên biển Đông”.
Tôi rất bực bội. Làm sao họ biết được? Lẽ ra tôi phải cẩn thận hơn.
Và trong một tuần tôi mòn mỏi chờ đợi trong phòng khách sạn, chứng kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến và đi. Rồi tôi lại thương lượng và cuối cùng chính phủ Philippines bật đèn xanh. Lúc 5g30 sáng, năm người chúng tôi tập trung ở đường băng tại Puerto Princesa trên đảo Palawan. Hai phi công, một thợ máy, tôi và nhân viên quay phim Jiro.
Họ cùng lên chiếc máy bay một động cơ Cessna 206. Kế hoạch của họ là từ Palawan, họ bay thẳng tới đảo Thị Tứ, hạ cánh và tiếp nhiên liệu. Sau đó họ bay về phía tây nam, vòng qua Đá Chữ Thập, bị Trung Quốc kiểm soát trái phép và đang xây dựng một đường băng lớn tại đây.
Rồi họ trở lại Đảo Thị Tứ, tiếp nhiên liệu lần thứ hai. Sau đó họ bay qua Đá Vành Khăn, nơi cũng bị Trung Quốc chiếm đóng và xây đảo nhân tạo trái phép, để trở về Palawan.
Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC trên máy bay - Ảnh: BBC |
Hai mục tiêu quan trọng
Chúng tôi có hai mục tiêu. Một là tiếp cận sát các đảo Trung Quốc kiểm soát để quay cảnh xây dựng tại đó. Thứ hai là xem người Trung Quốc phản ứng như thế nào. Trung Quốc là thành viên Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Luật biển ghi rõ các đá và rạn san hô chìm không thể được tuyên bố là thực thể có chủ quyền.
Các cấu trúc nhân tạo xây trên chúng không có vùng lãnh hải 12 hải lý. Điều đó có nghĩa là chúng tôi cs quyền bay qua các đảo nhân tạo Trung Quốc xây mà không vi phạm bất cứ luật quốc tế nào, và Trung Quốc không có quyền cản trở chúng tôi.
Khi máy bay của chúng tôi hạ cánh xuống đảo Thị Tứ, tim tôi đập mạnh, tôi vô cùng háo hức, đồng thời rất lo lắng. Sau khi bay nửa giờ về phía nam đảo Thị Tứ, tôi quan sát thấy một dải đất màu vàng bên ngoài cửa sổ. Phía trên là một cấu trúc lớn màu trắng. Tôi lập tức nhận ra đó là Đá Ga Ven.
“Đá Ga Ven đó - tôi nói với Jiro - Chúng ta từng đi thuyền tới đó hồi năm ngoái. Khi đó Trung Quốc mới bắt đầu hoạt động xây dựng”.
Ngay lập tức một giọng nói to và thô lỗ vang lên từ radio: “Máy bay quân sự nước ngoài ở phía nam Đá Nanxun (cách Trung Quốc gọi Đá Ga Ven). Đây là hải quân Trung Quốc. Các người đang đe dọa an ninh của chúng tôi. Để tránh sự tính toán sai, hãy lập tức rời khu vực này”.
Hai phi công của chúng tôi lập tức đổi hướng bay. Nhưng lời cảnh báo tiếp tục được phát đi bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, càng lúc càng to hơn và giận dữ hơn. Chúng tôi bay về phía tây nam tới Đá Chữ Thập. Sau một giờ bay chúng tôi có thể nhìn thấy từ xa dải đất vàng lớn trên mặt biển.
Khi đến cách Đá Chữ Thập khoảng 20 hải lý, lại một giọng nói phát ra từ radio: “Máy bay quân sự nước ngoài ở phía tây bắc đảo Yongshu, đây là hải quân Trung Quốc. Các người đang đe dọa an ninh của chúng tôi”.
Liên tiếp cản trở và đe dọa
Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trái phép - Ảnh: CSIS |
Hai phi công lại lập tức đổi hướng bay ra phía bắc. “Chúng ta phải bay tới gần hơn - tôi nài nỉ - Chúng ta phải quay lại. Chúng tôi không thể quay được gì từ khoảng cách xa như vậy”. Nhưng hai phi công từ chối. Trái tim tôi chùng xuống. “Chắc là sẽ chẳng quay được gì” - tôi nghĩ.
Trở lại đảo Thị Tứ, máy bay lại được tiếp nhiên liệu. Tôi tranh luận với hai phi công. “Chúng ta không phạm luật gì cả. Người Trung Quốc sẽ không dám bắn chúng ta đâu. Các anh phải bay đúng hướng và phản ứng rằng chúng ta là máy bay dân sự, bay trong không phận quốc tế”.
Một phi công trả lời: “Anh phải hiểu cho chúng tôi, chúng tôi chỉ là phi công dân sự thôi. Chúng tôi không biết họ có thể làm gì, chúng tôi phải đảm bảo sự an toàn”. Sau vài giờ tranh luận, hai phi công đồng ý thử lại lần nữa.
Chúng tôi lại cất cánh, lần này quay trở lại Philippines. Tôi vô cùng căng thẳng. Liệu các phi công có dám đi đúng hướng không? Một lúc sau, Đá Vành Khăn xuất hiện trước mắt chúng tôi. Các phi công hạ độ cao xuống khoảng 1.500 m. Khi đến vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, những lời cảnh báo lại vang lên.
“Máy bay quân sự nước ngoài ở phía tây bắc Đá Meiji, đây là hải quân Trung Quốc. Các người đang đe dọa an ninh của chúng tôi”. Cơ trưởng của chúng tôi phản ứng bình tĩnh: “Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay dân sự Philippines đang trên đường đến Palawan, chở theo hành khách thường dân. Chúng tôi không phải là máy bay quân sự”.
Nhưng vô ích. Lời cảnh báo lại tiếp tục vang lên. Nhưng lần này các phi công của chúng tôi không chùn bước. Chúng tôi bay đến gần hòn đảo nhân tạo khổng lồ. Chúng tôi có thể quan sát thấy nhiều tàu lớn nhỏ, các nhà máy xi măng và móng các tòa nhà. Chúng tôi cũng quan sát thấy đường băng Trung Quốc mới xây tại đây.
Tất cả chúng tôi đều cảm thấy phấn khích. Chúng tôi đã thành công. Tôi đùa rằng hai phi công nên quay lại, bay thấp hơn. Bất ngờ một giọng nói khác vang lên trong radio: “Hải quân Trung Quốc, chúng tôi là máy bay Úc đang thực hiện quyền tự do hàng hải quốc tế trong không phận quốc tế theo công ước hàng không dân sự quốc tế và UNCLOS”.
Mỹ từng thực hiện nhiều chuyến bay và triển khai tàu để bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông trong những tháng qua, nhưng người Úc chưa bao giờ công bố một chiến dịch tương tự. Do đó đây là ngạc nhiên lớn. Các chuyến bay này khẳng định Mỹ và Úc không công nhận chủ quyền mà Trung Quốc đòi hỏi với các đảo nhân tạo. Chúng tôi nghe thấy thông điệp của Úc vài lần nữa và hải quân Trung Quốc không phản hồi.
Nhưng rõ ràng là Trung Quốc đã lập một vùng cấm xâm phạm quanh các đảo nhân tạo này. Trung Quốc đã tạo ra thực tế mới trên biển Đông. Họ xây đường băng, trạm radar và các cơ sở hải cảng. Tháng trước Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động xây dựng trên biển Đông và không quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Nhưng với những gì tôi nhìn thấy và nghe thấy, lời yêu cầu đó là quá muộn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận