23/08/2014 09:13 GMT+7

​Không đóng tàu theo phong trào

DUY THANH
DUY THANH

TT - Sẽ có hơn 2.000 tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên được đóng mới theo chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính phủ.

 

Tàu vỏ thép Sang Fish 01 đánh bắt thủy hải sản trong chuyến ra khơi đầu tiên trên vùng biển vịnh Bắc bộ (ảnh chụp ngày 19-8) - Ảnh: Tiến Thành

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo như trên tại hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ được tổ chức tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ngày 22-8.

Nghị định trên sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 25-8, với nội dung cốt lõi là hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ và tổ chức các đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển cùng một số chính sách khác.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết đến nay đã phân bổ 2.079 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất từ 400CV trở lên được đóng mới theo chính sách của nghị định trên cho 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Lúng túng chọn chủ tàu được vay

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Hưng - phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - cho biết tỉnh này cùng với Quảng Ngãi là hai địa phương được Chính phủ cho đóng thí điểm hai tàu vỏ sắt và bước đầu cho thấy loại tàu mới này rất hiệu quả.

“Tàu vỏ sắt có tốc độ lớn, độ an toàn cao, thời gian đi biển dài hơn và sản lượng đánh bắt nhiều hơn. Chính vì vậy, hiện có rất nhiều ngư dân ở Nam Định muốn được tham gia chương trình này của Chính phủ để đóng tàu sắt vươn khơi. Tôi đề nghị không nên khống chế số lượng tàu cho từng tỉnh, chẳng hạn Nam Định chỉ 30 tàu khai thác là quá ít” - ông Hưng đề xuất.

Ông Hưng cũng đề nghị nên có hướng dẫn tiêu chí lựa chọn ngư dân được tham gia dự án một cách công khai, minh bạch, khách quan.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phùng Tấn Viết - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho hay đến nay đã có 151 tổ chức, cá nhân ở TP này đăng ký vay vốn ưu đãi theo chương trình của nghị định 67 để đóng mới 162 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần công suất lớn.

Song Đà Nẵng chỉ được “phân phối” chỉ tiêu 39 tàu khai thác và tám tàu dịch vụ nên không biết bỏ ai chọn ai vì qua khảo sát thấy ai cũng đủ điều kiện.

Còn bà Trần Thị Thu Hà - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho rằng hiện số lượng ngư dân đăng ký vay vốn chương trình quá lớn và lãnh đạo tỉnh rất lúng túng.

“Quy định là cấp xã xét duyệt, cấp huyện thẩm định, Sở NN&PTNT xem xét tham mưu, UBND tỉnh quyết định danh sách ngư dân nào, doanh nghiệp nào được tham gia chương trình. Nhưng liệu khi tỉnh chọn xong rồi, ngân hàng thẩm định lại không chấp nhận thì bà con mất lòng tin làm sao?

Bộ NN&PTNT cũng không có hướng dẫn cụ thể trong số tàu khai thác thì có bao nhiêu tàu vỏ sắt hay vật liệu mới, bao nhiêu tàu vỏ gỗ, bởi hiện nay ngư dân Bình Định chỉ muốn đóng tàu vỏ gỗ công suất lớn do thực tế làm ăn của họ rất hiệu quả” - bà Hà nói.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm cơ sở đóng tàu vật liệu composite của Viện Nghiên cứu và chế tạo tàu thủy Trường ĐH Nha Trang ngày 22-8 - Ảnh: Duy Thanh

Phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về các loại vỏ tàu. Trong khi đại diện tỉnh Nam Định nói tàu vỏ sắt hiệu quả, thì lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng chưa đánh giá được hiệu quả của tàu sắt.

Còn ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho hay trong số 39 tàu ngư dân tỉnh này đăng ký đóng mới đã có 22 tàu vỏ composite, cho thấy người dân ưa chuộng loại vỏ tàu này. Trong khi đó, ông Bùi Thanh Ninh, ngư dân tỉnh Bình Định, cho rằng ngư dân tỉnh này chỉ chuộng tàu vỏ gỗ.

“Chúng tôi không rõ chất lượng tàu vỏ sắt thế nào. Bộ NN&PTNT có cam kết với dân là tàu vỏ sắt chất lượng không?” - ông Ninh đặt vấn đề.

Bên cạnh vấn đề vỏ tàu, ngư dân Lê Thế Trung ở tỉnh Phú Yên kiến nghị cần đầu tư đồng bộ hạ tầng trong bờ khi triển khai đóng tàu lớn. Ông Trung nói: “Ở Phú Yên và các tỉnh miền Trung, luồng lạch ra vào cảng hiện giờ khó khăn cho tàu công suất vừa, nếu tàu to thì mắc cạn là chắc. Đó là chưa kể hệ thống cảng neo đậu khó đáp ứng được nếu có thêm đội tàu công suất lớn”.

Trao đổi về những vấn đề trên, ông Cao Đức Phát - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng: “Đóng tàu vỏ gì thì do ngư dân quyết định vì Chính phủ hỗ trợ vốn vay cho bà con. Chúng ta muốn có nhiều tàu bằng vật liệu chắc chắn để không chỉ đánh bắt mà còn tham gia bảo vệ chủ quyền, nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu là hiệu quả kinh tế của loại tàu đó. Đánh bắt hiệu quả, bà con mới bám biển, khi đó mới đạt được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa góp phần cho an ninh quốc phòng”.

Làm thí điểm

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng nghị định 67 của Chính phủ được ban hành nhằm hỗ trợ đắc lực cho ngư dân để nâng cao đời sống, khuyến khích đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện để ngư dân tham gia bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Rút kinh nghiệm từ thất bại của giai đoạn trước, chương trình này phải thực hiện thành công, hiệu quả, không để lại hậu quả cho cả Nhà nước và người dân. Phải đảm bảo được hiệu quả kinh tế là yêu cầu hàng đầu” - Phó thủ tướng nói.

Từ quan điểm trên, Phó thủ tướng yêu cầu việc thực hiện chương trình phải hết sức thận trọng, cần phải chắc chắn, phải thành công. “Không làm ào ạt theo phong trào, không để lợi dụng chính sách làm lời hoặc làm kiểu mua đi bán lại lấy tiền nhà nước là không được. Chính phủ giao UBND các tỉnh, TP lựa chọn đúng đối tượng, làm thí điểm ở phạm vi tỉnh, sau đó nhân rộng ra” - phó thủ tướng chỉ đạo.

Phó thủ tướng yêu cầu ba bộ NN&PTNT, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư phải họp lại và sớm ra văn bản định hướng khung về tiêu chí lựa chọn đối tượng được tham gia chương trình rồi giao địa phương triển khai.

Ông cũng yêu cầu các địa phương khi thành lập ban chỉ đạo thực hiện nghị định cần phải có đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tham gia để khi có quyết định danh sách, phương án thì không có ý kiến khác. Phó thủ tướng cũng nói người dân quyết định lựa chọn mẫu tàu, ngân hàng, mức vay và được trả trước thời hạn nếu làm ăn hiệu quả...

Không hỗ trợ việc mua tàu cũ từ nước ngoài

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị về làm thế nào để vốn vay ưu đãi được đưa đến ngư dân đúng địa chỉ, không bị lợi dụng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói: “Chính sách hỗ trợ này trực tiếp là người dân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển chứ không phải đối tượng khác. Do vậy không thể có chuyện hỗ trợ cho những đối tượng đi mua tàu rồi về bán cho ngư dân, bởi nếu như thế dân không chịu thì sao, ai chịu trách nhiệm? Hơn thế, trên thực tế là không kiểm soát được tình trạng mua tàu cũ nước ngoài về hoạt động trong nước, vì không thể để nước ta thành nơi đưa rác thải, tàu cũ về”.

Ngư dân chỉ phải trả 1-3% lãi suất/năm

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết hiện năm ngân hàng thương mại nhà nước đã sẵn sàng 14.000 tỉ đồng cho ngư dân vay đóng tàu mới và nâng cấp tàu công suất lớn.

Ông nói dân tiếp cận nguồn vốn này không khó nếu được địa phương xét duyệt. Mức lãi suất cho chương trình này hiện nay là 7% và Nhà nước có cơ chế cấp bù, còn người vay chỉ trả từ 1-3% tùy loại tàu. Thời hạn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu không quá 11 năm, vay vốn lưu động thì không quá 12 tháng. Ngân hàng nhận con tàu đóng mới, tàu được nâng cấp làm tài sản đảm bảo vay vốn.

Cụ thể, tàu vỏ thép thì chủ tàu được vay đến 95% giá trị đầu tư đóng mới (lãi suất 7%), chủ tàu trả 1%, Nhà nước bù 6%; tàu gỗ đóng mới chủ tàu được vay tối đa 70% (lãi suất 7%), chủ tàu trả lãi 3%, Nhà nước trả bù 4% lãi.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp