Ở dạng thực phẩm, Fluor có trong cá biển, trà, rau, mễ cốc (đậu, bắp...), trong xương răng của con người và động vật.
Vai trò của Fluor trong cơ thể
Hàng ngày, cơ thể chúng ta phải được cung cấp đủ qua thức ăn, thức uống 5 chất dinh dưỡng: chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và chất khoáng. Fluor chính là chất dinh dưỡng nằm trong nhóm chất khoáng và là chất khoáng vi lượng. Ký hiệu hóa học của fluor là F. Gọi là vi lượng vì hàng ngày cơ thể ta cần rất ít F (trẻ 1 - 3 tuổi cần 0,7mg F/ ngày, trẻ 4 - 8 tuổi cần 1,0mg F/ngày, trẻ từ 9 tuổi trở lên và người trưởng thành cần 2 - 4mg F/ngày).
Trong cơ thể, F tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng. Quá trình tích chứa F trong răng (đặc biệt ở men răng) xảy ra khi trẻ còn bé, trong thời gian cơ thể bé hình thành và phát triển các răng vĩnh viễn. F cũng có vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương bằng cách ảnh hưởng đến việc điều hòa chuyển hóa canxi và phosphor. Khi thiếu F sẽ dẫn đến bệnh sâu răng và đối với xương sẽ dẫn đến bệnh loãng xương.
Để phòng chống sâu răng do thiếu F, người ta sử dụng một số biện pháp thông qua bổ sung F qua đường miệng. Như tất cả các loại kem đánh răng hiện nay lưu hành trên thị trường đều chứa F nhằm bổ sung chất khoáng cần thiết này. Biện pháp bổ sung F quy mô lớn hơn hết là “fluor hóa nước sinh hoạt” tại các thành phố và tại các nơi mà người ta có thể đưa lượng F thích hợp vào nước ăn hàng ngày (có cả ở nước ta).
Bên cạnh đó, cần tạo các điều kiện sống hợp vệ sinh cho trẻ, cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý, có đầy đủ và cân bằng 5 chất dinh dưỡng kể như trên. Như vậy, để giúp trẻ có hàm răng tốt, không bị sâu răng, không chỉ bổ sung F không thôi là đủ mà phải thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp.
Tuy nhiên thiếu hoặc thừa F đều có hại đối với cơ thể.
- Giới hạn cho phép của F trong khẩu phần ăn là 2,4 - 4,8mg/kg thực phẩm (giới hạn này cũng áp dụng đối với các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng).
- Giới hạn cho phép F có trong nước ăn sinh hoạt hàng ngày là 1,2mg/l. Nếu bổ sung F quá giới hạn sẽ đưa đến thừa F gây độc.
Vai trò của Fluor trong phòng chống sâu răng
F có vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống sâu răng, làm răng cứng chắc hơn. Men răng là tổ chức cứng nhất của cơ thể. Thành phần chủ yếu của men răng là apatit, chiếm đến 96%. F là nguyên tố không mùi vị, có khả năng ngấm vào men răng, biến các apatit thành fluoroatit, làm cho men răng cứng chắc hơn và ít bị hòa tan trong acid nên phòng được sâu răng.
Trẻ từ khi mới sinh cho đến 7-8 tuổi, nếu cơ thể hấp thu tốt F qua nước uống, sữa, muối, viên Fluor... thì F sẽ ngấm và men răng. Sau 7-8 tuổi nếu dùng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có pha F thì các ion F có thể ngấm thêm vào men răng cho đến 12-15 tuổi.
Như vậy F chỉ có khả năng ngấm vào men răng tốt nhất trong khoảng từ 7-15 tuổi.
F cùng với calci giúp vào việc kiến tạo men răng (trong thời kỳ hình thành men) đồng thời khi răng đã hình thành thì có vai trò “tái khoáng” phủ một lớp lên bề mặt men răng làm cứng chắc men răng sữa cũng như răng vĩnh viễn, răng bị chớm (sún và bị sâu) nên phòng được sâu răng.
Nên súc miệng bằng nước có F mỗi tuần/lần.
Cơ chế hoạt động của Fluor trong phòng ngừa sâu răng
Bao gồm sự tác động tại chỗ, ức chế hoạt động của vi khuẩn và làm giảm khả năng hòa tan của men răng.
- Ảnh hưởng tại chỗ: Việc khuếch tán liên tục F nồng độ thấp vào xoang miệng làm tăng sự tái khoáng hóa của men răng.
- F ức chế quá trình chuyển hóa đường của vi khuẩn (chuyển hóa này làm biến đổi đường thành axit dưới tác động của vi khuẩn) nên có tác dụng phòng ngừa sâu răng.
- Trong quá trình phát triển của răng, F kết hợp với những tinh thể hydroxyapatite của amen răng đang phát triển, làm giảm khả năng hòa tan của men răng.
Súc miệng bằng dung dịch Fluor
Dùng dung dịch F pha loãng 0,2% (mỗi tuần súc một lần). Khi súc phải ngậm miệng trong 2-3 phút để thuốc có thể ngấm vào răng. Sau khi súc trong vòng 30 phút không nên ăn uống để không làm mất tác dụng của F trên mặt răng. Thuốc đánh răng có F nên dùng hàng ngày.
Lưu ý: Nước súc miệng hay thuốc đánh răng chỉ tiếp xúc trên mặt láng của răng. Còn mặt nhai vì gồm nhiều hố rãnh dễ bị thức ăn thừa đọng lại dù súc mạnh hay dùng bàn chải có mịn mấy cũng không xen vào hố rãnh được. Trong khi đó, tại hố rãnh răng sẽ bị sâu phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu. Vì thế cần trám dự phòng các hố rãnh ở mặt nhai để phòng sâu răng bắt nguồn tại chỗ này. Trẻ bị sâu nhiều ở hệ răng sữa hoặc sâu ở mặt láng của hệ răng vĩnh viễn thuộc nhóm có nguy cơ cao; với những trẻ này, cần trám bít các hố rãnh.
Dấu hiệu quá liều Fluor và biện pháp xử trí
Nuốt phải Natri flour 0,2% sẽ thấy có vị mặn, mùi xà phòng, miệng tiết nước bọt, buồn nôn, đau thắt ở bụng sau đó nôn ra, khát nước và vã mồ hôi. Với những trường hợp này thì phải cấp cứu bằng cách cho nạn nhân uống thật nhiều sữa, dùng ngón tay đưa sâu vào họng ấn vào đáy lưỡi cho nôn càng nhiều càng tốt. Các trường hợp nặng cần được chuyển đến cơ sở y tế để được điều trị.
Tóm lại, như bất cứ chất dinh dưỡng nào, F được bổ sung hàng ngày với liều lượng vừa đủ là tốt nhất. Hãy cho trẻ ăn uống đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng, giúp trẻ thực hiện các biện pháp vệ sinh nói chung, trong đó có vệ sinh răng miệng như biết chải răng với kem đánh răng đúng cách, đúng lúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận