22/04/2015 17:56 GMT+7

Đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự?

LAN ANH - SƠN HÀ
LAN ANH - SƠN HÀ

TTO -  "Người bệnh nặng, y học bó tay, gia đình kiệt quệ, mong được chết một cách êm dịu cũng rất nên chấp thuận cho họ", tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất.  

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang: "Đã có quyền sống tại sao không đặt ra quyền được chết?" - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tôi làm luật mà lại làm luật trong nghề y, tôi thấu hiểu nỗi đau đớn của người bệnh nan y, và sau khi tôi phát biểu điều này có rất nhiều chuyên gia đồng cảm với tôi.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang

Năm 2005 khi xây dựng bộ Luật dân sự, có ý kiến đề nghị có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, thì những người bệnh nạn y đang phải chịu đau đớn, y học bó tay trước bệnh tật của họ cũng có thể có quyền được êm ái đi về thế giới bên kia. 

10 năm sau, 2015, khi xây dựng dự luật dân sự sửa đổi, lại có những ý kiến đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự.

Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, một trong những người có đề xuất này.

Ông Quang nói khi xây dựng dự thảo Luật dân sự sửa đổi, trong đó có ý kiến về quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, được bảo đảm về sức khỏe, thân thể..., đây là những quyền cơ bản của con người theo Hiến pháp 2013.

Theo khái niệm rộng, đã có quyền sống tại sao không đặt ra vấn đề quyền được chết? Trên thực tế những người bệnh nặng, y học bó tay, họ phải chịu đau đớn và không muốn kéo dài sự đau đớn ấy, hay những người bệnh nặng sống thực vật, các chức năng khác của cơ thể phải nhờ máy móc hỗ trợ, họ sống không ra sống mà chết cũng không ra chết, người bệnh cũng rất khổ. Những người này, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần đến tột cùng, lúc đó có thể giải quyết nguyện vọng cho người ta hay để “sinh có hạn, tử bất kỳ”.

Thưa ông, quyền sống là một quyền thiêng liêng, việc đề xuất một quyền lạ đời là quyền được chết, liệu có gây sốc?

Vấn đề này khi đưa ra bàn bao giờ cũng gây tranh luật gay gắt, thậm chí quyết liệt về các khía cạnh đạo đức và pháp lý. Nếu quyền được chết này hiểu theo nghĩa rộng thì là sự lựa chọn của con người để chấm dứt mọi đau khổ, đã có những người tự tử để chấm dứt đau khổ.

Ở đây nảy sinh một vấn đề là người ta không tự tử mà muốn được chết êm ái, nhờ cơ sở khám chữa bệnh hỗ trợ thực hiện nguyện vọng và không phải chịu đựng những đau đớn nữa thì pháp luật cho phép hay không cho phép?

Bác sĩ biết người bệnh sẽ không thể sống thêm nhiều, bác sĩ thực hiện những kỹ năng để người bệnh đỡ đau đớn trong những ngày cuối đời nhưng khi thuốc hết tác dụng, người ta lại đau đớn rên la.

Quá trình ấy cứ kéo dài vật vã đến lúc người bệnh qua đời. Nguyên lý ấy phù hợp với thuyết “sinh có hạn, tử bất kỳ”. Đưa vấn đề này ra bàn, dù được chấp thuận hay không, nhưng đây cũng là vấn đề đáng bàn và nếu chấp thuận hay không cũng có thước đo về nguyện vọng trong vấn đề khó này.

Nếu được chấp thuận, thưa ông, ai sẽ là người quyết định để một người bệnh được nhận quyền được chết, người thân hay bản thân người bệnh?

Việc này nếu cho phép sẽ vấp phải những vấn đề về pháp lý cũng như đạo đức. Về pháp lý, nếu pháp luật cho phép thì việc hỗ trợ người bệnh không phải là giết người hoặc hành vi giúp người khác tự sát. Nhưng đây vẫn là vấn đề đạo đức kể cả pháp luật cho phép. Vì không phải ai cũng đủ dũng cảm để chấm dứt cuộc sống của người khác, dù người ta đang đau đớn vật vã và phải lựa chọn.

Vấn đề nữa là chính bản thân người bệnh hay người thân được quyết định? Người thân thì ai trong gia đình có quyền? Tôi nghĩ rằng kể cả nếu pháp luật cho phép, chỉ cá nhân người đó có nguyện vọng thì mới nên xem xét, bằng cách cơ sở khám chữa bệnh thành lập một hội đồng, xem nguyện vọng của người bệnh, bệnh trạng của họ, tình trạng sức khỏe... trước khi có quyết định, còn người thân thì không nên vì có thể có những vấn đề đạo đức và pháp lý khác.

Ở một nước phương Đông như Việt Nam thì đây là vấn đề rất mới, gây tranh luận, theo ông thì kết quả của đề xuất này sẽ như thế nào?

Ngay cả trên thế giới cũng mới có mấy quốc gia như Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ, Argentina... cho phép quyền được chết. Nhưng như tôi đã nói thì ngay cả khi không được chấp thuận, đây vẫn là một vấn đề nên đặt ra để bàn thảo.

[poll width="400px" height="174px"]139[/poll]

Tranh cãi nhiều về "quyền được chết" trên thế giới

Người dân Bỉ biểu tình ở Brussels hồi tháng 2-2014 để phản đối việc chính phủ thông qua luật thực hiện quyền được chết ở trẻ em - Ảnh: Reuters

Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, quyền được chết, hay còn gọi là “cái chết êm ái”, “an tử”, “trợ tử”… vẫn là một đề tài gây rất nhiều tranh cãi. Luật quy định quyền được chết cũng có nhiều khác biệt ở những nước khác nhau.

Theo định nghĩa của từ điển Oxford, quyền được chết là “hành động giết không gây đau đớn một bệnh nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo, đau đớn hoặc rơi vào hôn mê không thể hồi tỉnh”. Những người ủng hộ quyền được chết giúp bệnh nhân xóa bỏ sự đau đớn, đảm bảo quyền tự chủ và quyền nhân thân của bệnh nhân đó.

Quyền được chết được chia làm ba loại, bao gồm quyền được chết tự nguyện, không tự nguyện và phản tự nguyện. Quyền được chết tự nguyện, nghĩa là bệnh nhân tự quyết định việc an tử, được pháp luật công nhận tại Hà Lan, Colombia, Thụy Sĩ, Nhật, Đức, Bỉ, Luxembourg, Estonia, Albania, các bang: Washington, Oregon, Montana và Vermont tại Mỹ, tỉnh Quebec tại Canada…

Quyền được chết không tự nguyện (do người khác quyết định) bị cấm ở hầu hết các quốc gia.

Quyền được chết phản tự nguyện (trái ngược với ý chí của người bệnh) bị xem là hành vi giết người.

Năm 2002, Hà Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa quyền được chết. Điều kiện là bệnh nhân phải mắc bệnh hiểm nghèo, không thể chữa trị, vô cùng đau đớn, và người bệnh phải đồng ý hoàn toàn và hiểu rõ quyết định của mình.

Theo Hiệp hội Y tế hoàng gia Hà Lan, từ năm 2005 đến 2014 đã có 15.000 trường hợp “chết êm ái” ở Hà Lan.

Tại Mỹ, ở năm bang bác sĩ được phép kê đơn thuốc độc giúp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được chết. Năm 2013, khoảng 300 người Mỹ được kê đơn thuốc độc để “chết êm ái” và 230 người qua đời.

Ở Đức và Thụy Sĩ, trợ tử chủ động (bác sĩ kê đơn và trao thuốc độc cho bệnh nhân) bị cấm, nhưng “cái chết êm ái” là hợp pháp khi bệnh nhân tự nguyện uống thuốc độc mà không cần sự giúp đỡ.

Cũng trong năm 2002, Bỉ thông qua luật công nhận quyền được chết. Bác sĩ có thể giúp bệnh nhân nếu người bệnh tự nguyện bày tỏ việc muốn chết. Người bệnh cũng được hưởng quyền được chết nếu đề xuất nguyện vọng trước khi rơi vào hôn mê sâu và tình trạng sống thực vật. Số vụ trợ tử tại Bỉ tăng lên 1.807 năm 2013, tăng so với 1.432 năm 2012 và 708 năm 2008.

Năm 2014, Bỉ cũng là nước đầu tiên hợp pháp hóa quyền được chết của trẻ em. Điều kiện là bệnh nhân phải hiểu rõ quyết định của mình, bị bệnh không thể chữa khỏi, sắp chết và chịu đau đớn mà không biện pháp y tế nào có thể hỗ trợ được. Cha mẹ của bệnh nhân cũng phải đồng ý để con mình được chết êm ái.

Phương pháp thực hiện quyền được chết bao gồm hai hình thức là chủ động và bị động. “Chết êm ái bị động” là việc bệnh viện ngừng các liệu pháp chữa trị theo yêu cầu của bệnh nhân, ví dụ như ngừng dùng thuốc kháng sinh. Với “chết êm ái chủ động”, bác sĩ có thể kê đơn thuốc độc cho bệnh nhân.

Tại một số nước như Hà Lan, bác sĩ tiêm thuốc độc làm bệnh nhân tê liệt rồi tiêm mũi thứ hai làm tim ngừng đập.

 

LAN ANH - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp