Cảnh trong vở Saigon - Ảnh : Libération |
Báo Le Monde nhận định "Vở kịch này không giống như những vở kịch khác" khi nói về tác phẩm Saigon vừa trình diễn ở liên hoan sân khấu danh giá nhất thế giới Avignon trung tuần tháng 7.
Không giống thứ nhất, nói nhiều ngôn ngữ (ở đây là Pháp, Việt).
Thứ hai, sân khấu được trang trí song song ba khung cảnh, để khán giả có thể xem câu chuyện diễn tiến cùng lúc như điện ảnh.
Thứ ba, sướt mướt mê lô nhưng khán giả Pháp lại… khóc theo, trong lúc người Pháp vốn không ưa cái gì quá lâm ly.
Vở kịch kết thúc bằng câu "Đây là cách chúng tôi kể những câu chuyện về Việt Nam với vô vàn nước mắt".
Le Monde viết: "Quả thực chúng ta thích mua nước mắt vốn dĩ đang cạn kiệt trong nền kịch nghệ Pháp".
Với Saigon, Caroline Guiela Nguyen đã phản ánh được nỗi đau và sự hi sinh của cộng đồng người Việt di cư sau chiến tranh.
Saigon là câu chuyện về đời sống nội tâm của những người Việt bị chia cắt giữa Pháp và quê hương khi chế độ thực dân Pháp sụp đổ trong trận chiến Điện Biên Phủ:
Năm 1956 những binh lính thực dân Pháp cuối cùng rời Việt Nam, nhiều người Việt Nam có quốc tịch Pháp cũng đi theo với danh nghĩa "hồi hương"; và sau đó trở thành "Việt kiều".
Gia đình Caroline Guiela Nguyen cũng rời Việt Nam năm 1956 và chỉ trở lại năm 1996.
Như mười sáu người họ hàng khác lớn lên ở Pháp, Caroline không nói được tiếng Việt do bố mẹ cô muốn con cái nhanh chóng hòa nhập, sợ dạy con tiếng Việt sẽ ảnh hưởng tiếng Pháp - phương tiện duy nhất, theo họ, dẫn con cái thoát khỏi cảnh sống tăm tối của cha mẹ.
Caroline nói cô mất hai năm di chuyển giữa Việt Nam - Pháp để thu thập các câu chuyện, tiếp xúc các nhân vật, các cộng sự… và khẳng định câu chuyện gia đình cô chỉ là "điểm khởi đầu" cho vở kịch.
Vở kịch có bối cảnh ở một nhà hàng Việt Nam tại Paris năm 1996 với mười một diễn viên. Một số trong đó nói tiếng Việt, số khác nói tiếng Pháp.
Caroline nói trong suốt tuổi thơ đến khi trưởng thành cô luôn nhận thức được khoảng cách giữa thế hệ cha mẹ và con cái.
Các nhân vật của cô cũng bị giằng xé giữa hai nền văn hóa, giữa nuối tiếc và nghi ngờ.
Không giống nhiều tác phẩm văn học của những người trẻ gốc Việt, kịch Saigon của Caroline tránh né chính trị dù gia đình cô gần như tiêu biểu cho quá trình thuộc địa hóa châu Á của Pháp.
Với cô, câu hỏi về thực dân hóa vẫn tồn tại, nhưng chỉ dừng lại ở đó thì không thỏa đáng.
"Điều khiến tôi thích thú là nhìn những con người mà cuộc đời đã bị định đoạt bởi chính sách thực dân hóa, và nhìn xem điều gì còn lại trong trái tim họ".
Sau thành công vang dội ở liên hoan sân khấu Avignon, nhà hát kịch Théâtre de l’Odéon ở Paris đã lên kế hoạch diễn Saigon từ 12-1 đến 10-2-2018.
Sau Hạn hán và cơn mưa của Ea Sola và Làng tôi của Tuấn Anh-Nhất Lý, Caroline Guiela Nguyen lần nữa khiến hai tiếng Việt Nam gây xáo động trong làng nghệ thuật nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận