Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn thuộc địa phận TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Hôm nay, tại trạm thu phí Dầu Giây ở xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức lễ thông xe đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đây là dấu ấn quan trọng cho sự phát triển kinh tế của cả vùng trọng điểm phía Nam.
TP.HCM - Vũng Tàu chỉ mất 1 giờ 20 phút
Theo ông Phạm Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc VEC, trong năm 2014 đã có hơn 5 triệu lượt xe đi trên đường cao tốc đoạn từ Q.9 - TP.HCM đến Quốc lộ 51 - Đồng Nai dài 20 km. Dự kiến trong năm 2015 số lượng xe đi trên tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đến Dầu Giây dài 55 km sẽ tăng lên 9 triệu lượt xe.
Theo đó sẽ tiết kiệm và làm lợi cho xã hội khoảng 460 tỷ đồng tiền nhiên liệu so với đi đường xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1. Đồng thời, xe đi trên đường cao tốc rút ngắn được thời gian, tạo động lực thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế các vùng miền như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh lân cận. Đặc biệt là trong tương lai sẽ kết nối với sân bay quốc tế Long Thành.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho tất cả các loại xe lưu thông.
Đoạn An Phú (Q.2) - đường vành đai 2 (Q.9) là đường đô thị cho xe chạy với tốc độ 80 km/g.
Đoạn từ đường vành đai 2 - Long Thành - Dầu Giây cho xe chạy với tốc độ 120km/g, riêng cầu Long Thành tốc độ 100 km/g.
Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55 Km rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận.
Cụ thể từ TP.HCM đi huyện Long Thành, Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45 km, thời gian đi khoảng 60 phút nay rút xuống còn khoảng 22 km với thời gian 20 phút. Đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120 km, với thời gian 2 giờ 30 phút. Nếu đi cao tốc sẽ rút ngắn xuống khoảng 95km với thời gian 1 giờ 20 phút.
Từ TP.HCM đến ngã ba Dầu Giây hướng đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc hoặc hướng đi Liên Khương, Đà Lạt, Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70 km, thời gian 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc.
Nếu đi đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20 km và chỉ mất 1 giờ, nhanh hơn 2 giờ so với trước đây, đồng thời giảm 20% đến 30% chi phí vận tải.
Việc thông xe tuyến đường cao tốc này cũng giảm áp lực giao thông cho xa lộ Hà Nội (TP.HCM) và quốc lộ 1 đoạn qua ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai).
Tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24
Theo cán bộ VEC, đi toàn tuyến đường cao tốc dài 55 km này chỉ mất khoảng 40 phút và đây chỉ là một đoạn của tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông dài 1.811 km (từ Hà Nội đến Cần Thơ) thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam.
Lãnh đạo VEC cho biết để chuẩn bị cho việc đưa tuyến đường vào khai thác, đơn vị đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí tuyến đường, đồng thời cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng như Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), cứu hộ y tế và các cơ quan, chính quyền địa phương có tuyến đường đi qua, thống nhất quy chế phối hợp thực hiện điều hành, kiểm soát giao thông trong quá trình khai thác; tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24...
Ông Phạm Hồng Quang cho biết, khoảng 100.000 cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động trong 1.500 ngày thi công, xây dựng đường cao tốc. Đến nay toàn tuyến đủ điều kiện để đảm bảo an toàn cho các loại xe trên đường cao tốc.
Ngay sau lễ thông xe, khoảng 11g ngày 8-2 sẽ cho xe đi trên đoạn quốc lộ 51-Dầu Giây (và ngược lại) và sẽ thu phí ngay.
Hiện nay, việc thu phí trên từng đoạn đường cao tốc là vé giấy, VEC dự kiến đầu năm 2016 sẽ thu phí bằng sử dụng thẻ từ như đang áp dụng ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Mức phí cho xe đi trên cao tốc
TP.HCM - Quốc lộ 51 (và ngược lại) | Quốc lộ 51 - Dầu Giây (và ngược lại) | |
- Xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt công cộng | 40.000 đồng | 60.000 đồng |
-Xe từ 12 ghế đến 30 ghế và xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn |
60.000 đồng | 90.000 đồng |
- Xe từ 31 ghế trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn | 80.000 đồng | 120.000 đồng |
- Xe từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe container 20 feet | 100.000 đồng | 150.000 đồng |
- Xe trên 18 tấn, xe container 20 feet | 160.000 đồng | 240.000 đồng |
Tổng mức đầu tư giai đoạn I: 20.630 tỷ đồng. Nguồn vốn vay của ADB 276,8 triệu USD, vốn vay ODA của JICA 640, 3 triệu USD và vốn đối ứng. Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km đi qua địa phận TP.HCM và tỉnh Đồng Nai với diện tích giải phóng mặt bằng hơn 437 hecta; Đền bù 1.990 hộ dân bị ảnh hưởng; Di dời nhiều công trình công cộng. Dự án phải thi công nhiều hạng mục trên nền địa chất, thủy văn phức tạp với khối lượng lớn gồm 32 cầu có tổng chiều dài 17,5km. Đặc biệt cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai dài 2,35 km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5m thuộc loại lớn nhất tại Việt Nam; Dự án xây dựng 4 nút giao, 1 trung tâm điều hành với hệ thống ITS, 3 trạm thu phí, 1 trạm dừng nghỉ. Xử lý đất yếu với chiều dài 18 km bằng các biện pháp tiên tiến như áp dụng những công nghệ mới, mới được áp dụng tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thi công như: cọc đất gia cố xi măng, bơm hút chân không, độ lún có khu vực đến 2,4m... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận