03/02/2017 10:53 GMT+7

Bí thư phường, xã nêu nhiều kiến nghị với thường trực Thành ủy

 VIỄN SỰ - MAI HOA
VIỄN SỰ - MAI HOA

TTO - ​Nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của TP.HCM, xây dựng Đảng đã được các bí thư phường xã, thị trấn nêu lên từ thực tiễn ở địa phương, kiến nghị trực tiếp với Thường trực Thành ủy sáng 3-2.

Anh Nguyễn Văn Sử phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Quang Định
Ông Nguyễn Văn Sử phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Quang Định

​Giơ tay phát biểu tại buổi cuộc gặp giữa Thường trực Thành ủy TP.HCM với Bí thư Đảng ủy phường xã, thị trấn năm 2017 sáng 3-2, ông Nguyễn Văn Sử - bí thư Đảng ủy phường Bình Hưng Hòa B (Bình Tân) có gần 15 phút để nêu nhiều vấn đề mà dân phường Bình Hưng Hòa B bức xúc.

Riêng chuyện chống ngập, ông cho biết Bình Tân có gần 20 điểm ngập. Tuy nhiên trong năm 2016 và cả những năm trước ông chưa từng thấy lãnh đạo trung tâm chống ngập xuống tận nơi tìm hiểu.

“Có thể do chỉ làm lãnh đạo phường, cấp nhỏ quá nên không biết. Nhưng nào giờ tôi chưa thấy lãnh đạo trung tâm chống ngập TP về ngồi làm việc với lãnh đạo của quận Bình Tân để tháo gỡ vấn đề chống ngập” - Bí thư phường Bình Hưng Hòa B băn khoăn.

“Tên đầy đủ của trung tâm chống ngập là “Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP” nghe rất hùng hồn. Nhưng những năm vừa qua tôi cảm giác trung tâm này cũng giống như chủ đầu tư”, ông nói thêm.

“Làm chủ đầu tư ai làm cũng được. Còn trung tâm thực sự là nghiên cứu về thoát nước chống ngập vậy mà TP cứ ngập hoài”.

Bí thư phường Bình Hưng Hòa B cho rằng chuyện chống ngập hiện chỉ theo kiểu thấy ngập ở đâu nâng đường lên ở đó. TP giao bao nhiêu tiền thì trung tâm chống ngập cố gắng làm cho hết chừng đó tiền, chứ chưa thực sự nghiên cứu căn cơ.

“Chúng tôi kiến nghị xem xét” - ông Sử nói thẳng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trả lời hả kiến của anh Nguyễn Văn Sử tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Quang Định
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trao đổi với ông Nguyễn Văn Sử tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Quang Định

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chia sẻ bức xúc của vị bí thư phường và cho rằng việc bí thư phường bức xúc khi đường ngập mà không thấy trung tâm chống ngập là đúng.

Tuy nhiên, ông Thăng cũng hỏi ông Sử: “Trung tâm chống ngập chưa xuống, nhưng anh có lên trung tâm chống ngập chưa?”. Bí thư phường Bình Hưng Hòa B cũng thú thật chưa lên lần nào.

Ông Thăng nói ngay: “Đấy! Tôi đồng tình với anh là trung tâm chống ngập phải xuống, phải có kế hoạch căn cơ chứ không phải chi cho hết tiền. Nhưng bí thư, chủ tịch phường thấy ngập thì phải chạy lên kêu. Phải gặp trung tâm chống ngập, các sở, đấu tranh cho được!”.

Gút vấn đề, Bí thư Thăng nói với bí thư phường Bình Hưng Hòa B: “Tôi chia sẻ với anh, nhưng thống nhất là mai lên trung tâm chống ngập hỏi cho ra nhé!”.

“Người dân đã hi sinh rất nhiều”

“Là cán bộ lãnh đạo ở địa phương, chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều trường hợp, người dân đã hi sinh rất nhiều, giao đất giao nhà cho chính quyền thực hiện dự án”, Bí thư đảng ủy P.Bình Khánh, Q.2 Nguyễn Thị Thùy Hạnh trình bày trước những người lãnh đạo cấp thành phố.

Bà Hạnh nói, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bắt đầu thực hiện từ năm 1997, khi mới thành lập Quận 2. Phường Bình Khánh có 1.861 hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa, tính đến nay đã thực hiện được trên 98%.  Nhiều cán bộ đảng viên đã nêu gương, chấp hành tốt chủ trương di dời để vận động người dân.

“Bởi vậy, chúng ta phải tri ân người dân, đền đáp xứng đáng niềm tin người dân gửi gắm nơi chúng ta. Trong quá trình đô thị hóa, chúng tôi mong muốn khi làm khu đô thị mới Thủ Thiêm phải tuân thủ quy hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, bảo vệ môi trường phát triển bền vững thì mới đền đáp xứng đáng sự hi sinh đó của người dân”, bà Hạnh nói.

Bà Hạnh cũng nhấn mạnh, thực hiện tốt việc tái định cư cũng là góp phần vào sự đền đáp đó.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư P.8 (Q.8) - nơi có 185 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án bờ bắc Kênh Đôi thì nêu thực tế: Rất nhiều hộ có nhà trên và ven kênh rạch diện tích rất nhỏ, có khi chỉ chừng 2,7m2 mà có tới 6 nhân khẩu.

“Với diện tích như vậy, nếu tính giá đền bù thì họ không thể tìm được chỗ ở mới. Kiến nghị thành phố có cơ chế đặc biệt với các hộ nghèo, khó khăn, diện tích quá nhỏ được tái định cư”, ông Nghĩa đề xuất.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng kiến nghị chuyện kẹt xe hàng ngày ở các khu vực Quận 8 như cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chánh Hưng gây khó khăn cho phát triển. Ông đề nghị TP quan tâm, có thể có cầu vượt giải tỏa ách tắc ở các khu vực này.

Không để dân có đất mà phải chịu khổ

Bí thư P.Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân) Nguyễn Văn Sử cũng cho biết ở P.Bình Hưng Hòa B hiện nay có 3 dự án đang gây bức xúc.

Một là dự án khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Sau hơn 19 năm, từ chỗ 43 hộ chưa đền bù giải tỏa được đến nay đã thành hơn 100 hộ. Mấy năm qua, nhiều hộ dân đồng ý nhận đền bù, chuyển đi nơi khác nhưng Khu công nghiệp vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào đền bù cho dân.

“Có đất mà khổ, có đất mà nghèo, người dân đã đồng ý đi nơi khác rồi mà chủ đầu tư vẫn không đền bù đó là điều vô lý, kiến nghị Thành ủy xem xét”, ông Sử nói.

Dự án khu dân cư 110 ha thì quy hoạch thực hiện được khoảng 50-60%, còn lại phần “da beo” không đền bù giải tỏa được, chủ đầu tư xin điều chỉnh dự án, đưa các phần da beo đó thành công viên cây xanh, phúc lợi…

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng ý kiến, đề xuất của các bí thư xã phường, thị trấn đưa ra rất thẳng thắn.

Ông cũng chia sẻ thêm, thời gian qua có dịp trực tiếp làm việc tại nhiều quận huyện, với một số đảng bộ xã để tận mắt thấy tai nghe về những khó khăn trong việc duy trì thường xuyên sinh hoạt đảng tại cơ sở.

Vai trò cầu nối của đảng bộ và của đảng viên, của chính quyền cơ sở phường, xã, thị trấn với nhân dân là rất quan trọng, nhưng vẫn có nơi còn biểu hiện xa dân, chưa chân thành lắng nghe ý kiến của Dân, chưa thật sự tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân.

Đó là việc người dân vẫn bị làm khó dễ khi tiếp xúc với cán bộ, công chức tại các cơ quan công quyền ở phường, xã, thị trấn; vẫn còn tình trạng thiếu gương mẫu của những đảng viên trước nhân dân tại địa bàn cư trú, kể cả tình trạng đảng viên gây khó khăn cho chính tổ chức đảng trong quản lý đảng viên tại cơ sở như các đồng chí phản ánh.

“Chắc chắn chúng ta không thể cùng một lúc giải quyết được tất cả những vấn đề đưa ra ở đây. Không thể vội vã, hấp tấp nhưng một điều chúng ta cần nhớ là nhân dân cũng không có nhiều thời gian để chờ đợi”.

Từ những chia sẻ đó, bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu các bí thư xã phường, thị trấn phải lãnh đạo hiện thực hóa mục tiêu ấy thành những chỉ tiêu, những chương trình, phần việc cụ thể nhất, có thể định lượng một cách tương đối nhất, không xác định “tăng cường, đẩy mạnh, phát huy…” một cách chung chung.

Chị Thái Thị Kim Thanh (Phường Bến Nghé, Q.1) phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Quang Định
Chị Thái Thị Kim Thanh (Phường Bến Nghé, Q.1) phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Quang Định

Gặp gỡ 322 bí thư phường xã, thị trấn

Toàn bộ 322 bí thư Đảng ủy phường, xã thị trấn đã có mặt tại cuộc gặp gỡ với thường trực Thành ủy sáng 3-2.

Rất nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của TP, xây dựng Đảng đã được các bí thư phường xã, thị trấn nêu lên từ thực tiễn ở địa phương, kiến nghị trực tiếp với Thường trực Thành ủy.

Tuổi Trẻ sẽ thông tin đến bạn đọc đầy đủ nội dung cuộc gặp gỡ này trong các bản tin sau.

 

VIỄN SỰ - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp