02/04/2018 14:00 GMT+7

Phòng và xử lý sự cố vỡ màn hình điện thoại như thế nào?

ĐẮC LUÂN
ĐẮC LUÂN

TTO - Khi gặp sự cố rơi vỡ màn hình điện thoại, nếu không biết cách “sơ cứu”, rất có thể bạn sẽ “mất cả chì lẫn chài”.

Phòng và xử lý sự cố vỡ màn hình điện thoại như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh: FLICKR/CC BY 2.0

Theo trang Popular Science, những thông tin tư vấn cơ bản trong bài viết sau có thể giúp bạn phòng ngừa nguy cơ rơi vỡ và biết cách ngăn ngừa sự cố gây thiệt hại nặng hơn.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh"

Trước khi bàn tới chuyện khắc phục sự cố, chúng ta sẽ nói về biện pháp phòng ngừa tình huống có thể dẫn tới hậu quả màn hình điện thoại bị vỡ.

Giải pháp đơn giản nhất là bạn hãy chọn mua chiếc điện thoại có khả năng tự bảo vệ tốt nhất trong tình huống bị rơi. Bạn đọc khả năng này ở thông số IP của smartphone.

Chỉ số này có tên là International Protection Marking hay Ingress Protection Marking cho thấy khả năng chống bụi (chữ số đầu tiên) và kháng nước (chữ số thứ hai).

Một điện thoại có chuẩn IP cao sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gặp phải những rắc rối rơi vỡ sau này.

Chữ số đầu tiên cho biết các cấp độ vật thể rắn (dạng hạt bụi) của điện thoại, chạy từ 0-6.

Các loại smartphone hiện đại nhất đều đạt chuẩn ít nhất là 5. Điều này có nghĩa những hạt bụi nhỏ có thể chui vào điện thoại của bạn, nhưng chúng sẽ không thể gây ảnh hưởng với chức năng bình thường của nó.

Số thứ 2 cho biết khả năng "chịu đựng" của điện thoại trước nước và các dung dịch khác, có các cấp độ từ 0-9.

Những thiết bị có chỉ số này ít nhất là 4 có khả năng bảo vệ điện thoại trong các trường hợp bị nước bắn vào.

Tuy nhiên bạn có thể tìm mua những loại smartphone có chỉ số này cao hơn, tới số 7, theo đó smartphone của bạn có thể vẫn "không hề hấn gì" khi bị nhúng dưới nước sâu 3 feet (0,9 mét) trong 30 phút.

Những thiết bị có chỉ số này là 8 có thể chịu được điều kiện ngập nước sâu hơn trong thời gian dài hơn, mặc dù độ sâu và thời gian chính xác thì tùy thuộc vào từng nhà sản xuất.

Chẳng hạn với chỉ số IP68 của Galaxy S9, theo nhà sản xuất Samsung, thông số đó có nghĩa chiếc S9 có thể chịu được ngập nước ở độ sâu 5 feet (1,5 mét) trong 30 phút.

Các dòng điện thoại flagship đều có chỉ số IP "khủng". Chẳng hạn điện thoại iPhone X có IP67, Samsung Galaxy S9 có IP68.

Bên cạnh thông số này, bạn cũng cần gia cố thêm cho điện thoại với một vỏ điện thoại chắc chắn để bảo vệ các góc và cạnh của thiết bị trong những tình huống bất cẩn.

Ngoài ra việc dùng miếng dán màn hình cũng sẽ giúp bạn tránh được việc bị xước và dính nước hiệu quả.

Phòng và xử lý sự cố vỡ màn hình điện thoại như thế nào? - Ảnh 2.

Mẫu Galaxy S7 Edge "khoe" khả năng kháng nước - Ảnh: REUTERS

"Sơ cứu" khi sự cố xảy ra

Nếu bạn lỡ tuột tay làm rơi điện thoại, hậu quả sau đó rất đa dạng. Từ những vết xước nhỏ cho tới việc chiếc điện thoại có thể văng ra thành nhiều mảnh.

Bước đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra mọi dấu vết hư hại trên thiết bị bằng mắt thường và mở khóa điện thoại để xem nó còn hoạt động hay không.

Nếu điện thoại dường như vẫn hoạt động và chỉ bị trầy xước nhẹ, có lẽ bạn không cần phải can thiệp gì cả.

Tuy nhiên hãy để ý xem có dung dịch nào bị rò rỉ không. Nó có thể chảy ra từ pin hoặc từ phần keo kết dính vốn được dùng để cố định các bộ phận của thiết bị với nhau.

Trong cả 2 tình huống này, nếu thấy có dung dịch chảy ra, bạn cần lập tức dừng ngay việc sử dụng điện thoại.

Nếu thấy điện thoại có nhiều vết nứt vỡ lớn, đủ để bạn nhìn thấy các bộ phận bên trong, hãy tắt nguồn thiết bị.

Nếu bạn cố bật nguồn và sử dụng điện thoại khi nó đã bị hư hỏng nặng, có thể bạn sẽ khiến nó hỏng nặng hơn, thậm chí chưa kể còn có khả năng khiến phần pin bị sự cố gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Trong trường hợp này bạn cần tham khảo thông tin của người có chuyên môn. Hãy đóng gói điện thoại lại, kèm theo tất cả các bộ phận bị văng ra rồi liên hệ với nhà sản xuất hoặc đại lý phân phối sản phẩm để biết thêm thông tin.

Các vết nứt vỡ trên màn hình liên quan tới 2 tình huống. Nếu điện thoại bị vỡ vẫn hoạt động được, việc dán lại màn hình có thể khôi phục chức năng bình thường của nó.

Tuy nhiên nếu màu sắc không còn hiển thị bình thường sau khi vỡ, điều này có nghĩa bạn sẽ phải thay màn hình cho điện thoại sau sự cố.

Mặc dù bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng chiếc điện thoại bị rạn vỡ màn hình trong một thời gian ngắn, tuy nhiên bạn vẫn nên liên lạc với một chuyên viên thay màn hình để sớm liên hệ với nhà sản xuất hoặc cửa hàng phân phối.

Hoặc nếu đủ kiên nhẫn và khả năng, bạn có thể tự thay màn hình điện thoại cho mình. Tuy nhiên trước hết hãy tìm kiếm những thông tin cụ thể liên quan tới cách thay màn hình cho điện thoại của bạn. Trên mạng có khá nhiều video hướng dẫn chi tiết về việc này.

Bạn có thể tìm kiếm các tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách thay màn hình cho hầu hết các dòng smartphone phổ biến hiện nay trên trang iFixit.

Xử lý sự cố với nước

Khi bất cẩn làm rơi điện thoại xuống nước hay một dung dịch lỏng nào đó kiểu như chậu xà phòng hay cốc bia, việc đầu tiên bạn cần làm ngay là vớt điện thoại ra rồi tắt nguồn thiết bị.

Sau đó dùng vải mềm lau khô và đặt điện thoại lên bề mặt phẳng, chắc chắn để nó được khô hẳn.

Cho tới khi điện thoại khô kiệt bạn không nên khởi động lại nguồn máy. Nếu thiết kế smartphone cho phép bạn tháo được SIM và thẻ nhớ, hãy làm như vậy để ngăn sự cố gây hư hỏng nặng thêm tới các phần này.

Bạn có thể phải chờ tới 48 giờ đồng hồ hoặc hơn để điện thoại khô hoàn toàn sau khi bị rơi vào dung dịch lỏng. Trong lúc chờ nó khô, bạn có thể tra cứu chỉ số IP của máy trên một trang web kiểu như GSMArena. Đây là trang cung cấp thông tin về thông số này của rất nhiều loại điện thoại khác nhau.

Nếu smartphone của bạn có chỉ số là IP67 hoặc IP68, bạn có thể yên tâm là nó sẽ ổn sau sự cố.

Ngay cả khi chỉ số IP thấp hơn, bạn cũng không nên vội lo lắng. Rất nhiều điện thoại có khả năng hồi phục bình thường sau khi các dung dịch lỏng bay hơi hết sạch.

Bạn nên để quá trình tự khô của điện thoại diễn ra chậm rãi và tự nhiên nhất có thể. Dù sốt ruột tới cỡ nào bạn cũng không nên dùng máy sấy nóng để "đốt cháy giai đoạn" lúc này.

Hãy để điện thoại tránh xa lò vi sóng và các lò nướng truyền thống khác. Cũng không dùng máy sấy tóc hay máy hút bụi để sấy khô thiết bị vì những thứ này có thể làm hỏng các linh kiện bên trong smartphone.

Có một số người mách nước giải pháp thả điện thoại ướt vào thùng gạo để nhờ cám gạo hút ẩm. Cũng đã có người thành công với cách này. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, cách này không thật sự hiệu quả.

Tuy nhiên các túi hạt chống ẩm (hạt silica gel và silica cat) có thể được dùng làm tác nhân hút ẩm hiệu quả. Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất cũng đã dùng các gói hạt chống ẩm này đóng kiện cùng các sản phẩm điện thoại trong quá trình vận chuyển tới người dùng.

Trong một số trường hợp, việc đặt một túi silica (giá bán 10 USD trên Amazon) trong một chiếc túi bọc kín cùng điện thoại sẽ giúp tăng tốc quá trình làm khô điện thoại. Tuy nhiên phương pháp cũng không đảm bảo lúc nào cũng hiệu quả.

Theo đó, sau khi đã tắt nguồn và để khô điện thoại trong khoảng 2 ngày sau sự cố, bạn có thể mang tới cửa hàng bảo hành. Tại đó các nhân viên chuyên nghiệp sẽ giúp tháo gỡ thiết bị, làm khô từng phần rồi lắp ráp lại đảm bảo cho bạn.

ĐẮC LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp