18/10/2024 20:24 GMT+7

Phòng tránh thảm họa sạt lở đất: Cần đầu tư cảnh báo và trang bị kiến thức cho người dân

Sạt lở đất đang nổi lên là hình thái thiên tai vô cùng nguy hiểm, gây thiệt hại nhân mạng hàng đầu tại Việt Nam trong những năm qua.

Phòng tránh thảm họa sạt lở đất: Cần đầu tư cho con người tại chỗ - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai - Ảnh tư liệu TTO: NGUYỄN KHÁNH

Nhiều vụ sạt lở đất có số người chết cao gấp nhiều lần bão lũ như tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam năm 2020. Hay mới nhất là chuỗi sạt lở đất kinh hoàng tại các tỉnh miền núi phía Bắc sau bão số 3 - Yagi.

Cải tiến trạm đo mưa để dự báo sạt lở đất

Trước diễn biến cực đoan của thời tiết, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sạt lở được quan tâm đặc biệt.

Tại hội nghị khoa học Khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai khu vực Tây Nguyên ngày 18-10, ông Giang Lý Dũng - phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (Watec) - cho rằng cần tăng cường đầu tư cho dự báo sạt lở để hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản, nhân mạng người dân.

Ông Dũng cho biết từ sau vụ sạt lở vùi lấp một ngôi làng tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) năm 2020, Watec đã phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở đất trên cơ sở nâng cấp tính năng trạm đo mưa tự động.

Phòng tránh thảm họa sạt lở đất: Cần đầu tư cho con người tại chỗ - Ảnh 2.

Cán bộ chiến sĩ Tỉnh đội Quảng Nam hành quân vào vùng sạt lở giúp dân tại huyện Phước Sơn năm 2020 - Ảnh: TẤN LỰC

Khi lượng mưa chạm ngưỡng có thể gây ra sạt lở, trạm đo sẽ tự động phát cảnh báo bằng còi, âm thanh và truyền tin tới lãnh đạo chính quyền, khu dân cư chủ động phòng tránh. Hiện hệ thống này đã được lắp đặt tại khu tái định cư của người dân Trà Leng.

Ông Dũng cho hay vừa qua tỉnh Quảng Bình đã đề nghị lắp đặt hệ thống này cho 8 khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại các huyện miền núi tỉnh này.

"Tại khu vực xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai), chúng tôi có một trạm đo mưa tự động gần Làng Nủ nơi xảy ra thảm họa sạt lở đất vừa rồi. Trước thảm họa, trạm đo này đã ghi nhận lượng mưa rất lớn lên tới 400mm.

Nhưng rất tiếc thời điểm đó không có hệ thống cảnh báo sạt lở đất để thông tin cho người dân và chính quyền địa phương chủ động ứng phó" - ông Dũng nói.

Dựa vào dân, tránh được thảm họa

Ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - giải thích rằng công nghệ cảnh báo sạt lở đất hiện nay chủ yếu dựa vào lượng mưa. Cụ thể, khi lượng mưa đạt 40 - 50mm/giờ hoặc 250mm/ngày sẽ có nguy cơ sạt lở, dựa vào đó cơ quan dự báo phát cảnh báo.

Tại một số vùng chưa đầu tư được trạm đo mưa, cơ quan khí tượng dùng dữ liệu mưa từ vệ tinh, radar thời tiết. Ngoài ra, căn cứ vào lịch sử lũ quét, sạt lở của những địa phương có nguy cơ cao, vùng có nền đất yếu… để tổng hợp đưa ra cảnh báo.

Để nâng cao chất lượng thông tin dự báo, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay đang đầu tư trang thiết bị và làm dày thêm mạng lưới trạm đo mưa theo phương châm càng nhiều càng tốt.

Dù vậy, ông Lâm nhận định việc phòng chống sạt lở đất phát huy hiệu quả cao nhất cần dựa vào người dân tại chỗ. Một ví dụ nổi tiếng trong đợt sạt lở liên hoàn phía Bắc vừa qua là trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, Lào Cai) đã dẫn 115 dân bản lên núi và tránh khỏi thảm họa lở núi thảm khốc dựa vào kinh nghiệm cá nhân.

Từ đó, ông Lâm cho rằng cần trang bị kiến thức cho người dân, lãnh đạo địa phương để quan sát nhận biết dấu hiệu, nguy cơ sạt lở đất và có phương án phòng tránh kịp thời. Việc quá phụ thuộc vào thông tin dự báo chưa chắc đã là giải pháp hiệu quả cao nhất.

Phòng tránh thảm họa sạt lở đất: Cần đầu tư cho con người tại chỗ - Ảnh 3.

Trung tâm điều hành khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên vừa khánh thành đưa vào hoạt động - Ảnh: TẤN LỰC

Vận hành Trung tâm điều hành khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên

Ngày 18-10, Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên khánh thành đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên tại TP Pleiku, Gia Lai.

Ông Lê Văn Hưng, giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, nói trung tâm điều hành là đầu mối thu nhận, xử lý thông tin dữ liệu từ các trạm khí tượng thủy văn, trạm đo mưa, các đài khí tượng thủy văn tỉnh… để phân tích, tính toán đưa ra dự báo, cảnh báo thời tiết thiên tai khu vực Tây Nguyên.

Trung tâm điều hành bao gồm khối nhà làm việc cao 6 tầng cùng một số công trình phụ trợ.

Dự án khởi công từ ngày 31-3-2023 và hoàn thành trước kế hoạch 70 ngày.

Phòng tránh thảm họa sạt lở đất: Cần đầu tư cho con người tại chỗ - Ảnh 4.Sạt lở đất tại TP Pleiku, nhiều nhà dân bị uy hiếp

Sau đợt mưa lớn kéo dài, mái ta luy dương trong một con hẻm ở trung tâm TP Pleiku (Gia Lai) bị sạt lở, đe dọa an toàn nhiều nhà dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp