Thầy Quy hướng dẫn học sinh sử dụng gậy dò đường - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Người ta luôn nghĩ làm hiệu trưởng đương nhiên phải tập trung cho công tác quản lý. Nhưng với thầy Quy thì khác. Phòng của thầy hình như chẳng bao giờ khóa cửa. Lúc thì thầy dạy trẻ khuyết tật làm hương, khi lại thấy thầy bận bịu liên hệ các tiệm làm móng ở Đà Nẵng, đưa học trò đi học nghề...
“Tôi học chữ của học sinh”
Có lẽ ít có người thầy nào giống thầy Quy - vốn xuất thân là thầy giáo dạy toán cho học sinh bình thường, rồi “sang ngang” dạy học sinh khiếm thị. “Cảm giác đầu tiên khi tôi đứng lớp là gì anh biết không? Đó là sợ” - thầy Quy nhớ lại.
Năm 1999, thầy Quy dạy ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), sau đó thầy xin về Đà Nẵng dạy học. Nhưng lúc bấy giờ, giáo viên môn toán ở các trường đều đủ cả. Thầy Quy được bố trí về Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng).
17 năm trôi qua, thầy vẫn nhớ như in cái ngày đã gắn kết thầy với cuộc đời của những học trò bất hạnh. Sáng 18-9-1999, thầy cầm tờ quyết định xuống Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu để nộp, định là ngày 23-9 bắt đầu làm việc.
Thầy đi vòng quanh trường tìm hiểu, được biết trường không chỉ thiếu giáo viên dạy toán mà các môn vật lý, hóa học cũng không có. Trước thầy đã có hai giáo viên dạy toán xin chuyển đi chỗ khác. Vậy là ngay trong chiều 18-9, thầy đến dạy buổi đầu tiên thay vì năm ngày sau như phân công.
Nhưng lần đầu tiên đứng trước 32 học sinh khiếm thị với những quyển sách, vở bằng chữ nổi Braille, thầy Quy bị “khớp”. Thầy chưa từng được đào tạo để làm việc này. Và thầy quyết định xuống ngồi với học trò.
“Tôi dạy toán cho các em, và nhờ các em dạy chữ nổi Braille. Chúng tôi giao kèo với nhau để cùng tiến bộ” - thầy Quy chia sẻ.
Hằng đêm, soạn giáo án xong, thầy Quy bỏ ra hàng giờ học chữ Braille. Ba tháng sau, trường tổ chức cuộc thi viết và dịch chữ nổi Braille dành cho giáo viên, thầy Quy đã giành giải nhất...
Làm sao để học sinh khiếm thị học toán nhưng có hình minh họa, trong khi dụng cụ học tập dành cho học sinh khiếm thị hầu như không có? Trước tình hình này, thầy Quy đã tự sáng chế ra bảng từ dạy học các môn tự nhiên cho học sinh khiếm thị. Một công việc đã ngốn của thầy mất hai năm trời.
Để làm bảng từ, thầy Quy phải đi khắp các tiệm phế liệu, cơ sở sửa chữa điện tử để tìm 30 cục nam châm từ loa mới đúng kích cỡ. Theo thầy Quy, bảng từ được chế từ một miếng tôn, phía dưới lót nam châm, trên mặt có lớp gỗ để bảo vệ, trên cùng là các thanh thép được uốn thành hình tròn, vuông, chữ nhật... để phục vụ việc học cho học sinh khiếm thị.
Dường như sức sáng tạo của thầy Quy là không giới hạn. Để giúp học trò khi ra ngoài có thể hòa nhập cộng đồng, an toàn, thuận tiện khi tham gia giao thông, thầy nghĩ cần một cây gậy dò đường. Cây gậy vừa có đèn, có âm thanh cảnh báo cho người đi đường.
Và thầy Quy bắt tay thiết kế hệ thống mạch điện, lắp đặt đèn led, âm thanh báo trên cây gậy... Chỉ riêng hệ thống mạch điện, thầy Quy mất nguyên một tháng để thiết kế. Nhiều đêm trắng, thầy trằn trọc tìm cách để kéo dài thời gian của pin. Thầy lân la các tiệm sửa điện tử để nhờ tư vấn, cuối cùng đã kéo dài thời gian pin đến 5 tiếng liên tục, nếu mỗi ngày qua đường 10 phút thì cây gậy có thể dùng được 3 tuần.
“Nhìn các em cầm gậy dò đường mỗi khi đi học, lòng mình hạnh phúc chi lạ. Tôi nghĩ đó là món quà chia tay học sinh khiếm thị thật đẹp...” - thầy Quy tâm sự.
Không ngừng nghỉ
Thầy Quy được chuyển về làm hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng vào năm 2014. “Nếu trước đây ở Trường Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là các em khiếm thị thì về trường mới lại có nhiều em khuyết tật về thính giác, trí tuệ, tự kỷ... vì thế cũng vất vả hơn chút. Quan trọng là làm sao giúp các em hòa nhập lại với cuộc sống” - thầy Quy chia sẻ.
Vì thế thầy liên hệ với các tiệm làm móng ở Đà Nẵng để dạy nghề cho các em khuyết tật. “Không ngờ nhiều tiệm sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho các em. Hiện có bốn em theo nghề này” - thầy Quy vui vẻ nói.
Không chỉ vậy, thầy còn đi gõ cửa các tổ chức phi chính phủ xin tài trợ máy làm hương. Và thầy đã xin được hai máy về cho trường. Đích thân thầy cùng giáo viên đứng tại xưởng dạy nghề làm hương cho 30 em khuyết tật. Thầy cũng thổ lộ hiện đang ấp ủ mở điểm rửa xe máy ngay bên phòng làm việc của mình, lấy đây làm lớp học nghề cho trẻ khuyết tật...
“Gắn bó với trẻ khuyết tật một cách tình cờ, nhưng 17 năm qua tôi luôn tâm niệm phải làm được gì đó giúp các em đỡ vất vả khi rời mái trường chuyên biệt. Chỉ vậy thôi” - thầy Quy chia sẻ.
Ông Hà Hội - chủ tịch công đoàn giáo dục Đà Nẵng - cho biết: “Thầy Quy là một người đặc biệt tâm huyết đối với trẻ khuyết tật. Dạy trẻ khuyết tật, nhưng chính thầy khi học ở trường sư phạm chỉ được đào tạo dạy học sinh bình thường. Vì thế, thầy Quy tự mày mò giảng dạy. Nếu một người thầy không có tâm thì sẽ bứt ngay. Không chỉ vậy, thầy Quy còn được xem là “cây sáng kiến” với nhiều đề tài áp dụng vào thực tế giúp trẻ khuyết tật”.
Cũng theo ông Hội, Sở GD-ĐT đã chọn thầy Quy đại diện cho ngành đề cử vào danh sách 20 công dân tiêu biểu của TP Đà Nẵng.
Sáng kiến của thầy Quy “Bảng tự dạy học các môn tự nhiên cho học sinh khiếm thị” của thầy Quy đã đoạt giải nhất toàn quốc Hội thi đồ dùng dạy học cho học sinh khuyết tật. Sáng kiến “Dụng cụ vẽ hình và tập hình vẽ toán 9 cho học sinh khiếm thị” đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Đà Nẵng. Sáng kiến “Bảng lưới từ vẽ hình học môn toán cho học sinh khiếm thị” đã được Tổng liên đoàn Lao động tặng bằng Lao động sáng tạo. Sáng kiến “Chiếc gậy dò đường thông minh cho người khiếm thị” đoạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Đà Nẵng... |
Không kinh doanh Khi các sáng chế được áp dụng vào thực tế hiệu quả, nhiều người đặt câu hỏi sao thầy Quy không đăng ký sở hữu trí tuệ? Thầy tâm sự: “Những sáng chế này giúp các em khuyết tật thuận lợi hơn trong việc học, sinh hoạt. Tôi muốn càng nhiều em được hưởng lợi càng tốt. Vì thế tôi công khai và sẵn sàng hướng dẫn mọi người làm các sản phẩm này. Mình làm với mong muốn đơn giản vậy chứ chẳng nghĩ chuyện đăng ký này nọ để kinh doanh, lợi lộc”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận