Tăng cường hoạt động thể lực làm giảm nguy cơ đột tử. Ảnh: yana.com
"Mới gặp đó mà nay đã trở về với cát bụi" là câu nói để chỉ một người đột ngột lìa trần khi mà họ hoàn toàn không có biểu hiện của người bị bệnh thậm chí còn rất khỏe. Theo y học, hiện tượng trên gọi là đột tử.
Hiện nay hiện tượng đột tử xuất hiện ngày càng nhiều và xảy ra cả ở lứa tuổi ngày càng trẻ. Đây là vấn đề nan giải mà các tổ chức y tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang dùng mọi biện pháp để hạn chế.
Thế nào là đột tử?
Đột tử là tình trạng tử vong đột ngột ngay lập tức, tuổi càng cao nguy cơ đột tử càng tăng. Nam giới bị đột tử cao gấp hai lần phụ nữ.
Tỷ lệ này cũng cao hơn nhiều lần ở những người hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, có người thân trong gia đình bị bệnh tim mạch, sang chấn tâm lý.
Ngoài ra, có những hội chứng đột tử mà thế giới chưa giải thích được nguyên nhân (thường xảy ra vào ban đêm ở nam giới châu Á).
Những thời điểm nguy hiểm
- Buổi sáng được xem là thời điểm nguy hiểm nhất, dễ gây đột tử cho những người có nguy cơ.
- Đột tử cũng có thể xảy ra lúc bệnh nhân đang nghỉ ngơi nhưng thường gặp nhất là lúc gắng sức.
- Nhiều trường hợp chết đột ngột khi đang chơi đá bóng, đánh quần vợt, cầu lông, hội họp, tranh cãi,…
- Có một số trường hợp có các biểu hiện báo trước sự đột tử như: Nhức đầu nhiều, nặng ngực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn,…
Nguyên nhân gây đột tử
- Do bệnh lý tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh thất hay rung thất,…
- Do xơ vữa mạch máu.
Các biểu hiện thường gặp
- Cơn nhồi máu cơ tim điển hình là đau ngực trái dữ dội, cơn đau kéo dài khoảng 15 - 30 phút và dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Đôi khi cơn đau không rõ ràng, nhất là ở người có bệnh đái tháo đường, người lớn tuổi, người bệnh chỉ cảm thấy bị ngộp thở, nặng ngực. Triệu chứng đi kèm là vã mồ hôi, khó thở, mệt nhiều, buồn nôn, nôn, đánh trống ngực,…
Những phương pháp phòng ngừa đột tử
Ngoài những yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành mà ta không thay đổi được như tuổi, giới tính, tiền sử gia đình thì cần phải thay đổi những yếu tố nguy cơ để đề phòng nguy cơ đột tử.
Không hút thuốc
Hút thuốc lá, thuốc lào đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên,… nguy cơ dẫn đến đột tử.
Tăng cường hoạt động thể lực
Hoạt động thể lực làm giảm khả năng xuất hiện bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành,… do đó làm giảm nguy cơ đột tử.
Không để cơ thể thừa cân, béo phì
Thừa cân là yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành. Vì vậy, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh các nguy cơ dẫn đến đột tử.
Giảm căng thẳng (stress)
Căng thẳng trong cuộc sống, các stress tâm lý đều được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, nguyên nhân dẫn đến đột tử. Vì vậy, cần cân bằng giữa công việc, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng,…
Cân bằng cholesterol trong máu
Tăng cholesterol máu làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới,… là nguyên nhân nhân hàng đầu dẫn đến đột tử.
Vì vậy, cần đảm bảo một chế độ ăn uống khoa học để cân bằng lượng cholesterol trong máu.
Giữ huyết áp ổn định
Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng, là yếu tố nguy cơ làm xuất hiện và tiến triển bệnh lý động mạch vành, động mạch chủ, động mạch ngoại biên,… những nguyên nhân dẫn đến đột tử.
Vì vậy, khi bị tăng huyết áp, cần phải tuân thủ chặt chẽ những quy định của bác sĩ để làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh lý tim mạch.
Kiểm soát nguy cơ đái tháo đường
Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh lý động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch ngoại biên,…
Vì vậy, khi bị đái tháo đường, cần tuân thủ điều trị bệnh nghiêm ngặt: không ăn đồ ngọt, chất bột,… để tránh biến chứng tim mạch.
Hạn chế uống rượu bia
Rượu bia làm tăng huyết áp, tăng triglicerid máu, gây nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Vì vậy, hạn chế uống rượu bia là bảo vệ huyết áp, bảo vệ tim và phòng chống đột tử.
Để phòng tránh các bệnh về tim mạch, nguyên nhân chính dẫn đến đột tử, chúng ta cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày, từ bỏ những thói quen xấu như: Uống bia rượu, hút thuốc lá, ăn nhiều chất béo, ít vận động,…
Ngoài ra, cần tăng cường chế độ ăn nhiều rau xanh, vận động thể lực,… để cuộc sống được an toàn, thoải mái và trường thọ./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận