Người cao tuổi nên ăn nhiều rau quả - Ảnh: comfortkeepers.com
Thiếu dưỡng chất sẽ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người cao tuổi. Tình trạng này kéo dài khiến các bộ phận quan trọng trong cơ thể như: tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết, cơ bắp, phổi, trí não… suy yếu. Quá trình lão hóa thúc đẩy nhanh hơn. Với những người đang bị bệnh, suy dinh dưỡng sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, thời gian bệnh kéo dài, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao hơn.
Tại Việt Nam, tình trạng suy dinh dưỡng do thiếu dưỡng chất ở người trên 40 tuổi khá phổ biến, trung bình từ 20-30%, thậm chí có nơi trên 40%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khẩu phần ăn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của cơ thể hàng ngày. Hoặc do người cao tuổi thể trạng sức khỏe yếu, hay mắc bệnh mạn tính, hệ tiêu hóa giảm, hấp thu kém, cũng như thường đau mỏi, chán ăn… dẫn đến việc bị suy dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, việc người cao tuổi bị suy dinh dưỡng thường để lại những hậu quả hết sức nguy hiểm, gây nên những biến chứng khôn lường, làm suy yếu các chức năng hoạt động của tim mạch, nội tiết, phổi, tụy, nhận thức... Những điều này khiến chất lượng cuộc sống và tinh thần của người cao tuổi bị "tụt dốc", tạo thêm nỗi lo cho người thân và đôi khi trở thành gánh nặng của xã hội.
Một người bị coi là suy dinh dưỡng khi sụt từ 5 - 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng tới 1 năm. Các triệu chứng dễ nhận thấy ở người cao tuổi khi gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng là: Sụt cân, cơ thể gầy rạc, mệt mỏi, mất ngủ; da khô, xanh xao, dễ bị bầm tím, tóc khô, dễ rụng; miệng khô, lưỡi và môi bị nhiệt lở loét, nhai nuốt khó khăn; chán ăn, ăn khó tiêu, dễ táo bón, hay cáu gắt vô cớ và kém sự minh mẫn… Nếu người cao tuổi bị suy dinh dưỡng mà kèm theo mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh tim, viêm gan, bệnh về xương khớp thì càng làm cho bệnh nặng hơn nhanh và toàn trạng trở nên dễ bị suy sụp và đặc biệt khi có tác nhân nhiễm trùng xâm nhập rất khó tránh khỏi mắc bệnh.
Một chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể chất hợp lý sẽ giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai, tăng sức đề kháng phòng tránh được nhiều bệnh tật, nhất là người cao tuổi. Trước tiên người cao tuổi cần được đánh giá về tình trạng dinh dưỡng một cách đầy đủ cũng như khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh là nguyên nhân dẫn tới suy sinh dưỡng ở người cao tuổi. Nên đi khám sức khỏe toàn diện mỗi năm 1-2 lần cho người cao tuổi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn uống đủ chất và đủ số lượng là nguồn năng lượng cần thiết cho người cao tuổi. Nếu các bữa chính mà người cao tuổi ăn chưa đủ số lượng thì có thể ăn thêm các bữa phụ. Thức ăn cho người cao tuổi phải mềm dễ nhai, dễ nuốt nhưng không nên xay nhuyễn vì sẽ làm giảm mùi vị thường có của thức ăn. Nên ăn thêm các loại quả sau bữa ăn (tráng miệng) như cam, quít, chuối, bưởi… và nên ăn nhiều rau. Nên hạn chế ăn mỡ động vật, lòng đỏ trứng hoặc các loại phủ tạng và nên ăn cá thay cho ăn thịt. Mỗi tuần nên ăn cá khoảng 2 - 3 lần trong các bữa ăn chính. Chế biến thức ăn nên thêm gia vị vào thực phẩm để tăng sức hấp dẫn khẩu vị người cao tuổi. Nếu việc thay đổi chế độ ăn uống không cung cấp cho người cao tuổi đủ chất dinh dưỡng thì việc bổ sung hỗn hợp thuốc bổ hoặc thuốc bổ dinh dưỡng cũng có thể giúp ích.
Đặc biệt, cần khuyến khích người cao tuổi vận động cơ thể hằng ngày để máu lưu thông, làm các cơ quan trong cơ thể hoạt động nhịp nhàng, từ đó sẽ ăn uống ngon miệng, hấp thu tốt. Có nhiều hình thức để vận động cơ thể tùy theo hoàn cảnh, điều kiện và sức khỏe của từng người.
Dinh dưỡng tốt là rất quan trọng cho tất cả những người cao tuổi. Người thân trong gia đình cần có chế độ chăm sóc cho người cao tuổi thật cẩn thận, chu đáo, nâng cao chất lượng thể chất và tinh thần cho người cao tuổi, để người cao tuổi có một cuộc sống vui vẻ, thoải mái, ăn uống đầy đủ sẽ giúp họ khỏe mạnh, dẻo dai phòng tránh được bệnh tật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận