Những ngày đầu sau khi sinh và bắt đầu cho bé bú, bạn sẽ cảm thấy hơi căng tức một chút ở núm vú, nhất là nếu bạn sinh em bé đầu lòng. Cảm giác căng tức có thể tăng lên khi sữa bắt đầu về. Tình trạng căng tức và đau này rất phổ biến và sẽ biến mất dần khi bạn đã quen với việc cho con bú. Đôi khi, tình trạng căng tức sẽ trở nên nặng hơn và núm vú của bạn có thể sẽ trở nên sưng và đau hơn.
Sưng núm vú là một vấn đề tương đối phổ biến khi cho con bú. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm: Bé bú không đúng cách, không sử dụng máy hút sữa đúng cách hoặc do nhiễm trùng. Sưng núm vú sẽ khiến sữa sẽ khó về hơn, dần dần có thể dẫn đến ít sữa hoặc mất sữa và đôi khi bạn sẽ phải cho bé cai sữa sớm.
Do vậy, hãy phòng ngừa tình trạng sưng núm vú ngay từ sớm, với 8 cách hiệu quả dưới đây.
Đảm bảo rằng bé bú đúng cách
Bé bú đúng cách chính là yếu tố quan trọng nhất khiến việc bú mẹ thành công và việc này cũng sẽ giúp phòng ngừa tình trạng sưng núm vú. Khi ngậm vú đúng cách, bé sẽ ngậm được toàn bộ núm vú và cả quầng vú ở trong miệng và núm vú sẽ ở vị trí rất sâu trong miệng của bé. Chính vị trí này sẽ khiến động tác mút bú hiệu quả và bé bú được nhiều sữa.
Nếu bé chỉ ngậm được phần núm vú, phần lợi của bé sẽ tạo ra áp lực lên núm vú khi bé cố gắng bú. Khi bé mút phần đầu vú nhạy cảm, thì đầu vú của bạn có thể sẽ bị đau. Ngậm vú không đúng cách cũng có thể sẽ khiến bé luôn bị đói và quấy khóc vì bé không bú đủ mỗi cữ bú.
Bạn có thể phòng ngừa tình trạng sưng núm vú bằng cách học cách cho bé bú đúng cách ngay từ lần cho bú đầu tiên. Và nếu bạn không chắc rằng liệu bé có ngậm đúng và bú đúng hay không, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ.
Cho con bú ở tư thế đúng
Tư thế cho con bú đúng là tư thế mà cả bạn và bé đều cảm thấy thoải mái và sẽ kích thích được việc bú mẹ của bé. Kiểu ôm ngang và ôm bóng là những tư thế tốt trong những lần đầu cho bú vì ở cả 2 tư thế này, bạn có thể nhìn rõ cả phần núm vú của mình cũng như miệng của bé.
Bạn cũng có thể sử dụng một chiếc gối hỗ trợ việc cho bú. Chiếc gối này sẽ giúp nâng đùi bạn và đầu em bé lên đúng tầm với vú. Việc cho bú đúng tư thế sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn hơi nâng bé lên một chút, thay vì bạn phải hơi cúi người về phía trước. Cúi người về phía trước là một tư thế khó chịu và có thể khiến bạn bị đau lưng, đau cánh tay và đau cổ.
Bạn cũng có thể thay đổi tư thế cho bé bú trong mỗi lần bú. Khi bạn chỉ cho bé bú ở 1 tư thế trong tất cả các lần cho bú, thì miệng em bé sẽ chỉ tạo ra áp lực tại cùng một điểm trên núm vú. Nhưng khi bạn đổi tư thế, có thể sẽ tránh được tình trạng một điểm trên núm vú thường xuyên phải chịu áp lực và cọ xát do việc ngậm của bé.
Làm mềm vú của bạn để bé có thể ngậm được
Căng tức vú là tình trạng rất phổ biến mà bạn thường xuyên gặp phải trong những tuần đầu cho con bú. Tuy nhiên, vú của bạn cũng có thể bị căng tức nếu bạn bỏ lỡ một cữ bú của bé hoặc nếu sữa của bạn về quá nhiều.
Khi vú của bạn căng tức và trở nên cứng hơn, thì sẽ rất khó để bé có thể ngậm được. Để giúp đỡ bé bạn có thể vắt bớt ra một chút sữa trước mỗi cữ bú của bé để làm giảm tình trạng căng tức và làm mềm mô vú của bạn. Khi vú của bạn đã mềm hơn, thì bé cũng sẽ bú dễ dàng và đúng cách hơn. Và như đã nói ở trên, việc bé bú đúng cách sẽ phòng ngừa được tình trạng sưng núm vú.
Cho bé bú ít nhất 2-3 tiếng một lần
Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, trẻ lại tiêu hóa sữa mẹ rất nhanh nên bé cần được cho bú thường xuyên. Khoảng cách giữa các cữ bú càng xa, bé sẽ càng đói. Và khi bị đói, bé sẽ có hành động mút núm vú một cách "thô bạo" hơn. Ngoài ra, nếu khoảng cách giữa các cữ bú quá xa, vú của bạn cũng có thể sẽ bị căng và khiến bé khó có thể bú đúng cách được.
Sự phối hợp giữa tình trạng ngậm núm vú không đúng cách và việc mút "thô bạo" của bé có thể sẽ dẫn đến tình trạng sưng núm vú rất nhanh. Bạn có thể làm giảm nguy cơ căng tức vú và giảm hành vi "thô bạo" của bé bằng cách đáp ứng nhu cầu bú mẹ của bé, hãy cho bé bú ít nhất 2-3 tiếng một lần, trước khi bé trở nên cực kỳ đói.
Chăm sóc vùng da vú và quanh núm vú
Chăm sóc vùng vú trong quá trình cho con bú không khó như bạn nghĩ. Vú bạn thậm chí còn đã có sẵn một vài nốt nhỏ nổi lên ở quầng vú, tiết ra các chất dầu giúp dưỡng ẩm và bảo vệ vú, núm vú của bạn. Nhưng bạn cũng có thể giúp vùng da tại vú khỏe mạnh và phòng ngừa tình trạng sưng núm vú bằng những cách sau.
Khi bạn vệ sinh vú, hãy xả nước ấm và tránh sử dụng các loại xà phòng mạnh vì có thể làm khô, gây kích ứng và nứt vùng da ở vú và núm vú. Ngoài ra, bạn không cần thiết phải dùng kem, thuốc mỡ hoặc lotion tại vùng vú bởi sẽ không có hiệu quả, thậm chí có thể làm cho tình trạng sưng, đau núm vú trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, nếu núm vú của bạn vốn đã bị khô và nứt, hoặc nếu bạn sống ở vùng có khí hậu khô, bạn có thể sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm dành riêng cho núm vú. Nếu bạn nhận thấy rằng mình cần sử dụng những sản phẩm này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được gợi ý những sản phẩm an toàn nhất.
Kiểm soát tình trạng rỉ sữa và thường xuyên thay miếng lót ở vú
Việc này tương đối khó thực hiện, đặc biệt là nếu bạn là người thường xuyên bị rỉ sữa, nhưng hãy cố gắng giữ vú, áo ngực và miếng lót ngực của bạn luôn sạch sẽ và khô ráo. Thay áo lót sạch hàng ngày và thay bất cứ khi nào áo bị ẩm hoặc bẩn.
Nếu bạn sử dụng miếng lót ở ngực, hãy tránh sử dụng các loại miếng lót có chứa nilon hoặc sợi chống thấm nước bởi chúng sẽ khiến vú của bạn thường xuyên bị ẩm. Thay vào đó, hãy chọn loại miếng lót có thể giặt và tái sử dụng được, làm từ các loại nguyên liệu tự nhiên, hoặc, một lựa chọn khác là sử dụng miếng lót dùng một lần có độ thoáng và độ thấm hút cao.
Nhưng cho dù bạn dùng miếng lót loại nào, bạn cũng cần đảm bảo rằng bạn thay miếng lót thường xuyên. Nếu bạn để miếng lót ẩm trên da trong thời gian dài, thì đó sẽ trở thành môi trường lý tưởng để vi sinh vật phát triển. Sự phát triển của vi sinh vật và nấm có thể sẽ khiến da bạn bị nứt và dẫn đến sưng núm vú, nhiễm nấm hoặc viêm vú.
Thận trọng khi bé ngừng bú
Khi bé đã ngậm vú và bú đúng cách, thì bé sẽ tạo ra một lực hút rất lớn giữa miệng bé và vú. Do vậy, vào cuối cữ bú, bé có thể tự nhả núm vú ra hoặc vẫn ngậm núm vú trong khi đã ngủ say.
Nếu bé không tự nhả núm vú ra vào cuối cữ bú, bạn không nến cố đẩy bé ra khỏi vú của bạn. Đẩy miệng bé ra khỏi vú sau khi bú có thể khiến bé ngậm chặt hơn, làm vú và núm vú của bạn bị đau và tổn thương, đặc biệt là nếu bạn thường xuyên thực hiện việc này.
Hãy làm cho bé nhả núm vú ra, bằng cách nhẹ nhàng đặt một ngón tay vào trong miệng của bé, dùng ngón tay quấn xung quanh núm vú để tránh cọ xát vào núm vú trong khi bạn nhẹ nhàng đẩy núm vú ra khỏi miệng của bé.
Nhẹ nhàng với máy hút sữa
Cho dù bạn dùng máy hút sữa thường xuyên hoặc chỉ thỉnh thoáng mới dùng để làm giảm tình trạng căng tức vú và kích thích sữa về, thì việc dùng máy đúng cách là vô cùng quan trọng.
Phần chụp vào vú của máy có rất nhiều kích cỡ khác nhau, do vậy bạn cần lựa chọn loại đầu chụp phù hợp với mình để có thể cảm thấy thoái mái nhất khi hút sữa ra, và cũng có thể giúp bạn hút sữa đúng cách hơn. Một vấn đề khác nữa đó là để máy hút sữa ở chế độ quá mạnh. Nhiều phụ nữ tin rằng hút sữa ở tốc độ nhanh và với lực hút lớn sẽ khiến sữa ra nhiều và nhanh hơn, nhưng thực tế không phải vậy, việc này chỉ khiến bạn bị đau nhiều hơn và có thể sẽ khiến sữa ít về hơn mà thôi.
Do vậy, để phòng ngừa tình trạng đau núm vú và tổn thương vú do dùng máy hút sữa, hãy sử dụng máy hút có phần chụp phù hợp với vú của bạn và bắt đầu hút sữa với tốc độ chậm và lực hút thấp./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận