Nhiều ý kiến chia sẻ, những thanh thiếu niên khó khăn, yếu thế luôn rất cần sự đồng hành của Đoàn. Phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên phạm pháp ngoài tuyên truyền pháp luật còn đòi hỏi Đoàn cần đi sát, kịp thời hỗ trợ thanh thiếu niên tránh xa cái xấu.
Chưa kể, rất cần cộng đồng đón nhận những bạn trẻ hoàn thành án phạt, thời gian cải tạo trở về tái hòa nhập.
Chuyển đổi số trong tuyên truyền pháp luật
Phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM Trương Minh Tước Nguyên nói việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật trong đoàn viên, thanh thiếu nhi được thực hiện thường xuyên, nhiều hình thức, đổi mới nội dung và phương thức, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền pháp luật.
Dù có những kết quả khả quan, anh Nguyên cho rằng tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng diễn biến phức tạp, phản ánh hạn chế trong nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận giới trẻ.
Thực tế ấy đòi hỏi trách nhiệm của Đoàn không chỉ cần làm tốt hơn việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà còn cả việc phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên phạm tội.
Qua đó, từng bước góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tội phạm thanh thiếu niên, tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện vừa bảo vệ vừa răn đe thanh thiếu niên trước những rủi ro vi phạm pháp luật.
Phó bí thư Huyện Đoàn Củ Chi Nguyễn Thị Thanh Tâm nói cần ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả.
Chị Tâm dẫn chứng, phiên tòa giả định trực tuyến xét xử sơ thẩm vụ án hình sự vi phạm quy định về giao thông đường bộ với người chưa đủ 18 tuổi và có uống rượu bia hay vụ án cưỡng đoạt tài sản khi đưa lên fanpage Huyện Đoàn, kết nối Zalo từ huyện đến cơ sở đã có hơn 100.000 lượt thanh thiếu nhi và người dân theo dõi.
"Huyện Đoàn đã đổi mới, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, mời gọi người có ảnh hưởng đến thanh thiếu niên tham gia định hướng pháp luật. Đồng thời thực hiện các công trình, phần việc, bản tin thanh niên tại khu nhà trọ... bước đầu mang lại hiệu quả khả quan" - chị Tâm cho hay.
Trong khi đó, Phó bí thư Quận Đoàn 8 Võ Thái Dương nói việc ứng dụng chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên không gian mạng, tạo sức lan tỏa rộng rãi hơn.
Qua thực tế, Quận Đoàn 8 lưu ý các trào lưu độc hại đang lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội để kịp thời phối hợp với Công an quận xử lý, tránh lan rộng các thông tin thiếu tích cực.
Hành động để bảo vệ thanh thiếu niên
Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM Nguyễn Công Hằng cho rằng vấn đề thanh thiếu niên vi phạm pháp luật luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Nổi lên như tệ nạn buôn bán trẻ em, bạo lực gia đình để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Có những trẻ thường xuyên bị bạo hành, sống trong bạo lực gia đình nên tâm lý bất ổn, dễ bị kích động. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân phổ biến lý giải tình trạng thanh thiếu niên sa ngã vào con đường phạm pháp.
Trung tâm hiện có chuỗi hoạt động tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức cho trẻ. Trong đó chú ý con em người lao động xa quê, trẻ không có điều kiện đến trường hoặc đang học tại các trung tâm học tập cộng đồng, lớp học tình thương.
Ngoài ra, còn có nhóm thanh thiếu niên 16 - 18 tuổi chưa có việc làm và cần được hỗ trợ nghề nghiệp, trẻ tại các khu nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn hoặc vô gia cư, nhóm thanh niên từ các cơ sở cai nghiện, thanh niên hoàn lương hoặc từ các cơ sở xã hội trở về không có người thân.
Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) Huỳnh Mạnh Phương trăn trở: "Ngoài ngăn ngừa thanh thiếu niên phạm pháp, chúng ta còn phải quan tâm đến những người sau khi thi hành án trở về, hòa nhập cộng đồng, bởi cộng đồng chưa thật sự cởi mở. Phải truyền thông để cộng đồng hiểu, đón nhận những bạn trẻ này".
Còn anh Võ Thái Dương (Quận Đoàn 8) cho biết quan tâm hỗ trợ tâm lý trẻ em trong các gia đình ly hôn, giúp tránh bị dụ dỗ phạm pháp trong lúc đang tổn thương tinh thần.
Bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) Huỳnh Tuấn Khương cho rằng dù có hiệu quả nhưng tuyên truyền pháp luật của Đoàn chưa nhiều giải pháp đối với nhóm trẻ yếu thế.
"Nếu các bạn này bị lôi kéo trong môi trường xấu độc sẽ rất nguy hiểm khi lớn lên. Cần quan tâm chăm sóc tinh thần giúp các bạn vượt qua biến cố trong cuộc sống để không va vấp" - anh Khương nêu.
Rất mong sớm có luật
Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM Phạm Thị Thu Hà nêu thực trạng người vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa. Trong đó liên quan nhiều đến các vụ án ma túy, quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên, cố ý gây thương tích...
Qua phân tích, bà Thu Hà nói đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thường bỏ học, lười lao động dễ bị dụ dỗ vì đặc tính tâm lý của lứa tuổi này.
Từ đó, bà Hà nói rất mong dự thảo Luật Tư pháp cho người chưa thành niên được thông qua vì dự thảo cho thấy tính nhân văn, mang tính giáo dục hướng đến tương lai của thanh thiếu niên.
"Vai trò Đoàn thanh niên trong phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên phạm tội rất quan trọng. Quan tâm phòng ngừa từ sớm, từ xa để không vi phạm pháp luật mới là cốt lõi, còn đã lỡ vi phạm sẽ hướng đến xử lý đúng pháp luật, nhân văn" - bà Hà bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận