Các biến chứng này dẫn đến tàn phế, ảnh hưởng khả năng lao động và chất lượng sống cũng như chi phí điều trị, trở thành gánh nặng cho xã hội và mỗi bệnh nhân.
Một trong các biến chứng nặng nề có thể làm cho người bệnh bị tàn phế là vấn đề “Bàn chân đái tháo đường”. Biến chứng bàn chân là nguyên nhân nhập viện thường gặp nhất của bệnh nhân đái tháo đường. Biến chứng này cũng rất nguy hiểm từ vết loét nhiễm trùng nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng bệnh nhân hoặc gây tàn phế cho bệnh nhân. Nguy cơ đoạn chi của bệnh nhân đái tháo đường cao hơn 15 tới 46 lần so với người không bị đái tháo đường. Đại đa số những biến chứng bàn chân do đái tháo đường dẫn tới đoạn chi bắt đầu bằng loét da. Phát hiện sớm và điều trị thích hợp các vết loét có thể phòng ngừa tới 85% các trường hợp đoạn chi.
Nguyên nhân
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bàn chân đái tháo đường:
Đái tháo đường gây tổn thương hệ thần kinh ngoại biên nên có thể làm bệnh nhân không cảm nhận được các tổn thương, vết đứt, vết thương. Ngoài ra, tổn thương thần kinh dẫn đến hình thành những cục chai ở lòng bàn chân do thay đổi áp lực trên bàn chân. Những cục chai này có thể bị loét và rất lâu lành.
Đái tháo đường cũng gây biến chứng trên mạch máu ngoại biên làm thiếu máu nuôi bàn chân và gây hoại tử.
Cuối cùng, bản thân bệnh đái tháo đường làm sức đề kháng cơ thể giảm và làm nhiễm trùng ở chân khó lành.
Các tổn thương có thể gặp phải
Các tổn thương bàn chân điển hình bao gồm 6 tổn thương:
- Đau bàn chân và chân: có thể liên quan tới bệnh lý thần kinh hoặc tổn hại mạch máu. Dấu hiệu sớm của tổn thương thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường là sự giảm cảm giác, chủ yếu ở bàn chân nhưng có thể lan lên cẳng chân. Tê bì, cảm giác như kiến bò ở bàn và ngón chân. Đau nóng rát hai bàn chân, nhất là gan bàn chân, đau tăng về đêm khiến bệnh nhân bị mất ngủ. Đau có thể xuất hiện từng đợt hoặc kéo dài.
- Đau liên quan đến mạch máu xảy ra khi dòng máu không đáp ứng đủ nhu cầu trao đổi chất của cơ bắp hoạt động. Biểu hiện là triệu chứng “đau cách hồi” - đau khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi và đặc biệt cơn đau xuất hiện rõ khi leo dốc. Biến đổi ngoài da: da khô, bong da hoặc nứt nẻ; nguyên nhân là do dây thần kinh điều khiển các hoạt động làm ẩm da đã bị tổn thương.
- Chai chân: hình thành nhiều và nhanh ở bệnh nhân đái tháo đường do tăng áp lực ở gan bàn chân. Các chai chân cũng thường gặp ở người bình thường nên các bệnh nhân thường chủ quan và ít để ý triệu chứng này. Chính vì thế các chai này có điều kiện phát triển nhiều hơn, trở thành nứt, loét và hình thành các ổ nhiễm trùng.
- Biến dạng bàn chân: do biến chứng thần kinh nên bàn chân bị mất cảm giác, khi đứng người bệnh không điều khiển được tư thế bàn chân nên những vị trí chịu áp lực nhiều sẽ có những biến đổi về cơ, da và kéo theo biến đổi về khớp. Hậu quả là bàn chân bị biến dạng và rất dễ bị loét ở những chỗ phải chịu áp lực cao.
- Loét chân: các vết loét thường bắt đầu là những vết xước hoặc phồng da rất nhỏ nhưng do không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách nên đã bị nhiễm trùng, tiếp sau đó nhiễm trùng lan càng ngày càng rộng ra toàn bộ bàn chân. Đến lúc này thì mọi biện pháp điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc cắt lọc đều không hiệu quả. Vì vậy, các bệnh nhân đái tháo đường nên báo ngay cho bác sĩ khi có bất cứ biểu hiện bất thường nào ở bàn chân.
- Cắt cụt chân: khác với người bình thường, các vết loét ở bệnh nhân đái tháo đường rất khó liền vì ít khi được cung cấp đủ máu, vì vậy vùng tổn thương vừa không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và oxy, vừa không có nhiều các tế bào bạch cầu để tấn công vi khuẩn và dọn dẹp các tế bào chết kịp thời. Mặt khác, đường máu cao lại ức chế hoạt động của bạch cầu, làm giảm hiệu quả của phản ứng viêm chống nhiễm khuẩn. Do đó các vết thương rất dễ bị nhiễm trùng lan rộng, dẫn đến phải cắt cụt. Đặc biệt là các đoạn động mạch có thể bị tắc hẹp ở cẳng chân hoặc cao hơn như là đùi nên một số trường hợp tuy chỉ nhiễm trùng bàn chân nhưng lại phải cắt cụt đến trên gối.
Ngăn ngừa biến chứng
Để giảm nguy cơ bị loét bàn chân do đái tháo đường: các biện pháp ngăn ngừa biến chứng chung như chế độ dinh dưỡng hợp lý, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ.
Nên đến bác sĩ kiểm tra bàn chân khi: nguy cơ loét chân thấp (cảm giác bình thường, mạch sờ được) - kiểm tra hàng năm; nguy cơ loét chân tăng (có tổn thương thần kinh hoặc không sờ được mạch hoặc yếu tố nguy cơ khác) - kiểm tra 3-6 tháng; nguy cơ loét chân cao (có tổn thương thần kinh hoặc không sờ được mạch kèm theo biến dạng hoặc thay đổi da hoặc loét trước đó).
Chăm sóc bàn chân rất quan trọng: rửa chân hàng ngày, lau khô giữa các ngón chân thật kỹ trước khi đưa giày và vớ. Không mặc vớ quá chặt. Chọn giày thích hợp. Nên kiểm tra chân hàng ngày tìm kiếm các vết loét mà bạn có thể không cảm thấy. Bệnh nhân đái tháo đường cần cắt móng ngang và dũa nhẹ nhàng, tránh cắt khóe chân. Không được đi chân không, dù là đi trong nhà. Tránh hút thuốc. Tập thể dục hàng ngày, với sự chấp thuận của bác sĩ, để cải thiện dòng chảy máu và đường huyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận