23/03/2015 10:37 GMT+7

​Phỏng mắt do hóa chất, do nhiệt

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Phỏng mắt do hóa chất, do nhiệt có thể phòng tránh nhưng nhiều người còn chủ quan dẫn đến mắt bị giảm thị lực, thậm chí bị mù.

Điều dưỡng rửa mắt cho một bệnh nhân bị phỏng mắt do vôi - Ảnh: L.TH.H.

Theo khoa chấn thương Bệnh viện Mắt TP.HCM, từ ngày 1-11-2014 đến 31-1-2015, khoa này nhận điều trị 29 bệnh nhân bị phỏng mắt do hóa chất, do nhiệt. Bình quân mỗi tháng có tám bệnh nhân. Tuy nhiên chỉ 14 ngày đầu tháng 3-2015, khoa đã tiếp nhận tám bệnh nhân bị phỏng mắt.

Một phút sơ ý

Một trong những bệnh nhân bị phỏng mắt nặng do vôi văng trúng là bà D.T.H. (55 tuổi, Đắk Nông). Ngày 16-3, tại khoa chấn thương, bà H. kể gần một tuần trước khi bà bật máy phun vôi pha nước lên cây cà phê thì ống phun bị nghẹt, bung ra làm vôi phụt vào mắt phải của bà.

Nên đeo kính bảo hộ

Đa số tình huống phỏng mắt xảy ra do người lao động không đeo kính bảo hộ khi làm việc do chủ quan, nghĩ rằng tai nạn phỏng mắt chỉ xảy ra ở đâu đó chứ không thể xảy ra với mình.

Để phòng bị phỏng mắt do hóa chất, do nhiệt quan trọng nhất là phải đeo kính bảo hộ mắt.

Ngay lập tức bà thấy mắt cay sè, đau nhức, sưng nề và mờ hẳn nên đi khám bệnh ngay. Bác sĩ ở tỉnh thấy trong mắt bà có nhiều hạt vôi nhỏ nên đã khuyên đến Bệnh viện Mắt TP.HCM điều trị.

Tại Bệnh viện Mắt TP, bà H. được chẩn đoán phỏng kết mạc, giác mạc độ IV, mắt phải chỉ nhìn thấy bóng bàn tay mờ mờ. Bác sĩ đã điều trị cắt lọc tổ chức hoại tử, ghép kết mạc và phủ màng ối vào mắt cho bà.

Tương tự, ngày 14-3 trong lúc pha thuốc diệt cỏ paraquat, anh Đ.L.H. (31 tuổi, Tiền Giang) đã sơ ý đổ thuốc diệt cỏ vào nước hơi mạnh tay khiến thuốc văng trúng mắt gây phỏng. Khi mới bị thuốc văng vào mắt, anh H. chỉ thấy hơi cay mắt và đã đi khám ở phòng mạch một bác sĩ chuyên khoa mắt ở Tiền Giang.

Nhưng chỉ sau một đêm, ngủ dậy anh thấy mắt mờ hẳn nên vội lên Bệnh viện Mắt TP khám ngay. Hiện thị lực bên mắt bị phỏng thuốc diệt cỏ chỉ còn 2/10.

Trường hợp ông P.T.S. (41 tuổi, Đồng Nai) bị phỏng cả hai mắt do thuốc tẩy văng trúng. Ngày 16-3, ông S. nói trước đó hai tháng trong lúc đổ thuốc tẩy vào bình (bằng cao su), bất ngờ bình bị phình lên rồi nổ bục ra, làm thuốc tẩy văng vào hai mắt.

Ông S. đã được bác sĩ cho dẫn lưu mắt, rửa tiền phòng, ghép màng ối lần đầu và lần này đến ghép màng ối lần hai. Hiện mắt phải của ông S. chỉ nhìn thấy bóng người mờ mờ, mắt trái thị lực còn 7/10.

Để cứu được mắt phải, ông S. sẽ phải điều trị nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm sau. Nếu ghép giác mạc, ông phải “theo” bác sĩ suốt đời để theo dõi tình trạng thải ghép sau ghép giác mạc.

Đa dạng nguyên nhân

Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh - phó trưởng khoa chấn thương - cho biết bệnh nhân bị phỏng mắt do nhiệt và do hóa chất gặp nhiều nhất. Phỏng do nhiệt (do nguyên nhân cháy) hay gặp như phỏng xăng, phỏng cồn, thép lỏng văng vào mắt khi nấu sắt, phỏng do té úp mặt vào pô xe máy. Còn phỏng do hóa chất có hai nhóm chính là phỏng do axit và do chất kiềm.

Phỏng do axit thường gặp ở người làm nghề sạc bình ăcquy hoặc người dùng bình ăcquy để thắp sáng ghe, tàu. Tai nạn thường xảy ra do khi sạc bình ăcquy nóng quá phát nổ làm văng axit trong bình vào mắt. Phỏng mắt do nguyên nhân này gặp khá nhiều.

Riêng phỏng mắt do kiềm lại thường gặp ở thợ hồ, bị ximăng hoặc vôi văng trúng mắt khi pha trộn, quét tường. Ngoài ra, nhiều người còn bị phỏng mắt do hóa chất dùng để xử lý kim loại, xử lý sạch bề mặt hoặc hóa chất tẩy rửa bắn trúng mắt.

Đặc biệt, trong nông nghiệp người dân thường sử dụng vôi để xử lý đất, sâu rầy, nước vuông tôm, làm giá...nên nhiều người bị phỏng mắt do vôi văng trúng trong lúc làm việc. Một số bệnh nhân khác làm nghề hàn xì lại bị phỏng mắt do đất đèn phát nổ và làm khí acetylen văng vào mắt.

Một số người làm nghề uốn tóc, làm móng tay bị phỏng mắt do amoniac hoặc acetone văng trúng mắt khi uốn tóc hay tẩy rửa móng cho khách hàng.

Bác sĩ Thịnh cho biết khi bị phỏng mắt, tùy nguyên nhân và độ đậm đặc của hóa chất mà người bệnh bị phỏng nặng hay nhẹ. Có bệnh nhân sau khi bị phỏng, mắt gần như mất thị lực hoàn toàn, chỉ nhìn thấy mờ mờ ở khoảng cách dưới 1m.

Có người phải múc bỏ mắt vì hóa chất làm rã, chết các tổ chức trong nhãn cầu. Không chỉ phỏng nhãn cầu, bệnh nhân còn thường bị phỏng mi mắt, phỏng kết mạc.

Khi mi mắt, kết mạc bị phỏng sẽ gây nhiều biến chứng như dính mi cầu (con mắt dính chặt vào mi làm bệnh nhân không mở mắt ra được, bị quặm mi rất khó chịu...).

Khi bị phỏng mắt do hóa chất, bác sĩ Thịnh khuyên quan trọng nhất là phải lấy hết chất gây phỏng ra. Nếu phỏng do axit, dung dịch kiềm bệnh nhân phải được rửa mắt càng sớm càng tốt, thời gian rửa mắt ít nhất 30 phút trở lên.

Lúc bị phỏng mắt, bệnh nhân cần được rửa mắt ngay bằng dung dịch nước biển, nước đun sôi để nguội hoặc nước máy sạch.

Sau đó chuyển bệnh nhân tới cơ sở chuyên khoa mắt điều trị. Một số hóa chất khi mới bắn vào mắt gây phỏng ít nhưng do tính chất ngấm sâu của hóa chất (nhất là kiềm), càng về sau độ phỏng càng nặng.

Do vậy, nếu ngay từ đầu bệnh nhân được xử lý tình trạng phỏng đúng cách thì tình trạng tổn thương mắt sẽ đỡ hơn rất nhiều.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp