Theo ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, mức chế tài vi phạm của phòng khám đã được áp dụng theo quy định.
Cụ thể phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng với một trong các hành vi như: khám chữa bệnh trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hành nghề; khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn... Hình thức xử phạt bổ sung cũng chỉ tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 22 - 24 tháng.
Tuy nhiên, theo ông Thượng, mức phạt cần phải nghiêm hơn nữa. Đặc biệt với những người cố tình lợi dụng việc khám sức khỏe để vụ lợi càng phải xử nghiêm như tước chứng chỉ hành nghề hoặc rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn mới đủ sức răn đe.
Ngành y tế đã kiến nghị Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh.
Đồng thời cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám chữa bệnh.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý hành nghề khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn. Phòng y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.
Địa phương phải chịu trách nhiệm
Mới đây, ngành y tế TP.HCM đã xây dựng bảng điểm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ về hoạt động chăm sóc sức khỏe của địa phương. Theo đó, yêu cầu các địa phương phải đảm bảo được tất cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tuân thủ quy định của pháp luật.
Các quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không phát hiện kịp thời cơ sở y dược tư nhân hoạt động không phép hoặc để phòng khám tư nhân bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn hoạt động lén lút.
Sai phạm lồ lộ, sao chưa dẹp nổi?
Bệnh nhân thường biết đến các phòng khám kiểu "moi tiền" này qua các kênh quảng cáo trên mạng, trên đài ở khắp các tỉnh thành. Bệnh nhân ở xa không nắm rõ thông tin đã đành, mắc bệnh khó nói nên phải chịu mất tiền, cơ quan quản lý y tế địa phương cũng không biết họ đang "chặt chém" bệnh nhân ra sao! Có phải vì quản lý không xuể hay còn nguyên nhân nào khác?
Dù nguyên nhân nào cũng không thể để chuyện này tồn tại qua nhiều năm như vậy? Cưỡng ép moi tiền trắng trợn sao có thể "sống khỏe" như vậy? Tôi mong ngành y tế sẽ có tổng kiểm tra, xử phạt và công khai thông tin trên báo để bà con xa gần được biết. Không để bệnh nhân ấm ức khi buộc phải trả tiền khi còn nằm trên giường bệnh, thậm chí không có bệnh cũng phải mất tiền oan uổng.
Cần siết lại việc cấp phép mở mới các phòng khám kiểu này ở khắp các tỉnh thành, ngăn tình trạng đóng cửa nơi này họ mở nơi khác và tiếp tục moi tiền người bệnh. Không thể dung dưỡng thêm nữa kiểu ăn tiền trắng trợn, dã man, coi thường pháp luật theo cách này.
Cần "kê thuốc" mạnh hơn
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online vô cùng phẫn nộ trước tình trạng phòng khám "vẽ bệnh moi tiền", mới nhất là phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Y học Sài Gòn (số 153-155 Nguyễn Văn Cừ, phường 2, quận 5, TP.HCM) ép người bệnh ký gói phá thai 29 triệu đồng và phải chuyển khoản ngay trên giường bệnh.
Suýt rơi vào bẫy của phòng khám "vẽ bệnh moi tiền", bạn đọc Thanh Hiếu kể lại: "Tôi đưa vợ đến khám thai ở một phòng khám tư tại TP.HCM. Họ đo tim thai và nói phát sinh nhiều vấn đề (tim thai yếu, loạn nhịp, không đều...) và kê rất nhiều loại thuốc bổ bắt phải mua tại phòng khám khiến vợ tôi hoang mang. Nghi ngờ họ vẽ bệnh nên tôi đã lấy cớ không đủ tiền, tìm cách "hoãn binh".
Ngay sau đó, tôi đưa vợ đến một bệnh viện phụ sản uy tín để kiểm tra lại thì bác sĩ nói bình thường, mọi thứ đều ổn".
Bạn đọc Huy Hoàng bức xúc: "Chuyện này không hề mới. Bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh theo quảng cáo nên có người thân đi theo để có thể xử lý tình huống, báo cơ quan quản lý y tế chẳng hạn".
"Hành vi vi phạm của các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài xảy ra thường xuyên, phải rút giấy phép vĩnh viễn, chứ xử phạt vài tháng chưa đủ răn đe", bạn đọc Trung Quang đề nghị.
Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Viết Lập có ý kiến: "Chỉ phạt hành chính thì quá nhẹ. Cần có quy định để truy trách nhiệm chủ cơ sở, tước giấy phép hành nghề của các nhân viên làm bậy, trục xuất người nước ngoài có hành vi sai phạm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận