29/07/2021 09:37 GMT+7

Phòng hồi sức cấp cứu đột quỵ giữa mùa COVID-19: 'Có gì chị cứ gọi bác sĩ nhé, đừng lo'

Đ.N.
Đ.N.

TTO - Đêm đầu tiên khi chồng tôi co giật, một nữ bác sĩ giọng rất dịu dàng động viên tôi: 'Bệnh nhân nằm đây, ngay trước phòng các bác sĩ nên nếu có bất cứ vấn đề gì, chị cứ gọi nhé, đừng lo lắng quá!'...

5 ngày trước, một buổi sáng trong mùa cách ly đặc biệt, chồng chị Đ.N. ở TP.HCM đột ngột bị đột quỵ. 5 ngày ở bệnh viện (Bệnh viện nhân dân 115) giữa mùa COVID-19 là 5 ngày đặc biệt, nhiều trải nghiệm, âu lo, nhưng ở đó có cả tình yêu và hy vọng... Dưới đây là những dòng chia sẻ của chị về những ngày khó quên ấy.

Phòng hồi sức cấp cứu.

Hầu hết là ca bệnh nặng, 80% là người cao tuổi, một số trẻ tuổi, liệt nửa người, hôn mê. Phần lớn nằm bất động, tất cả đều mặc bỉm, tiểu tiện đại tiện đều trên giường, chủ động hay vô thức. Người chăm bệnh rất vất vả, phải canh chừng người bệnh, cho uống thuốc, ăn uống chút chút khi tỉnh, lau rửa vệ sinh cơ thể, đổ bô…

Có những người vợ toát mồ hôi mới "vần" được anh chồng trở mình để thay bỉm, lau phần cơ thể dán vào giường hay lở loét vì mồ hôi, nằm một tư thế lâu…

Có bệnh nhân nói sảng, thỉnh thoảng lại vung tay đá chân, chằn lắc mình dữ dội, chị vợ phải trói chân tay chồng vào thành giường để anh không "tăng động".

Lo từng miếng ăn, ngụm nước, viên thuốc, canh từng cơn đau, hơi thở… mỗi thân nhân bệnh nhân như một chiến binh. Mỗi người vợ phải khỏe cho cả chồng, kiên cường đương đầu bên chồng, người thân để giành lại sự sống cho họ.

Mỗi ngày chỉ ngủ được hai ba tiếng, động viên người bệnh mạnh mẽ lên, nhưng chính họ sau đó phải quay mặt đi để người bệnh không nhìn thấy nước mắt mình rơi.

- Anh ơi, nhìn em nè. Anh có nghe em nói không?

Người vợ chừng 50 tuổi lay cánh tay chồng hỏi đi hỏi lại. Anh chồng chớp một bên mắt, cố gật đầu ra hiệu anh nghe. Anh nằm ngửa, cả ngày một tư thế, ngủ mê mệt hầu hết thời gian, bác sĩ nói đó là hệ quả anh bị chảy máu não rất nhiều.

Anh bị liệt nửa người bên phải, chỉ nhúc nhích được cánh tay và chân trái. Bác sĩ đã nói thẳng với chị rằng tình trạng của chồng chị khó cải thiện tốt hơn, vì anh xuất huyết não nhiều. Có thể sau này anh sẽ gắn chặt với chiếc giường hoặc xe lăn.

Chị cố trấn tĩnh: "Miễn là ảnh còn sống, ảnh còn có em". Nói vậy mà lúc sau tôi thấy chị lén quẹt nước mắt vào tay áo.

Có người vợ tuổi 30 mang bầu đến tháng thứ 9, chỉ còn 2 tuần đến ngày sinh đứa con thứ ba thì phải theo chồng vào bệnh viện. Nhìn cô bụng vượt mặt, nặng nề đi lại mà thoăn thoắt hết việc nọ đến việc kia để chăm chồng, kể cả "vần", lôi kéo anh chồng lúc lau rửa mình, cho ăn, thay tã..., cả phòng chỉ sợ cô sinh em bé luôn trong bệnh viện.

Có hai chàng trai trẻ chăm mẹ tuổi 70, bà ngoại tuổi 80 bị tai biến, hôn mê. Ai cũng xuýt xoa khen ngợi sự chu đáo, nhẹ nhàng, thương yêu của họ dành cho mẹ và bà mình, không ngại vất vả, dơ bẩn.

Ngày mới nơi đây bắt đầu từ 5h sáng, mọi người thức giấc, đánh răng, làm vệ sinh cho bệnh nhân, cho ăn.

Có bà hớn hở cầm tô cháo đến khoe từng giường: "Chồng em ăn được rồi. Ảnh ăn gần hết rồi nè". Góc khác có bà động viên chồng: "Anh ỉa đi anh, không đi được hả"? (xin lỗi dùng nguyên văn). Tôi không nén được, vô duyên cười ha ha làm cả phòng cũng cười theo.

Anh chàng vệ sĩ mới ra khỏi cơn mê 1 ngày, liệt nửa người, giọng đớt khó nghe chọc ông giường bên: "Tui thấy anh ị ngon mà tui thèm".

Đó là những giây phút vui vẻ hồn nhiên hiếm hoi sau những ngày lo âu căng thẳng. Giờ các ông chồng như những đứa con của vợ: choàng khăn uống sữa khỏi rơi rớt nào, ăn cháo nghe, thay bỉm nha…

Sau 4 ngày nằm bất động, sáng nọ ông kia tự nhiên dõng dạc: "Trâu ơi ta bảo trâu này". Cả phòng ồ lên, kìa ổng gọi bà đó. Giờ bà là con trâu là đúng rồi.

Sáng bữa kia, một cụ ông được đưa vào phòng. Nghe nói ông ở khu bị phong tỏa, con cái đi cách ly hết, bị đột quỵ, công an địa phương phải đưa ông vào bệnh viện cấp cứu.

Ông nằm hôn mê thoi thóp ở cuối phòng, không người thân cận kề. Cũng không ai dám lại gần ông, dù hằng ngày mọi người luôn đỡ đần, giúp nhau, phụ đẩy băng ca, ngó chừng chồng giùm nhau… Có lẽ vì ông tới từ khu phong tỏa và đang bệnh rất nặng.

Một ông khập khiễng, ngày nào cũng lang thang khu hành lang xin tiền mua thức ăn, thanh toán viện phí. Ông nói không vợ, không người thân theo vô viện chăm nom nên ông cực lắm. Ông đã qua được cửa tử, nhưng hết tiền, thiếu ăn.

Chúng tôi mỗi người cho ông một hai trăm để ông mua đồ ăn, cầm cự. Tôi cho ông cái quần short của chồng tôi khi thấy mấy ngày ông chỉ mặc một cái quần lửng rách mông. Trông tướng ông cao ráo, vẻ ngoài không hề lam lũ.

Run rủi nào đó trong hoàn cảnh này, chồng tôi cũng có thể là ông. Trong hoàn cảnh này, chúng ta phải sống sót đã. Vậy cho nên khi cô bụng bầu 9 tháng xin tôi ly mì tôm cho chồng ăn sáng, tôi đã cho, dù cũng có liếc nhìn mình còn mấy ly trong túi kia.

Đó là hai ngày đầu chúng tôi vội đến bệnh viện để chạy đua với "giờ vàng" cấp cứu đột quỵ nên thiếu thốn nhiều thứ. Rất may, Bệnh viện 115 còn có căngtin, đẩy xe đồ ăn di động phục vụ các tầng nhà của khoa. Đồ ăn không có gì phải phàn nàn, nhất là trong cảnh ngặt nghèo này.

Các bác sĩ rất vất vả, quá tải, nhiều nguy cơ lây bệnh. Họ cũng là cha mẹ, có con cái, họ đang phải ngày đêm nỗ lực cứu người.

Đêm đầu tiên khi chồng tôi co giật, một nữ bác sĩ giọng rất dịu dàng động viên tôi: "Bệnh nhân nằm đây, ngay trước phòng các bác sĩ nên nếu có bất cứ vấn đề gì, chị cứ gọi nhé, đừng lo lắng quá!".

Đôi khi ta yên tâm, vững tin hơn chỉ với một lời nói nhẹ nhàng cảm thông, giữa tiếng rên mê sảng của các bệnh nhân và tiếng còi xe cấp cứu ám ảnh ngoài kia.

Và giờ đây, chúng tôi đã rời bệnh viện về nhà. Những ngày ở bệnh viện, có lúc chồng tôi khóc, anh sợ là anh sẽ ra đi, lo không kịp nuôi cu út học hết đại học. Tôi "quát": Toàn nói xui không à, đừng có đào ngũ sớm vậy chứ. 

Phải sống, phải trở về nuôi Leo học hết đại học và làm cho mẹ một ngôi nhà nhỏ xinh dưới chân đồi...

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Người dân TP.HCM muốn đi cấp cứu bằng taxi gọi vào đâu? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Người dân TP.HCM muốn đi cấp cứu bằng taxi gọi vào đâu?

TTO - Trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân lo lắng việc đi lại sẽ khó khăn. Đặc biệt, trường hợp nhà có người bệnh nặng thì di chuyển đến bệnh viện cấp cứu bằng phương tiện gì?

Đ.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp