16/04/2018 15:52 GMT+7

Phòng chống vắt hút máu và ký sinh gây bệnh

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Khi hút máu, tuyến nước bọt ở quanh miệng của vắt tiết ra chất chống đông máu hirudin chảy vào chỗ hút máu làm cho máu không đông được.

Phòng chống vắt hút máu và ký sinh gây bệnh - Ảnh 1.

Vắt trú ẩn dưới lá cây. Ảnh: diadiemdulich.com

Vào mùa mưa hoặc trong mùa hè có những cơn mưa giông, nếu đi vào vùng rừng núi có loài vắt hoạt động, con người dễ bị chúng tấn công và hút máu. Một số trường hợp vắt có thể ký sinh ở hốc mũi, khí quản... để gây triệu chứng bệnh lý.

Vắt là sinh vật tương cận của loài đĩa, chúng thuộc lớp Hirudinea, ngành giun đốt Annelida. Khi hút máu, tuyến nước bọt ở quanh miệng của chúng tiết ra chất chống đông máu hirudin chảy vào chỗ hút máu làm cho máu không đông được và cứ tiếp tục chảy máu; đồng thời có thể bám ký sinh ở một số cơ quan trong cơ thể để gây triệu chứng bệnh lý.

Vắt sống ở đất, kích thước dài khoảng từ 2 đến 4 cm khi ở trạng thái nghỉ. Chúng có 5 chi gồm khoảng 15 loài phân bố ở nhiều nơi khác nhau trong những khu vực ẩm ướt vùng nhiệt đới thuộc châu Á, Đông Nam Á, châu Phi, Nam Mỹ...

Vắt sống ở đất rất đói máu, chúng thường ẩn núp trong các hốc đá, dưới lá cây, dòng suối... Khi người hoặc các loại động vật đi qua, vắt búng nhảy và bám vào để hút máu. Vết hút máu trên da thường không đau nhưng gây chảy máu kéo dài, có thể làm nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi chúng chui vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa...

Các nhà khoa học đã khảo sát và thông báo loài vắt Dinobdella ferox còn non thường chui vào hút máu và ký sinh ở mũi người ở tỉnh Quý Châu, Vân Nam tại Trung Quốc; loài vắt này cũng gặp khá phổ biến ở Ấn Độ, Miến Điện, Nam Trung Quốc... Đây là loại sinh vật gây hại lớn cho gia súc nuôi và động vật hoang dại. Vắt tấn công người khi người tiếp xúc với nơi trú ẩn của chúng. Vắt Dinobdella ferox sống ở khe núi, kẽ đá, bờ giếng, chỗ ẩm ướt... nơi mà thường xuyên có trâu, bò, ngựa và những động vật khác sinh hoạt, đi qua.

Nang trứng của vắt đẻ ở trong bùn, sau đó nở ra con cỡ nhỏ. Nếu người hoặc các loại động vật tiếp xúc với nơi trú ẩn của chúng, vắt sẽ tấn công hút máu; có khi chui cả vào miệng, mũi, khí quản của người và các loại động vật. Vắt sẽ phát triển và lớn nhanh tại những nơi chúng hút máu và ký sinh.

Khi bị vắt bám hút máu, phải tìm mọi cách lấy bỏ vắt ra khỏi nơi chúng bám vào bằng nước muối, rượu cồn nhỏ vào nơi vắt bám. Nếu nơi vắt bám hút máu còn tiếp tục chảy máu có thể dùng bút điện để cầm máu. Sau đó rửa sạch vết thương bằng thuốc sát trùng và băng chặt lại.

Biện pháp phòng chống vắt bám hút máu tốt nhất là dùng các dụng cụ, trang bị bảo hộ khi phải tiếp xúc ở những nơi có loài vắt hoạt động. Dùng loại hóa chất DMP (dimethylphtalate) bôi lên da để xua đuổi vắt. Có thể dùng M-1960 gồm 3 thành phần butilacetanilid, 2 butyl-2 ethyl-3 propanediol và benzyl benzoate với hàm lượng bằng nhau trộn lại hoặc M-1960 kết hợp với 10% Tween 80 dùng để ngâm tẩm vào quần áo sẽ có tác dụng chống vắt tấn công, xâm nhập vào người để hút máu.

Đã có nhiều thông tin vắt hút máu người và ký sinh gây bệnh tại hốc mũi, khí quản... ở một số bệnh nhân tại các địa phương. Vì vậy mọi người cần quan tâm để chủ động phòng ngừa vắt tấn công hút máu và gây bệnh khi hoạt động ở những nơi có loài vắt trú ẩn.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp