15/03/2016 09:15 GMT+7

Phòng chống hạn mặn, giải pháp nào?

XUÂN LONG thực hiện
XUÂN LONG thực hiện

TT - Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Khanh - phó vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) - nói:

Nông dân xã Xà Phiên (Long Mỹ, Hậu Giang) đắp đập ngăn nước mặn - Ảnh: Chí Quốc
Nông dân xã Xà Phiên (Long Mỹ, Hậu Giang) đắp đập ngăn nước mặn - Ảnh: Chí Quốc

 

- Dự báo trong thời gian tới, tại đồng bằng sông Cửu Long mặn tiếp tục xâm nhập, khả năng kéo dài đến đầu mùa mưa ở khoảng cuối tháng 5-2016.

Đáng nói là tại các vùng cách biển đến 45km, nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông. Các vùng cách biển từ 45-65km cũng có khả năng bị mặn cao.

Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6-2016.

* Cụ thể, sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng ra sao trước tình hình xâm nhập mặn kéo dài?

- Ảnh hưởng rất lớn, rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ nhất, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đến nay rất nhiều tỉnh ven biển Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau có nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại.

Tính đến nay, tổng diện tích thiệt hại lên tới gần 160.000ha. Riêng diện tích lúa đông xuân bị ảnh hưởng của hạn hán dự kiến khoảng 40.000ha.

Đối với vụ hè thu 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6-2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ.

* Theo ông, cần phải có những giải pháp khẩn cấp nào để ứng phó với những tác động xâm nhập mặn hiện nay?

- Việc ứng phó đang được triển khai rất khẩn trương, với nhiều giải pháp. Tôi cho rằng việc đầu tiên cần quan tâm là tiếp tục tổ chức tốt công tác giám sát, dự báo mặn và nguồn nước trong khu vực, trên các lưu vực sông.

Thứ hai, phải tăng cường tuyên truyền, thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến các đơn vị và người dân để chủ động phòng tránh, đồng thời có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với phía các địa phương, trước hết là điều chỉnh lịch thời vụ để tránh hạn mặn, khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn, mặn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Kế đến, chủ động ứng trước vốn dự phòng để triển khai đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng tại các khu vực thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Cuối cùng, tổ chức vận hành hợp lý các hệ thống công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước ngọt.

Với vai trò cơ quan tham mưu, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT để kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Đề xuất mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ kinh phí.

Ngoài các nội dung đang được hỗ trợ là tiền điện, dầu bơm nước, nạo vét cửa lấy nước và hệ thống kênh trục vượt định mức thì cũng cần phải hỗ trợ kinh phí xây dựng đập tạm trữ nước, ngăn mặn, đào ao, giếng, hỗ trợ giống cây trồng để khôi phục sản xuất những vùng phải dừng sản xuất do không đủ nguồn nước.

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

* Còn về lâu dài cần những nhóm giải pháp tổng thể, chiến lược nào để phòng chống xâm nhập mặn?

- Đối với phát triển đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cần phải có nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội sao cho thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là với tình hình khan hiếm nguồn nước và xâm nhập mặn vào sâu với nồng độ cao.

Trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh, các địa phương trong khu vực, các ngành cần rà soát các quy hoạch chuyên ngành, từ quy hoạch sản xuất, quy hoạch thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng hạn hán, xâm nhập mặn.

Đối với công tác thủy lợi, chúng ta cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chuyên ngành để phục vụ cho chỉ đạo, điều hành vận hành các hệ thống công trình thủy lợi. Tăng cường việc trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về khai thác, sử dụng nước với các nước tiểu vùng sông Mekong để chủ động hơn trong các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Lỗi không chỉ mỗi... ông trời

Kỹ sư Nguyễn Văn Tăng (chuyên gia thủy lợi, giám đốc Công ty Sông Cầu, TP.HCM) lý giải về tình trạng nước mặn xâm nhập quá sâu vào đất liền trong mùa khô năm 2016: “Vùng thượng lưu sông Mekong năm nay ít các cơn bão nhiệt đới nên mưa ít, lượng nước về không nhiều như mọi năm.

Cả hai hồ thủy điện lớn nhất là Nọa Trát Độ và Tiểu Loan trên sông Lan Thương (sông Mekong thuộc Trung Quốc) với tổng dung tích hữu ích tới 22 tỉ mét khối mới hoàn thành. Với lượng nước bị giữ lại quá lớn nên có khả năng làm giảm lượng nước trên sông Mekong”.

Ông Tăng không hoàn toàn đồng tình với quan điểm đổ lỗi cho trời mà đặt nghi vấn về khả năng do công tác vận hành các cống, đê ngăn mặn không ổn.

Ông nói: “Những năm qua một số hạng mục công trình thuộc dự án ngăn mặn như cống, đê ngăn mặn được chuyển đổi để phục vụ nuôi tôm, cho nước mặn vào trong đồng ruộng nhiều nhưng việc quản lý vận hành bị sao nhãng. Các thiết bị đóng mở hoạt động không tốt, một số đê bị vỡ... nên nước mặn xâm nhập sâu trong đồng”.

Theo ông Tăng, hiện tại có rất nhiều công trình “ngọt hóa” để giải quyết bài toán cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương ven biển từ TP.HCM đến Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. Bản chất các công trình này là ngăn mặn, dẫn nước ngọt, đê bao...

Ước tính có tới vài ba trăm cống ngăn mặn, hàng trăm ngàn mét đê bao, hàng trăm kilômet kênh dẫn ngọt được xây dựng. “Quan trọng là phải kiểm tra việc vận hành các dự án ngọt hóa; sửa chữa, nâng cấp các công trình cũ kỹ, lạc hậu”- ông Tăng nói.

Về chuyện TP Rạch Giá và các huyện ven biển ở Kiên Giang thường xuyên bị thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Tăng phản biện: “Vùng này không thiếu nước ngọt. Tôi thấy thiên nhiên ưu đãi cho TP Rạch Giá nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung một nguồn nước ngọt rất dồi dào từ phía sông Hậu. Có thể nói nguồn cấp nước ngọt này rất gần và rất rẻ”.

Ông Tăng nói tiếp: “Việc cần làm bây giờ là đầu tư nghiên cứu, lập và thực hiện các dự án tạo nguồn để khai thác nguồn nước quý giá cho TP Rạch Giá và các vùng lân cận. Cứ kêu thiếu nước hoài là không đúng”.

Riêng về cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, ông Tăng cho biết Bộ NN&PTNT đã đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn ven biển Tây, từ cống Cầu số 2 đến cống Ba Hòn; đồng thời nạo vét và đào thêm các kênh thuộc tứ giác Long Xuyên hút ngọt ra sát biển Tây.

Nếu vận hành tốt các công trình này, sẽ không quá lo việc nước mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng từ phía trong kênh Rạch Giá - Hà Tiên đến sông Hậu.

Đối với các tỉnh khác cũng vậy, sông Tiền và sông Hậu có nguồn nước ngọt rất lớn, vấn đề là các địa phương làm gì để không lãng phí.

V.TRƯỜNG

XUÂN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp