27/07/2020 06:45 GMT+7

Phòng chống COVID-19 lây nhiễm cộng đồng: Nhiều biện pháp lần đầu áp dụng

LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG - V.HÙNG
LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG - V.HÙNG

TTO - Khác hẳn với các bệnh nhân COVID-19 lây từ cộng đồng trong giai đoạn trước hầu hết đều tìm được nguồn lây ban đầu, cả 4 bệnh nhân vừa được ghi nhận trong hai ngày 25 và 26-7 đều không rõ nguồn lây.

Phòng chống COVID-19 lây nhiễm cộng đồng: Nhiều biện pháp lần đầu áp dụng - Ảnh 1.

Y bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận vận chuyển hàng tiếp tế cho bệnh nhân tối 26-7 - Ảnh: TẤN LỰC

Hiện không rõ lây từ đâu, nguồn lây trong hay ngoài nước… vì đã 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Vẫn đi tìm câu hỏi "nguồn lây từ đâu?"

Đây là câu hỏi quan trọng nhất hiện nay nhưng chưa được trả lời và do đó các hoạt động khoanh vùng, dập dịch hiệu quả sẽ kém hơn. 

Qua xem xét hành trình của các bệnh nhân, ngoại trừ bệnh nhân 416, điều dễ nhận thấy ở các bệnh nhân còn lại là họ đều có mối quan hệ, tiếp xúc khá hạn chế (bệnh nhân 418 thường ở nhà vào mạng Internet, bệnh nhân 420 mới đi thăm con ở TP.HCM về và trước khi mắc bệnh, tiền sử đi lại chỉ có mua sắm ở chợ đầu mối). Nguồn lây hiện rất mù mờ.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Đặng Quang Tấn - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết hiện vẫn đang tổ chức điều tra dịch tễ, hành trình đi lại của bệnh nhân, các mối quan hệ, tiếp xúc… xem nguy cơ có thể phát sinh từ đâu. 

Nhưng khó một điều là đến giờ vẫn chưa có bất kỳ manh mối nào, ngoại trừ may mắn là người thân của bệnh nhân được ưu tiên xét nghiệm trước và đều âm tính.

Xét nghiệm bằng test nhanh độ nhạy cao

Các cơ quan chức năng đang vào cuộc rốt ráo và nhiều biện pháp "lần đầu tiên" đang được triển khai: Lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai 3 tổ công tác hỗ trợ xét nghiệm, điều tra dịch tễ và điều trị cho Đà Nẵng. 

Đây là đội chuyên gia có kinh nghiệm nhất hiện nay, với nhóm bác sĩ từng điều trị cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh, nhóm điều tra dịch tễ từng có mặt tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, nhóm xét nghiệm với sự chủ trì của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Một "lần đầu tiên" nữa là Bộ Y tế đã cho triển khai xét nghiệm bằng test nhanh trên diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao ở Đà Nẵng. Các test nhanh có độ nhạy, độ đặc hiệu lên tới 95%, không có phản ứng chéo với các bệnh khác và rất phù hợp để sàng lọc ngoài cộng đồng.

Trước mắt, phương pháp xét nghiệm nhanh này sẽ được đoàn cán bộ Bộ Y tế và CDC Đà Nẵng thực hiện với khoảng 2.200 nhân viên y tế, người liên quan tại Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai phương pháp này tại Bệnh viện C Đà Nẵng, các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418.

Phản ứng của Đà Nẵng đã rất nhanh chóng, đặc biệt là việc tạm dừng đón khách du lịch và các hoạt động không thiết yếu. 

Khi dịch bùng phát tại Bệnh viện Bạch Mai ở giai đoạn trước, việc phong tỏa bệnh viện đã tiến hành chậm hơn nhiều: sau 10 ngày kể từ khi xuất hiện bệnh nhân đầu tiên, chưa kể việc cho hàng ngàn bệnh nhân ra viện.

Với những phản ứnh nhanh này, có thể cơ hội khống chế dịch sẽ đến sớm hơn như hi vọng của chúng ta.

Phòng chống COVID-19 lây nhiễm cộng đồng: Nhiều biện pháp lần đầu áp dụng - Ảnh 2.

Dữ liệu: ĐOÀN CƯỜNG - LAN ANH

Dịch có lan rộng như giai đoạn trước?

Từ 13h ngày 26-7, TP Đà Nẵng quay lại thực hiện quy định "không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng" và yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu cũng được yêu cầu dừng hoạt động đến khi có thông báo mới.

Đến trưa cùng ngày, TP Đà Nẵng cũng cách ly toàn bộ Bệnh viện Đà Nẵng, nơi đang điều trị cho cả 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở địa phương này.

Theo ông Lê Trung Chinh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, với lượng du khách lớn vẫn đang trong kỳ nghỉ, Sở Du lịch đã được yêu cầu làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ tiếp tục phục vụ chu đáo khách đến khi kết thúc hành trình. "Tạm dừng tổ chức đón khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ 26-7" - ông Chinh nói.

Để không bị động với việc phòng dịch, trong ngày 26-7, một danh sách 28 điểm là các cơ sở y tế, địa điểm cách ly tập trung, các chốt phòng dịch đo thân nhiệt ở khắp Đà Nẵng đã dựng lên. Trong đó 7 chốt đo thân nhiệt ở cửa ngõ ngoại ô TP và ga đường sắt cũng đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, từ đêm 25-7 đã có nhiều đoàn đi ôtô rời Đà Nẵng mà không đợi chuyến bay vào hôm sau vì lo ngại Đà Nẵng sẽ bị phong tỏa. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-7, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia Đỗ Xuân Tuyên cho biết trước mắt chỉ tính đến phong tỏa các khu vực có bệnh nhân, chưa tính đến phong tỏa phạm vi quận hoặc cả TP Đà Nẵng. Ông Tuyên cũng cho rằng về mức độ lo ngại, giai đoạn ghi nhận bệnh nhân 17 đáng lo ngại hơn.

Phòng chống COVID-19 lây nhiễm cộng đồng: Nhiều biện pháp lần đầu áp dụng - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng phong tỏa các ngả đường vào nhà bệnh nhân 419 tại TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Nhiều hoạt động giảm nguy cơ lây lan

Tối 26-7, Sở Du lịch TP Đà Nẵng thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 31-7 đến 5-8.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có công văn yêu cầu người dân từ Đà Nẵng ra Huế phải khai báo y tế và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương mới được vào Huế.

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu: tất cả những người từ Đà Nẵng đến Đồng Nai từ ngày 13-7 và người từ Quảng Ngãi đến hoặc trở về tỉnh này phải khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Y tế và cách ly tại nhà 14 ngày.

Quảng Ngãi từ ngày 26-7 cho trẻ mầm non nghỉ học, tạm dừng tất cả hoạt động dạy, học thêm cấp 1, cấp 2. Chỉ ưu tiên cho công tác ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng các trường phải thực hiện giãn cách trong lớp học, chia ca hợp lý. Ngoài ra, tỉnh này tạm dừng tất cả các hoạt động karaoke, quán bar, massage từ ngày 26-7.

Đang trong nghỉ hè nên Đà Nẵng cũng yêu cầu học sinh, học viên các cơ sở giáo dục mầm non, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm học thêm... nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động tập trung học sinh, học viên từ 13h ngày 26-7 đến khi có thông báo tiếp theo. Các trường ĐH ngoài công lập căn cứ tình hình thực tế và chỉ đạo của bộ chủ quản...

Bệnh nhân 420 từng tới chung cư ở TP.HCM

Tối 26-7, Bộ Y tế đã thông báo hành trình của P.T.B.P., 71 tuổi, bệnh nhân COVID-19 mới nhất tại Đà Nẵng (bệnh nhân 420). Theo đó, từ ngày 21-6 đến 8-7, bệnh nhân này đã đến thăm con ở một chung cư thuộc quận 11, TP.HCM.

Từ ngày 8-7 về lại Đà Nẵng, sống cùng chồng, con trai và con dâu. Vài ngày trước khi có dấu hiệu sốt, bệnh nhân cùng chồng đến chợ đầu mối mua sắm. Ngày 12-7, bệnh nhân có dấu hiệu sốt và đau ngực.

Trong thời gian này, bệnh nhân có đến nhà em ruột tại đường 2-9, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng… Sau khi dùng thuốc 5 ngày không giảm triệu chứng, ngày 21-7 bệnh nhân đến khám tại khoa khám bệnh Bệnh viện C, sau đó xin về nhà. Lúc này có 3 người nhà ở Quảng Nam ra thăm…

Trao đổi với phóng viên tối 26-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết mới nhận được thông tin ca bệnh 420 từng đến TP.HCM và hiện đang điều tra về ca bệnh này.

L.ANH - T.DƯƠNG

Người Đà Nẵng thay avatar, động viên nhau vượt qua COVID-19 Người Đà Nẵng thay avatar, động viên nhau vượt qua COVID-19

TTO - Tối 26-7, các trang mạng, Facebook cá nhân của người dân Đà Nẵng ngập tràn những dòng chia sẻ khích lệ tinh thần, động viên nhau chống dịch COVID-19.

LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG - V.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp