12/05/2021 08:28 GMT+7

Phòng cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Nhiều khuyến cáo hữu ích

M.HÒA - N.KHẢI - S.BÌNH
M.HÒA - N.KHẢI - S.BÌNH

TTO - Nhà ở kết hợp kinh doanh, đặc biệt là dạng nhà ống luôn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường khi có cháy xảy ra. Tại TP.HCM, có rất nhiều nhà vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh và rất nhiều nhà nằm sâu trong hẻm.

Phòng cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Nhiều khuyến cáo hữu ích - Ảnh 1.

Bình chữa cháy trang bị tại nơi kinh doanh xe máy, cũng là nơi ở của gia đình ông Vũ Văn Quân trên đường Trần Đại Nghĩa (huyện Bình Chánh) - Ảnh: NGỌC KHẢI

Nhà thường có lối thoát duy nhất là cửa chính ở tầng trệt, nhưng lại được tận dụng làm nơi để xe máy, hàng hóa, bếp nấu nướng... che chắn lối thoát hiểm và lối lên cầu thang.

Hơn 300.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM, hiện trên toàn địa bàn TP.HCM có trên 300.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ở các khu dân cư. 

Thế nhưng, hầu hết các chủ hộ đều ít quan tâm đến công tác PCCC; thiếu kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn; không trang bị các thiết bị chữa cháy. 

Điều dễ nhận thấy là đa số các nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh có diện tích nhỏ hẹp nên hàng hóa được sắp xếp thiếu ngăn nắp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Bà T.T.K.H. (50 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết bà cùng chồng và 3 đứa con đang sinh sống tại căn nhà 2 tầng trên đường Kha Vạn Cân, phía trước nhà đang được tận dụng buôn bán tạp hóa. Tầng trệt ngôi nhà chứa rất nhiều hàng hóa, đồ đạc, vật dụng, trong đó có nhiều thứ dễ bắt lửa như nilông, thùng cactông...

"Tôi biết mình để hàng hóa ngổn ngang, san sát nhau... khi cháy sẽ lan rất nhanh, cháy lớn vì nhiều vật dụng dễ cháy. Nhưng hoàn cảnh nhà chật hẹp, không gian hạn chế nên tôi mới chất hàng hóa như vậy", bà H. chia sẻ.

Nhắc lại vụ cháy thương tâm ở căn nhà trong hẻm đường Lạc Long Quân, quận 11 làm 8 người chết, ông Vũ Văn Quân (49 tuổi), chủ hộ kinh doanh trên đường Trần Đại Nghĩa (huyện Bình Chánh), giật mình: "Tôi tự nhắc nhở mình càng phải cẩn trọng hơn, quan tâm hơn nữa đến việc PCCC, vì nơi tôi kinh doanh xe máy cũng là nơi ở của gia đình".

Căn nhà ông Quân ở hiện có 5 người trong gia đình cùng sinh sống và đồng thời cũng là cửa hàng xe máy rộng khoảng 300m2, trong đó khu vực trưng bày xe máy ở phía trước khoảng 200m2, phía sau là nơi ở rộng khoảng 100m2. 

"Đa số những xe máy đã qua sử dụng đều được tôi rút hết xăng để đề phòng sự cố cháy nổ, chỉ một số ít xe có chút xăng để khách hàng thử xe..." - ông Quân nói.

Theo ghi nhận, người dân sử dụng nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh vẫn còn khá phổ biến. Trong đó, tầng trệt thường là nơi chất hàng hóa, nấu nướng. 

Tầng trên thường là nơi ngủ, sinh hoạt, thậm chí nhiều nhà còn tận dụng các tầng áp mái, tầng sân thượng để làm kho chứa hàng hóa. Để không lo mất trộm, nhiều hộ còn làm "chuồng cọp", rào chắn toàn bộ bên trên, không có lối thoát lên sân thượng hoặc không có lối thoát sang nhà bên cạnh.

Những nguyên tắc cần tuân thủ

Do đặc thù "đất chật - nhà hẹp" nên việc tận dụng nơi ở là nơi sản xuất, kinh doanh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên để phòng tránh cháy nổ, ý thức PCCC của mỗi người vẫn là quan trọng nhất.

Cảnh sát PCCC TP.HCM đưa ra những khuyến nghị để phòng cháy và chữa cháy trong khu dân cư; nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. 

Theo đó, không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các bancông, tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa, cần quy định vị trí để chìa khóa trong nhà...

Một nguyên tắc quan trọng là sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như tủ điện, ổ cắm điện...) tối thiểu 0,5m. 

Không tích trữ, chứa xăng dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bảo quản, sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy nổ trong tầng hầm, cùng với khu vực có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy và trong phòng ngủ...

Cửa đi ra ngoài tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng...) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy nổ. 

Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Nhà ở có bancông, cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy nổ... 

Đối với tầng mái (sân thượng), nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể di chuyển lên tầng mái và tính toán đến khả năng thoát nạn sang nhà liền kề.

Thực tập cứu nạn, cứu hộ

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. 

Thành phần đoàn kiểm tra gồm cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn hoặc cảnh sát khu vực, đại diện UBND cấp xã..., trong đó phân rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị tổ chức kiểm tra, kết hợp tuyên truyền và hướng dẫn về an toàn PCCC đối với các đối tượng nêu trên.

Công an TP được yêu cầu phải rà soát, bổ sung, xây dựng phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ phù hợp với thực tế của từng khu dân cư; tổ chức thực tập xử lý các tình huống cháy nổ, cứu người và hướng dẫn thoát nạn có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia tại các khu phố, tổ dân phố trong các khu dân cư, đảm bảo 100% khu dân cư phải tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Theo Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an TP.HCM: trong năm 2020, trên địa bàn TP xảy ra 269 vụ cháy làm chết 11 người, bị thương 22 người, chủ yếu loại hình nhà ở đơn lẻ (chiếm 103/269 vụ, tỉ lệ 38,3%).

Riêng từ tháng 3-2021 đến nay, tại TP xảy ra nhiều vụ cháy, khiến 17 người thiệt mạng. Qua số liệu có thể thấy tình hình cháy nổ ở nhà ở, hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm tỉ lệ cao và một khi xảy ra cháy thường gây thiệt hại về người hết sức nghiêm trọng như vụ cháy ở P.Cát Lái, TP Thủ Đức khiến 6 người trong gia đình thiệt mạng.

Vụ cháy ở hẻm đường Lạc Long Quân, Q.11 mới đây làm 8 người trong nhà thiệt mạng.

Tại sao vụ cháy nhà 8 người chết ngạt ở quận 11 có nhiều tiếng nổ lớn? Tại sao vụ cháy nhà 8 người chết ngạt ở quận 11 có nhiều tiếng nổ lớn?

TTO - Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng đã nhận định nguyên nhân và giải thích tại sao có nhiều tiếng nổ lớn trong vụ cháy nhà chết 8 người ở quận 11, TP.HCM.

M.HÒA - N.KHẢI - S.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp