10/08/2017 17:09 GMT+7

​Phòng biến chứng về mắt ở bệnh nhân đái tháo đường

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Khi mắc bệnh đái tháo đường, đến một giai đoạn nào đó bệnh nhân sẽ gặp phải các biến chứng, đặc biệt là ở những bệnh nhân không được kiểm soát đường huyết tốt.

Một trong những biến chứng nguy hiểm thường gặp đó là biến chứng ở mắt gây nên mù lòa. Giảm hoặc mất thị lực tuy không gây chết người nhưng bệnh ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống và khả năng lao động của người mắc bệnh đái tháo đường.

Các tổn thương ở mắt do đái tháo đường gây ra

Có hai loại đái tháo đường chính: đái tháo đường phụ thuộc Insulin (IDD - type 1), đối tượng bệnh nhân từ 10-20 tuổi; đái tháo đường không phụ thuộc Insulin (NINN - type 2), đối tượng bệnh nhân từ 50-70 tuổi.

Tần suất bệnh lý võng mạc ở bệnh nhân đái tháo đường trong IDD (40%) thì cao hơn trong NIDD (20%). Bệnh lý võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân gây mù lòa thường gặp nhất ở đối tượng bệnh nhân từ 20-65 tuổi.

Về lâm sàng, có 3 loại bệnh lý võng mạc đái tháo đường chính: loại nền (Background), loại tiến tăng sinh (Preprolifeative) và loại tăng sinh (Proliferative).

Các yếu tố nguy cơ: thời gian mắc bệnh (quan trọng nhất); sự kiểm soát đường huyết (không ngăn chặn được bệnh lý võng mạc đái tháo đường mà chỉ làm chậm trễ sự phát triển một vài năm); những yếu tố hỗn hợp như thai kỳ, cao huyết áp, bệnh lý thận...; những yếu tố thuận lợi khác như béo phì, tăng lipid máu, hút thuốc lá, thiếu máu.

Bệnh lý đái tháo đường là một bệnh lý vi mạch máu ảnh hưởng đến các tiểu động mạch võng mạc trước mao mạch và các tiểu tĩnh mạch. Bệnh lý võng mạc đái tháo đường có cả hai nguyên nhân: tắc nghẽn vi mạch máu và rò rỉ.

Tắc nghẽn vi mạch máu là do những thay đổi của mao mạch: dày màng đáy, tổn thương tế bào nội mô, tăng sinh. Sự biến dạng của hồng cầu gây giảm khả năng vận chuyển oxy. Những thay đổi của tiểu cầu gây tăng sự kết dính và kết tập. Hậu quả gây ra sự không tưới máu mao mạch võng mạc, gây giảm oxy võng mạc.

Còn sự rò rỉ vi mạch máu làm cho giảm lượng chu bào làm giãn thành mao mạch và phá vỡ hàng rào máu - võng mạc, dẫn đến rò rỉ huyết tương vào võng mạc. Vi phình mạch là những túi thành lập do sự giãn phình mao mạch khu trú, có thể rò rỉ hoặc thuyên tắc. Hậu quả làm tăng tính thấm mạch máu là xuất huyết trong võng mạc và phù, có thể lan tỏa hay khu trú.

Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng ở nhiều cơ quan trong cơ thể người bệnh, trong đó có đôi mắt. Biến chứng ở mắt thường gặp do đái tháo đường như bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh đục thủy tinh thể, Glôcôm...

Bệnh võng mạc tiểu đường là căn bệnh thường gặp nhất và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa hiện nay. Nguyên nhân là do đường huyết cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ của võng mạc thần kinh, hậu quả là dịch từ trong lòng mạch thoát ra ngoài gây xuất huyết và phù nề, rồi dẫn đến đục dịch kính, bong võng mạc thần kinh. Theo thời gian, nó có thể làm giảm hoặc mất khả năng thu nhận các tín hiệu ánh sáng, biểu hiện lâm sàng là giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn.

Đục thủy tinh thể cũng là nguyên nhân gây mù lòa nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Khi đã bị đục thuỷ tinh thể thì bệnh tình tiến triển rất nhanh dẫn đến đục toàn thủy tinh thể, có thể chỉ trong 1-3 tháng.

Trường hợp bị đục thủy tinh thể nhẹ, bệnh nhân có thể chỉ cần đeo kính râm thường xuyên khi đi nắng là đủ, ngoài ra có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt có tác dụng hạn chế tiến triển của đục thủy tinh thể. Trường hợp bị đục thủy tinh thể nặng, có ảnh hưởng nhiều đến thị lực thì cần phải mổ thay thủy tinh thể. Lưu ý là ở một số bệnh nhân mổ thay thủy tinh thể không cải thiện được thị lực do bệnh nhân có đồng thời cả bệnh võng mạc nặng.

Bệnh Glôcôm (còn gọi là glaucoma hay tăng nhãn áp, thiên đầu thống), các bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị Glôcôm cao gấp 1,4 lần người bình thường, nguy cơ này sẽ tăng lên ở những bệnh nhân tuổi cao và có thời gian bị bệnh đái tháo đường dài.

Bị Glôcôm ở 1 hoặc cả 2 mắt xảy ra khi áp lực trong mắt tăng lên và trong phần lớn các trường hợp, dịch kính sẽ bị thoát ra ngoài. Áp lực cao sẽ chèn ép vào các mạch máu nuôi võng mạc và dây thần kinh thị giác (dây thần kinh số II), hậu quả là vùng võng mạc và dây thần kinh bị phá hủy gây mất thị lực.

Các bệnh nhân bị Glôcôm thường có triệu chứng đau đầu nhiều, đặc biệt đau dữ dội hốc mắt, đo nhãn áp thường rất cao. Để điều trị, cần phải phẫu thuật làm giảm áp lực trong mắt, một số trường hợp phải mổ cấp cứu. Tuy một số thuốc cũng có tác dụng làm giảm áp lực trong mắt nhưng chỉ nên dùng để điều trị tạm thời trong khi chờ phẫu thuật.

Phòng ngừa

Để ngăn ngừa các biến chứng mắt do bệnh đái tháo đường gây ra thì bệnh nhân phải kiểm soát thật tốt đường huyết, giữ mức đường huyết trong vùng an toàn bằng cách thực hiện chế độ ăn kiêng đường, tăng chất đạm và rau tươi, bỏ hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Thường xuyên khống chế huyết áp ở mức <130/80mmHg. Uống thuốc tiểu đường hoặc Insulin theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh việc khám sức khỏe định kỳ hàng tháng thì bệnh nhân đái tháo đường cũng nên khám mắt 6 tháng/lần hoặc 12 tháng/lần. Cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt ngay nếu thấy có một hoặc nhiều dấu hiệu sau: nhìn mờ, khó xem tivi, đọc sách báo, nhìn đôi, nhìn trong bóng tối kém, nhìn không phân biệt màu sắc, đau 1 hoặc cả 2 bên mắt, mắt đỏ căng tức, nhìn có hình ảnh ruồi bay, không nhĩn rõ hai bên mà bình thường vẫn nhìn được.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp