Những ngày gần đây, các bệnh viện trong cả nước ghi nhận số ca mắc bệnh lý đường hô hấp, trong đó có cúm tăng cao. Theo các chuyên gia, thời tiết lạnh và nhiệt độ ẩm thấp, mưa bão như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm lây lan, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng do mắc cúm nhất.
Ngành y tế ghi nhận trong đợt bùng phát dịch cúm năm ngoái, có nhiều bệnh nhi gặp biến chứng nặng do mắc cúm như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim... Đây là hồi chuông cảnh báo khi nhiều người vẫn nghĩ cúm là bệnh thường gặp, chỉ vài ngày là khỏi nên xem nhẹ.
Đưa con trai đến VNVC Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) tiêm vắc xin cúm, chị Nguyễn Thị Quỳnh (30 tuổi, trú tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) chia sẻ năm ngoái con chị 2 tuổi, có bệnh nền hen suyễn đi nhà trẻ được vài tháng thì bị cúm hai lần, lần sau nặng hơn lần trước.
Chị vẫn nhớ như in ở lần thứ hai mắc cúm, bé cứ sốt cao không hạ, lơ mơ, li bì, có co giật. Tuy nhiên, gia đình cho rằng bé chỉ bị cảm lạnh thông thường nên mua thuốc theo đơn cũ cho uống.
Khi nhập viện và xét nghiệm, bác sĩ kết luận mắc cúm A/H1N1 và bội nhiễm vi khuẩn phế cầu, có dấu hiệu viêm phổi và nguy cơ viêm não, phải điều trị tích cực.
"Đến hiện tại khi nhớ lại cảnh con phải nhập viện do cúm tôi vẫn còn ám ảnh, may mắn con đã được cứu chữa kịp thời. Giờ hễ đến lịch hẹn tiêm cúm, tôi sẽ đưa con và gia đình đi tiêm vắc xin để phòng bệnh và tránh các biến chứng nguy hiểm", chị Quỳnh cho biết.
Theo BSCKI Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, Việt Nam là nước nhiệt đới, do đó bệnh cúm có thể lưu hành quanh năm và phát triển mạnh nhất khi thời tiết lạnh.
Bệnh lây truyền qua bề mặt tiếp xúc và đường hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi bắn các giọt tiết ra không khí với phạm vi có thể hơn 2 mét.
Ở trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ có bệnh nền rối loạn chuyển hóa, tim bẩm sinh, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…, bệnh cúm có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim.
Biến chứng viêm não sau cúm ở trẻ hiếm gặp, chiếm 3-6% ca mắc và phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi. Viêm não thường xuất hiện vào ngày 2-3, sau khi trẻ sốt cao 39-40 độ C.
Do vậy phụ huynh cần đặc biệt quan tâm biến chứng viêm não vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại di chứng về thần kinh, gây tử vong.
Theo bác sĩ Phan Thị Thu Minh - phó khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh cúm có các dấu hiệu đặc trưng như sốt vừa đến cao (trên 38 độ C), ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, đau mỏi cơ, mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt, buồn nôn, tiêu chảy.
"Để hạn chế biến chứng do cúm, gia đình cần hiểu cách chăm sóc đúng cho trẻ tại nhà. Gia đình không tự mua thuốc cho con uống vì có thể sử dụng sai loại thuốc hạ sốt hoặc dùng không đúng liều", bác sĩ Minh lưu ý thêm.
Bên cạnh biến chứng viêm não thì viêm cơ tim cũng được bác sĩ Minh cho là biến chứng rất nguy hiểm. Cụ thể, vi rút cúm có thể tấn công thẳng vào cơ tim, gây viêm, chết tế bào trong vài giờ khiến tim không thể tuần hoàn cung cấp máu cho các bộ phận của cơ thể như não, gan, thận... dẫn đến suy đa cơ quan và tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
Tùy theo đáp ứng của từng người mà thời gian xuất hiện triệu chứng viêm cơ tim sau khi mắc cúm khác nhau, nhưng trung bình các triệu chứng thường xuất hiện sau 4-7 ngày nhiễm vi rút cúm. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, buồn nôn, nhịp tim nhanh.
Theo các chuyên gia, cúm có thể gây nhiều ảnh hưởng không chỉ đến trẻ em mà còn cả người lớn nếu không chủ động phòng ngừa. Người mắc cúm nặng có thể đối diện nhiều biến chứng viêm cơ (viêm mô cơ, tiêu cơ vân), viêm phổi, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan…
Số liệu từ các nghiên cứu chỉ ra trẻ em có nguy cơ nhiễm cúm cao hơn người trưởng thành từ 2-3 lần. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 20 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính và có khoảng 28.000 - 111.500 ca tử vong liên quan đến cúm (nghiên cứu năm 2008).
Trung bình, trẻ dưới 5 tuổi chiếm 33% số người nhiễm cúm. Vì vậy, việc phòng ngừa vi rút cúm rất quan trọng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ có bệnh mạn tính.
Hiện vắc xin cúm được các chuyên gia khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, giúp giảm 74% nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt, giảm nguy cơ tử vong hơn 31% ở trẻ em, giảm chi phí y tế, đảm bảo sức khỏe và nền tảng tương lai cho trẻ.
Đối với người lớn, một mũi vắc xin cúm có thể giúp giảm 61% tỉ lệ tử vong, 55% ở bệnh nhân có bệnh mạch vành, 41% ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD, 58% ở bệnh nhân đái tháo đường.
Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có đầy đủ các loại vắc xin cúm mùa mới nhất phòng 4 chủng cúm A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata, B/Victoria với hiệu quả phòng bệnh 70-90%.
Trong đó, vắc xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt vi rút với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…
Theo bác sĩ Chính, chủng vi rút cúm thay đổi hằng năm nên loại vắc xin cúm năm trước không còn hiệu lực bảo vệ tới năm sau. Vì vậy, gia đình cần cho trẻ tiêm nhắc lại vắc xin cúm hằng năm để duy trì miễn dịch và nồng độ kháng thể bảo vệ cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận