Để phòng ngừa dịch bệnh khi sức đề kháng đã giảm sút, người cao tuổi cần chú ý: khi di chuyển lâu trên đường dưới ánh nắng mặt trời gay gắt cần mặc áo dài tay, đội mũ rộng vành hoặc nón, đeo kính, khẩu trang, uống đủ nước.
Khi có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, bủn rủn chân tay, mệt lả, mặt đỏ gay, thân nhiệt tăng… cần vào ngay chỗ có bóng mát hoặc vào nhà nằm nghỉ, chườm mát, quạt nhẹ và uống một cốc nước chanh đá (không cần sử dụng thuốc), sau thời gian ngắn cơ thể sẽ tự điều chỉnh.
Mùa hè người cao tuổi bị ra mồ hôi nhiều nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải. Nếu mất nhiều, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch, như: tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt (đặc biệt là ở những người có tiền sử huyết áp thấp).
Vào mùa hè, người cao tuổi cũng có thể cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý như: đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc ra vào phòng điều hòa rất dễ bị cảm. Nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi.
Đối với người cao tuổi nếu có bệnh tăng huyết áp mà tắm nước lạnh một cách đột ngột thì rất có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm, nếu nhẹ huyết áp tăng gây hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim; nặng có thể huyết áp tăng cao đột ngột gây đột quỵ (xuất huyết não, nhồi máu cơ tim).
Đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể với nhiều lý do khác nhau, trong đó có do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là trên những người có tiền sử bệnh tim.
Một số bệnh như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi. Vì vậy, người cao tuổi cần để nhiệt độ trong phòng ngủ không quá chênh lệch so với nhiệt độ ngoài phòng từ 4 – 5 độ C là biện pháp phòng tránh hữu hiệu những bệnh đường hô hấp cho người cao tuổi.
Nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi phát sinh và phát triển các bệnh đường tiêu hóa. Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: viêm loét miệng, ăn không tiêu, chướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng.
Nếu nhẹ chỉ cần điều chỉnh bằng chế độ ăn uống, bù đủ nước bằng uống Orezon. Nếu đi lỏng, nôn mửa nhiều lần hoặc phân có máu mủ kéo dài, biểu hiện mất nước, sốt nhiễm trùng thì cần đến cơ sở y tế để được xử lí kịp thời, chủ yếu là truyền dịch bù nước điện giải và sử dụng kháng sinh thích hợp.
Không dùng thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh, thức ăn tái, rau sống rửa không kĩ, nước uống các quán giải khát vỉa hè…
Đặc biệt khi chuyển mùa, các bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm đại tràng mạn tính ở người cao tuổi lại tái phát gây khó chịu, lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc mất ngủ kéo dài. Người cao tuổi phải chú ý giữ ấm, không ăn đồ quá lạnh, đồ khó tiêu, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước ấm.
Mùa nắng nóng, người cao tuổi thường mắc các bệnh viêm da dị ứng gây ngứa. Ngứa có khi không chỉ ở một vùng của da mà lan tỏa nhiều nơi, thậm chí có trường hợp viêm da dị ứng nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét.
Bệnh zona là bệnh do vi rút gây ra và chúng thường ký sinh sẵn trong cơ thể một số người đã từng bị bệnh thủy đậu (loại vi rút gây bệnh thủy đậu cũng đồng thời là vi rút gây zona). Sự thay đổi nhiệt độ của mùa hè kèm theo sức đề kháng giảm là những điều kiện tốt cho loại vi rút gây bệnh zona tái xuất hiện, đặc biệt là ở người cao tuổi. B
ệnh zona ở người cao tuổi thường là loại zona thần kinh. Ngoài việc làm cho da tổn thương có khi gây bội nhiễm thì đau nhức, khó chịu và kéo dài nhiều ngày, có khi nhiều tháng.
Ngoài ra, mùa hè nóng nực nếu ngủ không nằm màn thì rất có nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết hoặc sốt rét (vùng đang có dịch sốt rét lưu hành); bệnh tả do phẩy khuẩn tả lây truyền thành dịch, thương hàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận