Các nguyên nhân chính gây nên bệnh loãng xương: giới tính (tỷ lệ nữ loãng xương chiếm nhiều hơn nam), di truyền, tuổi tác, cân nhẹ (chỉ số Ic<19), hút thuốc lá, dùng thuốc corticoides lâu dài. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày không cung cấp đủ chất canxi hoặc vì một lý do nào đó cơ thể không hấp thu được canxi (ăn kiêng kéo dài, chế độ ăn nghèo nàn, kém chất lượng) cũng là nguyên nhân gây nên bệnh loãng xương.
Loãng xương để lại những hậu quả nghiêm trọng, dễ dẫn đến biến chứng gãy xương dù chỉ với những va chạm nhẹ, thậm chí có thể gây ra 20% tỷ lệ tử vong trong vòng một năm sau đó và 50% tỷ lệ thương tật vĩnh viễn. Mặt khác, bệnh loãng xương gây ảnh hưởng xấu tới thể chất và tinh thần của người phụ nữ, trở thành gánh nặng về tâm lý và sức khỏe, đe dọa đến cuộc sống, đến việc chăm sóc gia đình.
Loãng xương là căn bệnh nguy hiểm, diễn tiến âm thầm và không chừa một ai, nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều đó. Thêm vào đó là quan niệm loãng xương là bệnh của người già mà ít ai trong chúng ta biết rằng xương mình đã bắt đầu suy yếu ngay từ độ tuổi 30 khi quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn quá trình tạo xương.
Do đó, muốn phòng bệnh loãng xương, tốt nhất là ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi, protein, vitaminD như: tôm, cua, ốc, uống sữa và các chế phẩm của sữa có chứa nhiều thành phần canxi, sinh tố D. Nên ăn thêm trái cây, rau, giá đỗ vì chúng có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương. Cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn như: đi bộ, tập hít thở, tập vận động các khớp xương. Những người đã bị loãng xương không nên làm các động tác mạnh, gấp gáp và tránh ngã, vấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận