Phố này vừa có Cục Điện ảnh, vừa có hai hãng phim lớn là Hãng Phim tài liệu & khoa học T.Ư, Hãng Phim truyện 1, thêm Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh nằm kế bên Hãng Phim tài liệu, và nếu kể cả Hãng Phim truyện VN ở số 4 Thụy Khuê cũng chỉ cách con phố Hoàng Hoa Thám một con dốc đi tắt thì đây chính xác là phố điện ảnh.
Phóng to |
Các nghệ sĩ, nhân viên của ngành điện ảnh cũng sắp xếp cuộc sống ở chủ yếu hai con phố này, có lẽ từ cái thuở đi xe đạp còn là một hành vi giao thông xa xỉ...
Số 62 êm ả của Trà Giang
NSND Trà Giang về số 62 Hoàng Hoa Thám từ năm 1962, lúc vừa tốt nghiệp Trường Điện ảnh, biên chế vào Hãng Phim truyện VN (khi đó là Xưởng phim truyện). Khi mới về đây, Trà Giang được phân cho một góc của dãy nhà ngang chia làm hai bên nam và nữ. Ở cùng với Trà Giang lúc đó là các nghệ sĩ như đạo diễn Long Vân (Biệt động Sài Gòn, Người không mang họ, Giải phóng Sài Gòn...), diễn viên Minh Đức (Người chiến sĩ trẻ, Khói trắng, Đường về quê mẹ...), diễn viên Ngọc Lan, Bích Hồng, Ngọc Điệp và cả diễn viên Kim Chi lúc đó còn chưa lấy đạo diễn Hồng Sến.
Năm 1970, Trà Giang cùng chồng là nghệ sĩ violon Bích Ngọc được phân một căn phòng nhỏ chừng 9m2 nguyên là phòng dựng phim của Hãng Phim truyện (bộ phận dựng phim đã chuyển hết về số 4 Thụy Khuê). Gần 20 năm sống ở nơi này, bà thấy đây là nơi an toàn nhất. Nhà chật nhưng nghệ sĩ ai cũng đi làm phim suốt nên cái khó khăn ấy cũng ít người than phiền. Một số nghệ sĩ khác như đạo diễn Lê Mạnh Thích (Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư) hay đạo diễn Khánh Dư thì cùng gia đình ra “khẩn hoang” ở ao rau muống bên ngoài khu tập thể.
Trong ký ức của Trà Giang, căn phòng nhỏ 9m2 của vợ chồng bà chỉ có một cái bàn, cơi thêm một chút ra phía ngoài để làm chạn bát, một cái giường và tủ quần áo cao chân để đầu giường, mỗi lần muốn lấy quần áo là phải...trèo hẳn lên giường! Tuyến đường đi làm hằng ngày của Trà Giang và các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện VN cũng khép kín từ số 62 qua công viên Bách Thảo gặp vườn hoa Lý Tự Trọng rẽ vào số 4 Thụy Khuê rồi về lại nhà. Sau năm 1975, một số nghệ sĩ miền Nam trở về Sài Gòn sinh sống, khi đó gia đình Trà Giang được phân thêm một phòng nên căn nhà rộng ra được chút.
Nơi này không đơn thuần là các nghệ sĩ làm phim mà còn có các cán bộ Cục Điện ảnh, những công nhân in tráng, máy nổ, ánh sáng và lái xe... Trà Giang nhớ bà Nguyễn Anh Thư (hóa trang cho Trà Giang trong các phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày đầu thu, Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn...) muối cà rất ngon. Bà Anh Thư là vợ của một họa sĩ quân đội nên các con đều trở thành họa sĩ nổi tiếng. Hay đạo diễn Trần Phương là người rất đa tình và hài hước, mỗi khi nói đùa ông thường cười tít mắt than rằng: “Anh khổ lắm, không có ai yêu anh hết”! Ông là người rất chăm chút cho con cái và gia đình.
Tận đến năm 1981, khi được phân một căn nhà mới ở khu tập thể Giảng Võ, NSND Trà Giang mới chính thức rời khỏi “khu phố tài tử” êm ả của mình.
Ký ức nơi bếp ăn tập thể
Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh sống ở số 72 Hoàng Hoa Thám đã hơn 40 năm. Ông nhớ rằng khu 72 trước đây vắng lắm. Đường sá khi đó rất đơn sơ cỏ còn mọc đầy. Ông Khánh khi đó đếm thời gian trôi qua bằng những chiếc xe xếp dọc hai bên đường của nông dân đi mua bã bia về nuôi lợn. Ấy là khi trời cũng hửng sáng. Hà Nội thời ấy còn thưa thớt nhà cửa, đến mức cứ mùa đông, gió mùa đông bắc thổi thốc từ ga Hàng Cỏ về đây, nghe lao xao trong gió tiếng còi tàu, tiếng í ới của người về quê ăn tết.
Khu nhà 72 toàn là dân văn nghệ từ kháng chiến trở về như đạo diễn phim tài liệu, NSND Ngọc Quỳnh (Đầu sóng ngọn gió, Lũy thép Vĩnh Linh...), đạo diễn phim truyện Nguyễn Thụ (Bức tranh để lại, Khói...), đạo diễn Hồng Sến (Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng...), nhà quay phim Hoàng Thành, Lê Minh Hiền (một trong những người góp công khai sáng điện ảnh VN), nhà quay phim Tiến Lợi (Điện Biên Phủ), Quý Lục, Phan Trọng Quỳ, Văn Nghiêm... ở chung trong một căn nhà lớn gọi là nhà Tây.
Căn nhà vốn là của một người chủ ximăng Pháp xây, sau này phòng nhì Pháp lấy làm nơi tra tấn. Khi các nghệ sĩ điện ảnh chuyển đến, ở nhiều căn phòng tường còn vết máu. Mọi người bịt kín các nhà vệ sinh, nhà tắm và xây công trình phụ dùng chung bên ngoài căn nhà. Phía sau nhà Tây là một dãy nhà một tầng gọi là nhà hạnh phúc vì các anh văn nghệ đi kháng chiến đa số đều có vợ ở quê. Vợ ai lên thì xuống đó ngủ. Sau này một phần các anh có vợ cũng đưa được vợ con lên, ai chưa có thì lấy vợ lập gia đình, cả dãy nhà kia cũng chia nhau ở hết.
Số 72 có một nhà ăn tập thể, tất cả anh em nghệ sĩ lúc đó được phân tem phiếu thì đóng hết cho ông Tư Giai (người Nghệ An) quản lý bếp ăn. Đến giờ ăn nghệ sĩ xếp hàng tay cầm bát chờ lấy cơm. Sau này không nộp tem phiếu thì làm phiếu ăn, ai mất phiếu có khi phải nhịn đói, khổ sở lắm. Có nhiều đám cưới của văn nghệ sĩ đã được tổ chức ở chính nhà ăn này. Ông Khánh nhớ nhất là đám cưới của NSƯT Lò Minh (Những cô gái Ngư Thủy) lấy cô Phương chủ tiệm thuốc tây ở Hàng Bài. Đám cưới đời sống mới rất vui, có bánh kẹo trà lá, cô dâu chú rể cùng hát.
Sau một thời gian ăn cơm tập thể, mọi người bắt đầu tách ra nấu riêng. Nhưng cái nếp nhà tập thể ấy gắn bó đến mức có anh đã chào mọi người về quê nghỉ hưu mà vài tuần sau lại thấy mò lên, ôm lấy cái nồi, cái bát riêng bảo ở quê với vợ ăn uống mâm bát giờ giấc không quen nổi! Cận tết là thời gian chộn rộn nhất ở nhà 72 này. Ai cũng cố dè sẻn tem phiếu gom góp mua đồ để mang về quê cuối năm.
Ký ức không thể không gắn với kỷ niệm buồn, như đám tang nhà quay phim Kiều Thẩm (Đầu sóng ngọn gió, Những người mở đường...). Ông Kiều Thẩm sống chung với đạo diễn Mai Lê Yên, nhà quay phim Kiều Minh trong một căn phòng. Hôm đó tình cờ ông Khánh có xuống ăn chung, bữa cơm có món thịt lợn luộc, Kiều Thẩm ăn ngon lành và nói gở: sau này nếu tôi chết các ông phải cúng tôi món thịt lợn luộc đấy nhé. Xong bữa, ông mặc sơmi trắng đi chơi. Nửa đêm Kiều Thẩm bị nhồi máu cơ tim, chết. Sau đám tang vợ ông lên thu dọn đồ đạc của chồng, đa số là của bạn bè, mượn chưa kịp trả. Của nả chỉ có đống phim cũ chất đầy một gầm giường. Hồi ấy ai cũng nghèo, như ông Quang Huy - nguyên giám đốc Hãng Phim tài liệu sau này lên cục trưởng Cục Điện ảnh và mất những năm 1970. Ông Khánh nhớ khi liệm không thể tìm thấy một chiếc quần lành lặn, phải dùng chiếc quần có hai đầu gối vá tích kê.
Giờ ngẫm lại, ít ai tin rằng “phố tài tử” ngày ấy có khi nghèo đến vậy...
___________________
Chuyện vui buồn ở một ngôi biệt thự xưa đẹp nhất Hà Nội, nơi còn lưu giữ dấu chân của rất nhiều “văn nhân” của văn học cách mạng Việt Nam.
Kỳ tới: “Phố văn chương” trong lòng Hà Nội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận