UBND huyện Cư Kuin đã có kế hoạch cưỡng chế các công trình vi phạm - VIDEO: TRUNG TÂN
Liên quan đến vụ ‘X’, sáng 20-1, ông Nguyễn Văn Khôi - chánh Văn phòng UBND&HĐND huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) - cho biết địa phương đang rà soát, lên phương án cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên đất các công ty cà phê trên địa bàn. Việc này cũng nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Đẩy trách nhiệm cho nhau
Theo ông Khôi, văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu báo cáo, kiến nghị của Tổng công ty Cà phê VN về tình trạng lấn chiếm đất, chống đối nộp sản phẩm tại 7 công ty cà phê thuộc tập đoàn này tại huyện Cư Kuin. UBND tỉnh Đắk Lắk sớm thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 30-1.
Việc chiếm dụng đất, xây nhà trái phép ngay mép quốc lộ nhưng địa phương và doanh nghiệp đổ trách nhiệm cho nhau - Ảnh: TRUNG TÂN
Trước đó, tháng 10-2020, Tổng công ty Cà phê VN có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các ban ngành trung ương, UBND tỉnh Đắk Lắk về thực trạng chiếm dụng đất tại Công ty cà phê Việt Thắng rồi phân lô rồi sang nhượng với mức giá từ 120-150 triệu đồng/m ngang mặt quốc lộ 27.
Theo đó, từ 34 hộ mua bán, sang nhượng, kinh doanh thì từ năm 2017 đến nay đã phát sinh lên 64 hộ. Việc này diễn ra nhiều năm, công ty đã báo cáo, kiến nghị với chính quyền địa phương các cấp nhưng không được xử lý.
Theo Tổng công ty Cà phê VN, tình trạng lấn chiếm đất Công ty cà phê Việt Thắng đã được đơn vị phát hiện kịp thời, UBND tỉnh Đắk Lắk nhiều lần đôn đốc nhưng chính quyền huyện, xã không thực hiện nên tình hình càng lan rộng, phức tạp.
Ông Khôi (bìa phải) trao đổi với phóng viên - Ảnh: ĐẶNG VĂN GIÀU
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi nói báo cáo của Tập đoàn Cà phê VN thiếu trung thực, không khách quan, phủ nhận trách nhiệm của đơn vị thành viên.
Theo UBND huyện Cư Kuin, việc chiếm dụng, xây nhà trái phép diễn ra tại cả 7 công ty thuộc Tập đoàn Cà phê VN - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Khôi cho rằng việc để các hộ dân lấn chiếm đất các công ty cà phê, trong đó có 64 công trình dọc quốc lộ 27 có một phần nguyên nhân do trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương. "Tuy nhiên, phải khẳng định rằng trách nhiệm chính thuộc về Công ty cà phê Việt Thắng đã buông lỏng quản lý đất đai, không kiểm tra việc thực hiện hợp đồng giao kho...", ông Khôi nói.
Ông Khôi nói thêm việc UBND tỉnh Đắk Lắk cho công ty thuê đất là để thực hiện sản xuất cà phê nhưng công ty lại để cho người dân tự phân lô, chặt cà phê, san ủi làm nhà... vi phạm hợp đồng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong thời gian dài nhưng doanh nghiệp không xử lý, thanh lý hợp đồng.
Có trường hợp vi phạm, công ty ban hành quyết định thu hồi lô (diện tích đất giao khoán - PV) nhưng đó chỉ là hình thức, hộ vi phạm vẫn chăm sóc cà phê, xây dựng nhà trái phép.
Ngoài ra, có 36 trường hợp phân lô, sang nhượng đất trái phép và tư 4-7-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu rà soát, chấn chỉnh nhưng công ty không thực hiện, không báo cáo lại...
"Ngoài ra, dẫu biết nhiều hộ vi phạm nhưng Công ty cà phê Việt Thắng cho hàng chục hộ dân đấu điện từ đường dây (do công ty quản lý) để sử dụng sinh hoạt trong nhà ở trái phép. Điều này vô tình đã mở đường cho người vi phạm chiếm dụng đất, làm nhà trái phép nhiều hơn...", ông Khôi phản pháo.
Đụng đâu cũng có chuyện
Ông Khôi cho biết thêm tại huyện Cư Kuin có 7 công ty thành viên thuộc Tập đoàn Cà phê VN và ‘đụng đâu cũng có chuyện’ khiến địa phương đau đầu.
Việc lấn chiếm đất không chỉ xảy ra ở Công ty Việt Thắng mà hầu như ‘công ty nào cũng dính’. Từ năm 2018, tại Công ty cà phê Ea Ktur có hàng chục trường hợp lấn chiếm, làm nhà ở trên diện tích được giao khoán. Công ty cà phê Chư Quynh, Ea Sim cũng có hàng trăm trường hợp lấn chiếm, xây nhà từ nhiều năm nay...
Bà Hạnh cho rằng việc cưỡng chế nếu kiên quyết, dứt khoát mới ngăn chặn tình trạng vi phạm - Ảnh: ĐẶNG VĂN GIÀU
Ông Khôi khẳng định từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Cư Kuin, UBND các xã đã ban hành hàng chục báo cáo, kế hoạch để nhắc nhở, chấn chỉnh việc chiếm dụng đất làm nhà trái phép tại các công ty cà phê nhưng tình trạng vi phạm ngày càng tăng, phức tạp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giám đốc Công ty cà phê Việt Thắng, cho rằng doanh nghiệp chỉ có thể phát hiện, báo cáo, còn việc cưỡng chế là quyền hạn của địa phương.
Bà Hạnh nói mình mới được phân công làm giám đốc công ty vài tháng nay, việc lấn chiếm đất, chống đối nộp sản... xảy ra từ những đời giám đốc trước.
"Nếu chính quyền địa phương thực sự vào cuộc, thực hiện cưỡng chế một cách quyết liệt, có kết quả thì sẽ không phát sinh trường hợp vi phạm. Đã từng có việc chính quyền địa phương vào cưỡng chế một hộ dân vi phạm, khi gặp trở ngại liền rút quân, khiến tình trạng ‘lờn luật’ càng phổ biến, phức tạp", bà Hạnh đề nghị.
Vẫn có nhiều công trình đang xây dựng, thậm chí còn có bảng bán đất ở dọc quốc lộ 27 - Ảnh: TRUNG TÂN
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi nói đã có kế hoạch cưỡng chế các hộ dân xây dựng nhà trái phép tại Công ty Việt Thắng.
"Hiện nay huyện đang thực hiện việc tuyên truyền, đối thoại. Nếu các hộ không tự giác sẽ cưỡng chế tháo dỡ trong tháng 2-2020 và ‘ưu tiên’ thực hiện cưỡng chế gia đình các cán bộ, lãnh đạo vi phạm", ông Khôi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận