Phóng to |
Phó Thủ tướng Vũ Khoan (bìa phải) đang trò chuyện thân mật với Việt Kiều |
* Thưa Phó Thủ tướng, được biết Chính phủ rất quan tâm đến việc kêu gọi bà con Việt kiều về nước đầu tư phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ có những hỗ trợ gì cho bà con Việt kiều không?
- Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Vấn đề hỗ trợ cơ bản cho bà con Việt kiều trong lĩnh vực đầu tư vẫn là cơ chế chính sách. Chính phủ chủ trương đang thực hiện một cách tích cực chuẩn bị cho Luật Đầu tư chung đối với mọi đối tượng đầu tư là người Việt trong nước, người Việt ngoài nước, người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam… nhằm có chung một “sân chơi” bình đẳng để bớt đi những khó khăn cho bà con Việt kiều trong việc đầu tư ở quê nhà. Đó là một trong những quyết sách quan trọng nhất.
Tuy nhiên, từ đây cho đến khi thông qua Đạo Luật đó vào cuối năm 2005, trước hết sẽ phải có những bước quan trọng có tính chất quyết định nữa. Ví dụ như: chính sách “một giá” chẳng hạn, là một chính sách rất quan trọng để hỗ trợ cho bà con Việt kiều làm ăn tại Việt Nam thuận lợi hơn, với giá thành giảm hơn. Bên cạnh đó là những cơ chế khác như: đăng ký các thủ tục sẽ thuận lợi hơn trước rất nhiều. Chính phủ hiện cũng đang nghiên cứu chính sách đối với việc cho phép Việt kiều mua nhà, thuê đất…Tất cả những vấn đề đó biểu hiện sự quan tâm rất lớn mà Nhà nước ta đã dành cho kiều bào. Hiểu rõ những vấn đề nói trên, hiện nay Chính phủ đã giao cho các cơ quan hữu quan thực hiện tích cực những việc như vậy.
Nhưng điều cơ bản nhất, mục tiêu cuối cùng là Chính phủ sẽ ban hành một Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp chung dành cho bất kỳ thành phần đầu tư kinh doanh trong nước và cả ngoài nước đều sẽ thực hiện như nhau, một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư. Điều đó cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho kiều bào khi về nước đầu tư.
* Thưa Phó Thủ tướng, những chính sách mở của Đảng và Nhà nước hiện nay đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người Việt ở nước ngoài khi họ trở về quê hương sinh sống, hòa nhập với cộng đồng trong nước. Sau khi NQ36 – BCT ra đời, có rất nhiều kiều bào vẫn còn băn khoăn “tại sao công dân nhiều nước du lịch đến Việt Nam không cần visa, trong khi Việt kiều trở về quê hương phải cần đến visa”, ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?
- Đối với bà con Việt kiều còn sử dụng hộ chiếu Việt Nam thì không có gì phải băn khoăn, vẫn về nước như người Việt Nam trong nước. Tuy nhiên, đối với những công dân Việt Nam đã chuyển đổi quốc tịch và sử dụng hộ chiếu của một quốc gia khác thì đối với quốc gia đó chúng ta vẫn đang còn duy trì chế độ visa, thì hiện nay vẫn phải còn thực hiện visa thôi.
Mặc dù vậy, nhưng theo suy nghĩ của chúng tôi, hiện tại chúng tôi cũng đã chỉ thị cho các cơ quan chuyên trách nghiên cứu thực hiện theo hướng “Đã là người Việt Nam thì dù có cầm hộ chiếu của quốc gia nào đi chăng nữa, thì cũng có thể xem xét đến khả năng không cần visa”. Chính phủ đã giao cho các cơ quan để họ nghiên cứu xem xét các khả năng như vậy.
* Phó Thủ tướng có tin rằng: trong tương lai gần nhất, với sự mở cửa Đảng và Nhà nước ta như hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ sớm hòa nhập làm một với hơn 80 triệu người dân trong nước không ạ?
Không phải đợi đến tương lai gần, bây giờ, người Việt Nam chúng ta đã là một rồi. Tư tưởng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã coi bà con là máu thịt, là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng Việt Nam. Lâu nay, chúng ta vẫn dùng từ "doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài", nhưng tôi muốn chữa lại là "doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài đang ở trong nước", không hề có sự phân biệt giữa nước ngoài và trong nước gì đâu. Người Việt Nam chúng ta là một thôi. NQ của Đảng vẫn thực hiện theo tinh thần trước sau như một, rất coi trọng cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận, là máu thịt không thể tách rời khỏi cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận