Nhiều địa phương ở thị xã Hòa Thành, Tây Ninh thiết lập vùng xanh chống dịch - Ảnh: TUẤN ANH
Sáng 10-8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đến thăm và kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Tây Ninh.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục rà soát, có giải pháp khống chế dịch bệnh hiệu quả; phải có phương án cụ thể đối với từng địa phương, không để đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, hướng tới mục tiêu đưa đời sống người dân về trạng thái bình thường mới.
Cụ thể hơn, Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tập trung vào các biện pháp trọng tâm như: tiếp tục truy vết, kiểm soát người từ các địa phương khác về Tây Ninh, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", vận động triệt để đến người dân tham gia giám sát và báo cáo nếu có trường hợp người từ địa phương khác về.
Tổ chức hệ thống theo dõi, quản lý và giám sát y tế cộng đồng. Đảm bảo công tác điều trị, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho các trường hợp F0, hướng dẫn các F0 tự theo dõi sức khỏe tại nơi điều trị. Tại các điểm điều trị cần trang bị đầy đủ thiết bị y tế, nhất là đảm bảo nguồn oxy tập trung cho bệnh nhân.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về công tác chống dịch - Ảnh: TUẤN ANH
Theo phó thủ tướng, trước mắt Tây Ninh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thật tốt, không để xuất hiện thêm các F0 trong cộng đồng, kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân có triệu chứng nặng tại tỉnh từ 36% xuống dưới 20% và tiến tới dưới 10%.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết hiện nay các địa phương của tỉnh được đánh giá xác định cấp độ nguy cơ dịch bệnh theo từng ngày, trên tinh thần giữ vững vùng xanh, chuyển hóa nhanh vùng vàng xuống vùng xanh; đối với vùng đỏ phải tăng cường truy vết, khống chế tách F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây lan.
Về điều trị, toàn tỉnh có 14 cơ sở y tế tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 theo 3 cấp độ, đồng thời thiết lập 5 bệnh viện dã chiến nhằm hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Tại tỉnh đã điều trị khỏi hơn 1.000 ca, tiếp tục điều trị 2.300 ca. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch ở mức độ cao nhất, và xây dựng các phương án ứng phó với 5.000 ca nhiễm.
Về năng lực xét nghiệm, tỉnh cũng đã đẩy mạnh năng lực xét nghiệm, từ 700 mẫu đơn lên trên 2.000 mẫu đơn và 12.000 mẫu gộp một ngày, định hướng nâng lên 4.000 mẫu đơn mỗi ngày.
Hiện tỉnh cũng đã chi trên 10 tỉ đồng để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh và thanh toán trên 50 tỉ đồng chi phí bảo hiểm xã hội. Mỗi địa phương có nhiệm vụ hỗ trợ cho người dân vùng phong tỏa về lương thực, thực phẩm; đến nay chưa có trường hợp gia đình nào thiếu lương thực.
Cũng theo ông Ngọc, hiện nay tuy số ca nhiễm đang ở mức độ cao nhưng những ca này nằm trong vùng đang được kiểm soát, công tác truy vết và sàng lọc trên diện rộng tiếp tục duy trì; một số địa phương có số ca bệnh giảm dần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận